Trong bài phát biểu quốc gia thường niên trước Quốc hội Liên bang, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định "nhiều kẻ ngoại bang" đang đổ tiền của giúp lực lượng chống đối can thiệp vào đời sống nước này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có bài phát biểu quốc gia thường niên trước Quốc hội liên bang.
Tổng thống Putin tuyên bố: "Không phải tất cả mọi người đều mong muốn sự tăng trưởng ổn định, từng bước của đất nước chúng ta. Hiện có một số kẻ đang dùng chiêu bài dân chủ để xen vào vào các công việc nội bộ của chúng ta. Làn sóng tiền bạc đổ về từ ngoại quốc được dùng để can thiệp trực tiếp vào các vấn đề nội bộ trong nước".
Giới quan sát nhận định những lời lẽ lên án của ông Putin dường như ám chỉ tới sự ủng hộ của phương Tây đối với các lực lượng chống đối chính sách của điện Kremlin như liên minh Nước Nga khác của cựu vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov. Ông Kasparov đã bị bắt và phải nộp phạt 1.000 rouble (khoảng 39 USD) vì tội tổ chức biểu tình trái phép ở Moscow.
Theo ông Putin, "một số kẻ đang truyền bá những điều xấu xa nhất nhằm âm mưu khích động mối bất hoà sắc tộc và tôn giáo tại đất nước dân chủ và đa chủng tộc của chúng ta". Tổng thống Nga cũng đề xuất phải xúc tiến việc thông qua các luật sửa đổi nhằm tăng mức xử phạt đối với các hoạt động của những kẻ cực đoan.
Tưởng niệm cựu Tổng thống Boris Yeltsin
Mở đầu bài phát biểu quốc gia cuối cùng trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ hai vào năm 2008, ông Putin kêu gọi tất cả dành một phút mặc niệm cựu Tổng thống Boris Yeltsin, người vừa đột ngột qua đời ở tuổi 76 sau một cơn đau tim tại bệnh viện hôm 23/4. Ông Putin ca ngợi người tiền nhiệm đã tạo ra những nền tảng cho một nước Nga đổi mới.
Ông Putin cũng hé lộ kế hoạch thành lập một thư viện tổng thống ở Nga. "Tôi đã quyết định xây dựng một thư viện tổng thống với khả năng trở thành một nguồn cung cấp thông tin cho toàn bộ mạng lưới thư viện của đất nước. Dự án này nên được hoàn thành vào cuối năm sau. Tôi đề xuất đặt tên thư viện theo tên của ông Boris Nikolayevich Yeltsin, vị tổng thống đầu tiên của LB Nga", ông Putin nói.
Để tham dự lễ tang người tiền nhiệm, Tổng thống Putin đã quyết định dời bài phát biểu quốc gia từ thứ Tư sang thứ Năm (26/4).
Đe doạ rút khỏi Hiệp ước quân sự với châu Âu
Tổng thống Putin cho biết nước Nga có thể sẽ rút hoàn toàn khỏi Hiệp ước các lực lượng vũ trang ở châu Âu (CFE). Phát biểu trước các nhà lập pháp tại quốc hội, ông Putin nói: "Tôi tin rằng sẽ thật sáng suốt khi tuyên bố nước Nga sẽ ngưng thực hiện hiệp ước này cho đến khi tất cả các thành viên NATO phê chuẩn nó".
Việc đàm phán và kí kết Hiệp ước CFE diễn ra vào những năm 1990, cuối thời Chiến tranh lạnh. Nội dung hiệp ước hạn chế số lượng xe tăng và các khí tài quân sự khác mà những nước tham gia khối NATO và Công ước Warsaw (nay đã giải tán) có thể triển khai trên lục địa châu Âu. Theo đó, các lực lượng vũ trang ở châu lục này sẽ giảm quân số từ 5,7 triệu lính xuống còn dưới 3 triệu lính. Hiệp ước cũng cho phép việc phá huỷ 60.000 xe tăng, khẩu pháo, máy bay, trực thăng và các phương tiện quân sự.
Một Hiệp ước CFE sửa đổi đã được kí kết vào năm 1999. Tuy nhiên, mới chỉ có 4 quốc gia thông qua, trong đó có Nga. Kremlin đã bác bỏ những nỗ lực gắn việc phê chuẩn toàn diện hiệp ước sửa đổi với việc Nga rút hết quân tại các vùng lãnh thổ li khai của Grudia và Moldova (các quốc gia từng thuộc Liên bang Xô viết cũ) của Mỹ và các nước NATO khác.
Ông Putin cáo buộc các thành viên NATO đã sai lầm khi âm mưu "qua mặt" Nga bằng cách không thông qua hiệp ước một cách toàn diện và ủng hộ kế hoạch mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Ba Lan và Cộng hoà Czech. Tổng thống Nga khẳng định: "Cuối cùng đã đến lúc các đối tác của chúng ta góp phần hạn chế khí tài quân sự bằng hành động, chứ không phải lời nói".
Khẳng định di sản
Nội dung bài phát biểu trước Quốc hội liên bang của Tổng thống Putin nêu bật rằng nền kinh tế Nga đang ngày càng tăng trưởng vững mạnh. Ông nói người Nga đã trở nên giàu có hơn dưới thời ông cầm quyền.
"Nước Nga không chỉ chấm dứt hoàn toàn tình trạng suy thoái mà còn trở thành một trong 10 cường quốc kinh tế của thế giới".
Một số nhà phân tích nhận định việc đề cao các thành tựu đạt được có thể giúp ông Putin khẳng định di sản đồng thời chuẩn bị tiền đề cho người được chọn lựa thay ông lãnh đạo Kremlin. Theo hiến pháp, ông Putin sẽ kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 vào tháng 3/'2008 và nước Nga sẽ phải tổ chức bầu cử để chọn ra một vị tổng thống mới.
Bất chấp sự ủng hộ của nhiều người và những lời đồn đoán về việc ông Putin có thể thay đổi điều khoản giới hạn 2 nhiệm kỳ tổng thống trong hiến pháp, người đứng đầu Kremlin tái khẳng định sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ 3. "Bài phát biểu quốc gia tiếp theo sẽ do một lãnh đạo đất nước khác tuyên đọc", ông Putin nói.
Tổng thống Nga đương nhiệm cũng không tiết lộ bản thân ông ủng hộ ai trở thành người kế nhiệm cương vị lãnh đạo đất nước.
-
Thanh Bình (Tổng hợp)