LHQ hôm 26/3 đã phát động Sáng kiến chống buôn người - một vấn đề mà cơ quan này cho biết đã đạt tới quy mô lây lan như bệnh dịch trong thập kỷ qua.
Trẻ em bị lạm dụng ở Nam Á (AP) |
Sáng kiến này nhằm nâng cao ý thức về tình trạng buôn người cho các nạn nhân tiềm năng cũng như những người mua các sản phẩm, dịch vụ có sử dụng lao động nô lệ.
Theo Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC), nô lệ hiện đại ảnh hưởng tới hàng triệu người trên thế giới. Buôn người hiện là một thị trường có giá trị 30-40 tỷ USD, thường liên quan tới tội phạm có tổ chức. Sự gia tăng nhanh chóng hoạt động buôn người chủ yếu là kết quả của toàn cầu hóa.
Antonio Costa, Giám đốc UNODC, cho biết các kiểu bóc lột khác nhau giữa các nơi. Tại châu Âu, có thể tồn tại sự bóc lột liên quan tới tình dục trong khi ở những nơi khác trên thế giới có những trẻ em bị buộc lặn xuống biển để mò ngọc trai và sò huyết, những người bị đánh đập giống nô lệ hiện đại, phụ nữ trong các mỏ đá.
Theo báo cáo năm 2006 của UNODC, các nước có nhiều nạn nhân là Thái Lan, Trung Quốc, Nigeria, Albania, Bulgaria, Belarus, Moldova và Ukraine. Thái Lan, Nhật Bản, Israel, Bỉ, Hà Lan, Đức, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ là những điểm đến phổ biến nhất.
Không có thống kê chính xác về số người bị ảnh hưởng toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng khoảng 2,5 triệu người trên thế giới là nạn nhân của nạn buôn người. Nhiều người trong số đó là phụ nữ và các bé gái bị buộc làm việc trong ngành công nghiệp tình dục trong khi những người khác là nam giới bị buộc làm việc trong điều kiện nguy hiểm với tiền lương thấp hoặc không được trả công.
Tiền lương của những lao động này quá thấp, không đủ để bù đắp các nhu cầu cơ bản của họ hoặc để họ trở về nhà. Do vậy, họ trở thành tù nhân của chủ sử dụng lao động.
Tổ chức Lao động quốc tế ước tính có 12,3 triệu người buộc phải làm lao động cưỡng bức. Chính phủ Mỹ cho biết có tới 800.000 bị vận chuyển giống hàng hóa qua các đường biên giới quốc tế như là nguồn lao động rẻ mạt. Khoảng 50% người bị buôn bán và bị bán để lao động cưỡng bức là người vị thành niên và 80% là phụ nữ.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều thông báo về nam giới bị buôn bán làm lao động rẻ mạt. Năm ngoái, cảnh sát Italia ở vùng Puglia đã giải thoát cho gần 100 công nhân Ba Lan, những người nói rằng họ làm việc như những nô lệ thực sự, hái cà chua.
Nghị định thư LHQ chống buôn người đã được phê chuẩn năm 2003 và đã được 117 quốc gia ký kết. Nghị định thư này làm cho buôn người trở thành một loại tội phạm quốc tế. Tuy nhiên, việc thực thi luật tại các nước còn yếu và các hình phạt có xu hướng nhẹ tay. Do vậy, ông Costa kêu gọi các quốc gia mạnh tay hơn nữa đối với những kẻ buôn bán người.
-
Minh Sơn (Theo BBC, Herald Tribune)