Lần đầu tiên kể từ sau cuộc chiến liên Triều 1950-1953, ngày mai (17/5) Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên sẽ thông tuyến đường sắt qua biên giới chung được vũ trang kỹ càng.
Động thái trên được Hàn Quốc coi là sự kiện quan trọng trong tiến trình hòa giải giữa hai bên.
Nhiều nhân vật nổi tiếng, các chính trị gia và thậm chí người lái chuyến tàu cuối cùng vượt biên giới hai nước năm 1951 cũng sẽ có mặt trên hai đoàn tàu, một xuất phát từ CHDCND Triều Tiên và một từ Hàn Quốc. Mỗi tàu sẽ thực hiện hành trình khoảng 25km, đi qua biên giới cuối cùng thời Chiến tranh lạnh.
’’Chính phủ Hàn Quốc cũng như người dân nước này luôn mong mỏi những dấu hiệu nhân nhượng lẫn nhau’’, Brian Myers, phó giáo sư chuyên về quan hệ quốc tế tại trường đại học Dongseo cho hay.
Hàn Quốc, vốn lo ngại sẽ phải tốn hàng trăm tỷ đôla để hợp nhất với CHDCND Triều Tiên, đã tìm kiếm hàng loạt dự án để đưa hai phía dần trở lại với nhau.
Tuy nhiên, hiện chính phủ Hàn Quốc vẫn đang bị chỉ trích vì gửi khối lượng viện trợ đồ sộ cho Bình Nhưỡng và bị nước láng giềng từ chối. Việc này làm ngừng các dự án hợp tác, tạo nên khủng hoảng an ninh với vụ thử nghiệm hạt nhân của CHDCND Triều Tiên vào năm mới.
Hàn Quốc - CHDNCD Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh vì xung đột giữa hai bên chỉ kết thúc với một hiệp ước đình chiến. Hai miền Triều Tiên bị phân cách bởi một biên giới với những hàng rào sắc cộng với bãi mìn. Hiện, có hơn 1 triệu binh lính ở cả hai phía đang đóng quân tại vùng đệm phi quân sự.
Ngày mai, cả người Hàn Quốc lẫn người CHDCND Triều Tiên sẽ cùng nhau đi trên hai chuyến tàu chở khách, mỗi tàu chở 150 người, chạy trên đoạn đường sắt do Hàn Quốc xây dựng.
Một năm trước đây, vì lo ngại an ninh, giới chức Bình Nhưỡng đã hủy kế hoạch thông tàu dự định. Để thuyết phục CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc phải viện trợ 80 triệu USD về công nghiệp nhẹ cho nước này. Tuần trước, Bình Nhưỡng đã chấp nhận việc thông một tuyến đường, bất chấp sức ép mở thêm nhiều tuyến đường sắt giữa hai nước của Hàn Quốc.
-
Hoài Linh (Theo Reuters)