Gần 62 năm sau ngày chết, Adolf Hitler có thể bị mất quyền công dân Đức. Một chính trị gia từ Braunschweig đề xuất thu hồi quốc tịch của tên trùm phát xít.
Khi Adolf Hitler được nhận làm công dân Đức, nhân vật này đã đột ngột cắt ngang những lời chúc mừng với tuyên bố: ''Các bạn nên chúc mừng nước Đức chứ không phải tôi''.
Đó là ngày 25/2/1932 và Hitler nghiễm nhiên được nhập quốc tịch Đức sau khi được bổ nhiệm làm công chức tại bang tự do Braunschweig. Đây là một bước quan trọng trong sự tiếp nối sự nghiệp chính trị của Hitler.
Trùm phát xít Đức Hitler. |
Ba phần tư thế kỷ sau đó, Isolde Saalmann - thành viên đảng Dân chủ Xã hội thuộc Quốc hội bang Hạ Saxony tuyên bố, Hitler - người Áo, không nên tiếp tục là công dân Đức. Việc tước bỏ quyền công dân của trùm phát xít chỉ là ''hình thức''. Nữ chính trị gia này đã đề xuất ý tưởng trên lên ban lãnh đạo SPD tại cơ quan lập pháp bang.
Saalmann hiện là Chủ tịch liên hiệp địa phương của đảng SPD tại Gliesmarode, vùng lân cận Braunschweig và người phụ nữ này lấy làm khổ sở vì việc thành phố mình đang sống có mối liên hệ lịch sử với Hitler.
Saalmann nói về ''khu liên hợp Braunschweig'' đang là gánh nặng cho thành phố. Braunschweig vốn tự cho mình là ''thành phố sư tử'' vì có ràng buộc lịch sử với Henry the Lion - vị công tước quyền lực cai trị bang này hồi thế kỷ 12. ''Nếu vùng Hạ Saxony - kế vị hợp pháp của bang tự do cũ Braunschweig, tự tách mình khỏi Hitler thì điều đó sẽ tốt hơn'', Saalmann phát biểu trên tờ Hannoversche Allgemeine Zeitung.
Trò hề nhập cư
Câu chuyện Hitler nhập quốc tịch Đức giống như một trò hề. Chính trị gia tương lai không được nước nào công nhận là công dân đã từ lâu kiên quyết trở thành công dân Đức - tiền đề cho việc nắm giữ một văn phòng chính trị tại Cộng hòa Weimar (cầm quyền ở Đức từ 1919-1933). Tuy nhiên, đúng như chứng hoang tưởng tự đại của Hitler, nhân vật này từ chối tới và xếp hàng tại phòng đăng ký như những người khác. Hitler muốn quốc tịch Đức được người ta nghiễm nhiên trao tặng.
Cố gắng đầu tiên trở thành công dân Đức của Hitler thất bại do chính tính cách của nhân vật này. Năm 1930, một thành viên của đảng Quốc xã đã dàn xếp để Hitler được bầu làm cảnh sát trưởng Hildburghausen, một thị trấn ở vùng Thuringia ở Đức. Việc bổ nhiệm này sẽ khiến Hitler nghiễm nhiên thành công dân Đức. Tuy nhiên, Hitler từ chối vì không thích làm cảnh sát trưởng.
Tiếp đó, các thành viên của đảng Quốc xã tại Braunschweig - thành trì của phong trào Quốc xã, cũng tìm được một cách. Ban đầu, nỗ lực đưa Hitler trở thành giáo sư ở trường đại học kỹ thuật Braunschweig bị thất bại, nhưng sau đó, họ đã thành công trong việc tìm một vị trí ở cơ quan khảo sát đất đai Braunschweig cho Hitler. Tiếp sau đó, Hitler muốn tranh cử Tổng thống và được Bộ Ngoại giao chỉ định làm lãnh đạo văn phòng phái đoàn Braunschweig tại Berlin.
Muốn tước quốc tịch cũng khó
Cách Hitler nhận được quốc tịch Đức cũng khá khác thường. Do đó, kế hoạch thu hồi quyền công dân mà bà Saalmann đề xướng cũng vấp phải một số vấn đề nhỏ. Luật Hiến pháp của Đức cấm tước quyền công dân của một người nếu sau đó người này không phải là công dân của nước nào, như trường hợp của Hitler. Trùm phát xít đã từ bỏ quyền công dân Áo từ năm 1925.
Các luật sư cũng tỏ ý nghi ngờ rằng liệu có thể tước quyền công dân từ một người đã chết hay không dù Hitler đã bị tước quyền công dân danh dự ở Braunschweig từ năm 1946. ''Người chết thì đã chết rồi'', một quan chức Văn phòng Bộ Tư pháp bang Hạ Saxony nói. ''Không có gì bạn có thể lấy từ họ''.
Trong khi đó, các chuyên gia pháp lý thuộc Quốc hội bang Hạ Saxony đang xem xét đề xuất của Saalmann. Cơ quan này sẽ mất vài tuần để đưa ra quyết định về quyền công dân của Hitler.
-
Hoài Linh (Theo Spiegel)