Một tòa án Nhật hôm nay (18/06) đã mở đường cho nhà chức trách tịch thu đại sứ quán không chính thức của CHDCND Triều Tiên để trừ nợ.
Trụ sở 10 tầng của Chongryon tại Tokyo
Tổng hội người Triều Tiên tại Nhật - viết tắt là Chongryon, là cơ quan đại diện cho những người Triều Tiên trung thành với Bình Nhưỡng tại Nhật. Chongryon cũng là đại sứ quán không chính thức của CHDCND Triều Tiên tại Nhật do hai nước không duy trì quan hệ ngoại giao.
Hiệp hội này bị một cơ quan thu nợ của Chính phủ Nhật kiện vì không thanh toán các khoản vay chưa trả, do các tổ chức tài chính thân thiện với Bình Nhưỡng đã bị phá sản nợ.
Tòa án quận Tokyo phán quyết rằng Chongryon phải trả tổng số nợ là 62,7 tỷ yen (508 triệu USD) và nhà chức trách có thể tịch thu tài sản trên để ký quỹ, gồm cả trụ sở chính của tổng hội này tại Tokyo.
Bác bỏ cáo buộc của Chongryon là tòa án có thành kiến, thẩm phán Tsutomu Arai nói: "Không có bằng chứng nào cho thấy nguyên đơn kiện vì mục đích chính trị như buộc bị đơn phải giải tán tổ chức của mình".
Trong một diễn biến khác, hy vọng bán được trụ sở chính 10 tầng nằm ở trung tâm thủ đô Tokyo của Chongryon đã sụp đổ.
Shigetake Ogata, cựu điệp viên Nhật, người chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động của CHDCND Triều Tiên tuyên bố, ông sẽ mua trụ sở trên như một cử chỉ thiện chí đối với cộng đồng nhỏ bé trên. Tuy nhiên, ý định này không thể thực hiện
Ông Ogata đang đối mặt với làn sóng chỉ trích mạnh mẽ, từ cả Thủ tướng Shinzo Abe - người có lập trường cứng rắn về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và việc quốc gia này bắt cóc công dân Nhật trong quá khứ.
Tuần trước, nhà của Ogata đã bị lục soát vì vụ việc trên. Ông này thừa nhận đang phải chịu sức ép rất lớn. "Tôi lấy làm tiếc rằng phán quyết của tòa án sẽ mở đường cho việc tịch thu trụ sở chính của Chongryon, ngôi nhà thân thiết của người Triều Tiên tại Nhật. Tôi không thể hoàn thành vụ mua bán này, có lẽ sau này mọi người sẽ hiểu trong giao dịch này không có gì là bất hợp pháp".
Hiện, 600.000 người Triều Tiên đang sống ở Nhật, hầu hết là những người di trú hoặc bị ép sang Nhật trong thời kỳ 1910-1945 khi Nhật chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên. Khoảng 10% trong số này là hội viên của Chongryon. Nhà chức trách Nhật đã không ít lần lục soát văn phòng của Chongryon vì nghi tổ chức này xuất hàng sang CHDCND Triều Tiên và tham gia các vụ bắt cóc.
-
Hoài Linh (Theo AFP, Japan Today)