Sáu cường quốc đã thảo luận bản dự thảo cuối cùng về nghị quyết nhằm gia tăng áp lực buộc Iran dừng chương trình làm giàu uranium với rất ít điều khoản thay đổi. Điều đó có nghĩa là, Hội đồng Bảo an có thể sẽ bỏ phiếu về lệnh cấm vận trong vòng hai ngày nữa.
Năm thành viên thường trực có quyền phủ quyết trong hội đồng cùng với Đức đã bác bỏ đề xuất '’90 ngày hoãn mọi biện pháp trừng phạt Iran’’ mà Nam Phi đưa ra.
Quyền Đại sứ Mỹ Alejandro Wolff cho hay, Mỹ cũng bác bỏ những kiến nghị sửa đổi của Indonesia và Qatar và khẳng định, nghị quyết chỉ nên giải quyết duy nhất vấn đề chương trình hạt nhân của Iran.
Theo Đại sứ Anh Emyr Jones Parry, Anh, Pháp và Đức đã xem xét bản dự thảo lần cuối cùng và việc bỏ phiếu thông qua có thể được thực hiện vào thứ bảy. "Bản dự thảo chúng tôi đã xem xét là một phản ứng phù hợp, cân xứng với tình hình’’, ông Jones Parry nói với báo giới sau cuộc họp Hội đồng bảo an. Còn Đại sứ Pháp De La Sabliere nhấn mạnh: ’’hầu hết các thành viên trong hội đồng’’ đã chấp thuận việc áp dụng những biện pháp cấm vận tăng cường chống lại Iran và một cuộc bỏ phiếu thông qua đã sẵn sàng.
Tuần trước, sáu nước đã nhất trí về một nghị quyết dự thảo mới trừng phạt Iran. 10 thành viên không thường trực trong Hội đồng bảo an đã có bản dự thảo một tuần trước. Tuần này, Nam Phi, Qatar và Indonesia đệ trình những đề xuất sửa đổi. Sáu nước đã đưa ra câu trả lời của mình về những đề nghị này hôm qua (22/3).
Tháng 12, Hội đồng bảo an đã nhất trí bỏ phiếu thông qua một lệnh cấm vận hạn chế với Iran khi nước này từ chối ngừng chương trình làm giàu uranium. Nghị quyết cấm các nước cung cấp vật chất, công nghệ đóng góp vào chương trình tên lửa và hạt nhân của Iran, phong tỏa tài khoản của 10 công ty và 12 cá nhân Iran liên quan tới các chương trình này.
Iran trả lời bằng tuyên bố tiếp tục mở rộng chương trình làm giàu uranium, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad luôn khẳng định, chương trình này là hòa bình và chỉ phục vụ mục đích sản xuất năng lượng hạt nhân. Ông Ahmadinejad đã đề nghị sẽ phát biểu trước Hội đồng bảo an trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu về nghị quyết mới.
Trong cuộc phỏng vấn với France-2 TV, ông Ahmadinejad cho hay, ông sẽ đưa ra một số đề xuất mới để giải quyết bất đồng, mặc dù một lần nữa, ông lại bác bỏ yêu cầu ngừng chương trình làm giàu uranium. "Đề xuất của chúng tôi sẽ dựa trên cơ sở quyền và luật pháp và dựa trên những quyền không thể nhượng lại của tất cả các nước’’, lãnh đạo Tehran nói.
Dự thảo nghị quyết mới mà sáu nước thông qua bao gồm lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, phong tỏa tài sản của 28 cá nhân và tổ chức liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa, 1/3 trong số này có dính líu tới lực lượng Bảo vệ cách mạng Iran; kêu gọi các nước tự nguyện hạn chế đi lại với các cá nhân có tên trong danh sách đưa ra, hạn chế bán vũ khí cho Iran, hạn chế hỗ trợ tài chính và các khoản cho vay với chính phủ Iran.
Nam Phi đưa ra đề nghị sửa đổi trong đó có thời hạn 90 ngày hoãn mọi biện pháp trừng phạt Iran và loại trừ việc cấm xuất khẩu vũ khí, cấm vận tài chính nhằm vào lực lượng Bảo vệ cách mạng và một ngân hàng Iran. Ông Jones Parry nói, đề xuất ’’hoãn’’ của Nam Phi bị bác bỏ vì ’’lý do rất đơn giản hỗ trợ Iran trong việc không tuân thủ những bổn phận quốc tế’’.
Một khu vực phi vũ khí ở Trung Đông là đề xuất chính của cả Indonesia và Qatar, nghĩa là khu vực này có liên quan tới Israel, một đồng minh thân cận của Mỹ được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân mặc dù chính phủ Israel chưa bao giờ chính thức công nhận. Và đề nghị này cũng bị bác bỏ.
-
Kỳ Thư (Theo AP)