Bệnh tiêu chảy đang hoành hành ở trẻ em sống chen chúc trong các lều trại tạm thời của những người còn sống sót sau cơn sóng thần tại đảo Solomon, theo lời một nhân viên Hội Chữ thập đỏ. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy, hàng nghìn người bị mất nhà cửa sau sóng thần có thể phải đối mặt với nhiều dịch bệnh nguy hiểm.
Phân bổ hàng cứu trợ tới Gizo.
Hàng cứu trợ quốc tế tới tay người còn sống một cách ’’nhỏ giọt’’, đặc biệt là ở thị trấn Gizo tại phía tây Solomons, nơi chịu tổn thất nặng nề nhất. Ít nhất 2.000 người đã phải trải qua đêm thứ ba trong cảnh màn trời chiếu đất trên một sườn đồi ở Gizo sau khi động đất, sóng thần xảy ra.
Tại thị trấn Munda, một máy bay vận tải quân sự New Zealand đã tháo dỡ hàng viện trợ gồm chăn màn, nước sạch và lương thực, tiếp theo đó là một chuyến tàu chở hàng tương tự đã tới đây. Sáu bác sĩ và 15 y tế vừa đặt chân đến Gizo hôm qua (4/4). Chiều tối qua, một thuyền chở hàng cứu trợ đã rời Thủ đô Honiara tới Gizo, nhưng hai chiếc khác chưa thể xuất bến vì chưa đủ hàng.
Sự thất vọng bắt đầu đến với những người còn sống. "Chẳng có nước để tắm giặt, nước để ăn uống’’, Esther Zekele, người cố gắng chạy trốn sóng thần với chồng và năm đứa con nhỏ nói. "Bao tải gạo duy nhất họ mang theo đã vơi một nửa, không một nhân viên cứu trợ nào tới căn lều tạm thời của họ. "Chúng tôi chỉ biết chờ đợi và tự hỏi vì sao họ lại không tới’’.
Đưa hàng cứu trợ tới các khu làng bị phá hủy ở những nơi xa hơn phải mất ít nhất hai ngày vì đường sá, cầu tàu, bãi hạ cánh đều bị hỏng hóc. "Chúng tôi không thể tới với mọi người sớm hơn nữa, vì thảm họa thiên nhiên thường để lại hậu quả quá lớn’’, Fred Fakarii, Chủ tịch Hội đồng quản lý thảm họa thiên nhiên quốc gia nhấn mạnh. Mọi thứ đều trở nên tồi tệ hơn, xuồng, thuyền bị nhấn chìm, dầu loang khắp nơi...
Ít nhất 28 người đã thiệt mạng khi cơn sóng thần ập tới sau trận động đất dưới biển mạnh 8,1 độ richter. Nhân viên Hội Chữ thập đỏ Nancy Jolo cho hay, nguy cơ dịch bệnh đang tăng cao ở những khu trại tị nạn lớn gần Gizo. "Những gì chúng tôi biết là ở một số trại, trẻ em bắt đầu bị tiêu chảy’’. Bệnh tiêu chảy, dịch tả, sốt rét có thể lan tràn tại khu vực trại tị nạn vì điều kiện vệ sinh không đảm bảo, thiếu nước và thực phẩm sạch. Winnie Tava, 32 tuổi đã cùng chồng và ba con nhỏ sống chen chúc với khoảng 40 gia đình khác. Gia đình này sống tạm dưới căn lều nhựa, và chỉ có duy nhất chiếc nồi nhôm để nấu cơm, cùng một chiếc đèn dầu.
-
Kỳ Thư (Theo AP)