Ứng cử viên Nicolas Sarkozy đã đắc cử chức tổng thống Pháp hôm 7/5 và ngay lập tức nói rằng chiến thắng của ông đồng nghĩa với những mối quan hệ thân thiện với Mỹ trong tương lai.
>Bầu cử Tổng thống Pháp: Cuộc đua đến phút cuối cùng
>Tranh luận Sarkozy-Royal: kẻ tám lạng, người nửa cân
Ông Sarkozy đọc diễn văn trước những người ủng hộ |
Đối thủ của ông, bà Segolene Royal, đã thừa nhận thất bại trong nỗ lực trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Pháp và hy vọng Tổng thống mới của Pháp sẽ hoàn thành nhiệm vụ của ông vì lợi ích của mọi người dân Pháp. Theo Bộ Nội vụ, với gần 70% số phiếu đã được kiểm, ông Sarkozy đã giành được trên 53% phiếu bầu, so với 47% của bà Royal.
Số cử tri đi bầu được dự đoán là 85% - mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm qua - nhờ vào sự năng động của cả hai ứng cử viên và những mong đợi của người dân tại một đất nước đang mất dần ảnh hưởng trên thế giới.
Đối ngoại
Washington có thể ’’tin tưởng vào tình hữu nghị của chúng ta’’, ông Sarkozy thuộc đảng UMP (Liên minh vì Phong trào nhân dân) đã phát biểu trước hàng trăm người ủng hộ đang reo hò. Tuy vậy, ông nói thêm rằng ’’tình hữu nghị đó có nghĩa là chấp nhận rằng bạn bè có thể có những quan điểm khác biệt’’.
Tổng thống Bush đã nhanh chóng gọi điện cho ông Sarkozy để chúc mừng. ’’Mỹ và Pháp là những đồng minh và đối tác lịch sử. Tổng thống Bush mong đợi hợp tác với Tổng thống đắc cử Sarkozy khi chúng tôi tiếp tục liên minh mạnh của mình’’, Gordon Johndroe, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết.
Tổng thống Chirac, Thủ tướng Anh Tony Blair và các lãnh đạo châu Âu khác cũng đã gọi điện chúc mừng ông Sarkozy. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng bà tin tưởng ông Sarkozy sẽ duy trì trục Pháp-Đức ở trung tâm của Liên minh châu Âu.
Gần như chưa được thử thách trên chính trường thế giới, ông Sarkozy đã tuyên bố chính sách đối ngoại của ông trong bài diễn văn đầu tiên với tư cách là Tổng thống đắc cử, kêu gọi Mỹ đi đầu trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu và nói rằng vấn đề này sẽ là một ưu tiên của Pháp.
Đối nội
Ông Sarkozy phản ứng sau khi kết quả không chính thức được công bố |
’’Nhân dân Pháp đã lựa chọn sự thay đổi’’, ông Sarkozy nói, đồng thời cam kết là ’’Tổng thống của mọi người dân Pháp’’. ’’Nước Pháp đã cho tôi mọi thứ và giờ đến lượt tôi trả lại nước Pháp cái mà nước Pháp đã cho tôi’’, ông nói.
Ông Sarkozy, 52 tuổi, con trai của một người nhập cư Hungary, sẽ tiếp nhận quyền lực từ Tổng thống Chirac vào ngày 16/5 và hứa sẽ nhanh chóng thực thi các chính sách trong cương lĩnh tranh cử của ông. Chiến dịch tranh cử của ông được dựa trên chủ đề ’’la rupture’’ - đoạn tuyệt với những chính sách trong quá khứ mà ông cho là đã gây nợ nần cho nước Pháp, thất nghiệp cao và sự bất mãn tại các vùng ngoại ô có nhiều người nhập cư sinh sống.
Sau các cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 6 tới, mà trong đó ông Sarkozy sẽ tìm kiếm một chiến thắng cho đảng UMP và các đồng minh của đảng này, ông dự định bắt đầu tiến hành chương trình cải cách: bỏ thuế làm việc thêm giờ, giảm thuế thừa kế, ban hành luật đảm bảo dịch vụ tối thiểu trong các cuộc đình công của ngành vận tải, các quy định buộc người thất nghiệp phải chấp nhận những công việc được cung cấp và giảm thất nghiệp từ 8,3% xuống dưới 5% vào năm 2012.
Về xã hội, ông Sarkozy cam kết sẽ ban hành quy định làm cho những người nhập cư khó khăn hơn trong việc đưa gia đình của họ tới Pháp. Chương trình của ông hoàn toàn trái ngược với hứa hẹn của bà Royal tạo ra 500.000 việc làm trong khu vực công cộng và tăng lương tối thiểu.
Theo các nhà phân tích, một công việc không kém phần quan trọng là ông Sarkozy sẽ phải nỗ lực để đoàn kết người dân Pháp, cũng như giành được sự ủng hộ của những cử tri đã bỏ phiếu chống lại ông.
Cảnh sát đã được tăng cường khắp Paris để ngăn chặn nguy cơ bạo động. Cảnh sát chống bạo động đã phải sử dụng hơi cay để giải tán những người biểu tình ném đá ở trung tâm Paris. Khoảng 300 người, một số đeo mặt nạ, đã tấn công cảnh sát. Một nhóm người biểu tình đã đốt hình nộm của ông Sarkozy ở quảng trường.
-
Minh Sơn (Tổng hợp)