(VietNamNet) - Người châu Á dù sống ở đâu cũng thường rất kín đáo. Tuy nhiên, với cuộc bầu cử ngày 22/4, một số đã quyết định lên tiếng. Dù sống lâu năm hay chỉ học tập, làm việc tại Pháp một thời gian ngắn, đa số đều thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến cuộc chạy đua vào điện Élysée lần này.
>>Pháp: Cuộc bầu cử của sự do dự
Củng cố nền kinh tế
"Nước Pháp có vững mạnh về kinh tế thì mới có thể đưa ra được các chính sách xã hội hợp lý", ông Nguyễn Nicolas, 53 tuổi, khẳng định.
Đến Pháp từ những năm 70, Nicolas hiện là công nhân tại một nhà máy luyện kim ở miền Bắc nước Pháp. Ông theo dõi rất kỹ kỳ bầu cử năm nay, hi vọng sẽ lựa chọn được một vị Tổng thống xứng đáng. Theo ông, vấn đề trọng tâm của cuộc bầu cử năm nay chính là kinh tế.
"Để phục hồi nền kinh tế, nước Pháp cần một chương trình cụ thể. Nicolas Sarkozy đã đưa ra được chương trình như vậy. Hơn nữa, đó là một người dũng cảm và dám tiến hành cải cách".
Theo Nicolas, từ năm 1981, cánh tả đã không dám thực hiện bất kỳ cải cách nào. "Ségolène Royal cũng giống hệt các nhà chính trị cánh tả khác", Nicolas khẳng định. "Cả về kinh tế lẫn chính trị, ứng viên này chưa hề được chuẩn bị. Bà chưa sẵn sàng để đại diện nước Pháp trên trường quốc tế".
Anh chàng nghiên cứu sinh người Ấn Độ 32 tuổi, Navnit Kumar Misra, cũng ủng hộ việc nước Pháp có một vị tổng thống cánh hữu, người có thể củng cố và thúc đẩy nền kinh tế Pháp trong thời kỳ toàn cầu hóa.
"Nếu tôi có quyền lựa chọn, đó sẽ là Nicolas Sarkozy. Chương trình kinh tế của ông rất đáng quan tâm. Nước Pháp cần trở nên cạnh tranh hơn trên trường quốc tế. Hơn nữa, Sarkozy luôn ủng hộ một nước Pháp mạnh về an ninh và đa màu da".
Theo Misra, các bài phát biểu của đảng xã hội mang đậm tính chất "mị dân". Và hơn hết "không thể lãnh đạo một đất nước bằng cách hỏi ý kiến tất cả mọi người. Ségolène Royal không gây cho tôi chút tin tưởng nào", Misra kết luận.
"Nếu không chọn được ứng viên năng lực, nước Pháp sẽ tụt hậu"
Sangkia Kreuawan, 25 tuổi, người Thái Lan, lại dành tình cảm hâm mộ đặc biệt của mình cho nền dân chủ Pháp.
"Ở Thái Lan, người dân không trực tiếp bầu nhà lãnh đạo đất nước. Ở Pháp thì ngược lại, người dân có thể tự do bầu ra các nhà chính trị mà họ tin tưởng".
Với chàng trai trẻ người Thái Lan này thì 12 ứng viên cho một cuộc bầu cử tổng thống là quá nhiều, điều đó sẽ khiến cho sự lựa chọn khó khăn hơn.
"Các ứng viên đều rất xuất sắc. Theo tôi, điều quan trọng nhất lại nằm trong nhân cách của họ", Kreuawan nhấn mạnh. "Ségolène Royal đã thể hiện đuợc là một ứng viên dũng cảm, thông minh và đầy sáng tạo. Các cuộc tranh luận có sự đóng góp ý kiến của người dân là một ý tưởng rất độc đáo. Đặc biệt hơn, một xã hội được đặt dưới quyền lãnh đạo của một phụ nữ là một xã hội cực kỳ tiến bộ. Đó chính là minh chứng cho sự tôn trọng bình đẳng nam-nữ".
"Người Pháp cần lựa chọn một ứng viên có năng lực, nếu không cùng với toàn cầu hóa, nước Pháp sẽ tụt hậu", Li Zhenxuan, nghiên cứu sinh tiến sỹ hóa học tại trường đại học Lille 1 nhận định.
Chàng trai 25 tuổi người Trung Quốc này đặt một cái nhìn thiếu tin tưởng lên các ứng viên.
"Họ đều có các chương trình hành động rất hay ho. Nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu họ thực hiện chúng như thế nào", anh nói. "Ségolène Royal rất không đáng tin tưởng. Các bài phát biểu của bà thường có lời lẽ bay bổng và thiếu thực tế. Hơn nữa, đảng Xã hội đã quá lạm dụng các phương tiện truyền thông để nhấn mạnh Ségolène Royal là ứng viên nữ".
"Dù ai là tổng thống thì cũng chẳng có gì thay đổi"
"Nicolas Sarkozy ? Ông ấy có nhiều ý tưởng nhưng lại là một người quá dân tộc chủ nghĩa, một người rất nguy hiểm. Nếu ông ta trúng cử, nước Pháp sẽ có thể mạnh về kinh tế nhưnglại cần phải coi chừng về vấn đề nhập cư".
Zhenxuan tỏ vẻ khó chiu với phương tiện truyền thông: "Chúng ta đã bị các nhà báo bịt mắt. Trên màn ảnh hay trong các bài viết, chúng ta chỉ thấy có Sarkozy, Royal và Bayrou. Các ứng viên khác ở đâu?", anh đặt câu hỏi. "Nếu tôi có quyền bầu tổng thống, tôi sẽ chọn José Bové. Ông là một nhà môi trường lớn, một nhà quốc tế chủ nghĩa với những ý tưởng xuyên biên giới".
Trái với Zhenxuan, Sangkia hay Navnit Kumar, vẫn có một số người châu Á tại Pháp không thật sự mặn mà với cơn sốt bầu cử lần này. Su Ya, sinh viên quản lý và kinh doanh vẫn luôn nghĩ chỉ có hai ứng viên: Sarkozy và Royal. "Hình ảnh của họ xuất hiện cả ngày trên truyền hình", cô sinh viên 22 tuổi người Trung Quốc chống chế. "Ai trở thành tổng thống thì cũng thế, sẽ chẳng có gì thay đổi cả".
-
Hồ Đức Hạnh (từ Lille)