221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
958486
Kỳ II: Ánh dương trên đỉnh Kim Cương
1
Article
null
Kỳ II: Ánh dương trên đỉnh Kim Cương
,
(VietNamNet) - Cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung - người được trao giải Nobel Hoà Bình - từng nói: "Đặc khu du lịch Núi Kim Cương chính là con cả của Chính sách Ánh dương của tôi". 

>> Kỳ I: Khát vọng thống nhất trên vùng DMZ 

Vẻ đẹp quyến rũ của vùng núi Kim Cương.
Vẻ đẹp quyến rũ của vùng núi Kim Cương. Ảnh Trần Kiên

Bỏ việc có thu nhập hậu hĩnh tại thung lũng Silicon, để lại vợ và con gái nhỏ ở Mỹ, một mình hành trang trở về Kumgangsan (Núi Kim Cương) - lúc đó vẫn còn là một vùng núi non xa xôi, lạc hậu và dường như cô lập với thế giới bên ngoài ở CHDCND Triều Tiên. Giờ đây, ngồi trong sảnh khách sạn sang trọng của công ty mình, Byun, Ha-Jung - Tổng Giám đốc phụ trách Kế hoạch và Quan hệ với các nhà đầu tư nước ngoài của tập đoàn Hyundai Asan - vui vẻ cho biết: ’’Chúng tôi đang cố gắng vì lợi ích của cả hai bên’’. 

"Tôi từng làm CEO ở Thung lũng Silicon, nhưng tôi chọn về đây với mức lương chỉ bằng 40% lương cũ. Công ty làm ăn vẫn lỗ nhưng tôi thích công việc này, muốn đóng góp cho khu vực này. Nhiều khi tôi không có lương, nhưng đây là một công việc mà một ai đó phải làm cho đất nước này". 

Cách khách sạn không xa là hệ thống cửa hàng miễn thuế, tiệm ăn, rạp xiếc... tất cả hầu như đều thuê nhân công người CHDCND Triều Tiên - những người đến làm tại đặc khu du lịch Núi Kim Cương từ những ngôi nhà cấp bốn, mái ngói xám nằm san sát nhau trong những ngôi làng bên kia hàng rào dây thép gai. 

Dù ở vị trí nào, dù là giám đốc hay nhân viên bán hàng, dù đến từ Nam hay Bắc, tất cả đang góp phần xây dựng đặc khu du lịch Núi Kim Cương - nơi được coi là biểu tượng hoà giải, hợp tác giữa hai miền Nam - Bắc Triều. 

"Con cả của Chính sách Ánh dương" 

Không phải ngẫu nhiên, cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung - người được trao giải Nobel Hoà Bình - từng nói: "Đặc khu du lịch Núi Kim Cương chính là con cả của Chính sách Ánh dương của tôi". 

Do quốc gia bị chia cắt, hai nửa của bán đảo ngày càng trở nên khó khăn. Chính phủ Kim Dae-jung đã ban hành chính sách Ánh dương với cố gắng tái thiết một cộng đồng quốc gia thông qua trao đổi và hợp tác liên Triều hơn là vội vã tiến tới thống nhất đất nước. 

Chính sách trên không những đã mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai miền Triều Tiên mà còn giúp xoá bỏ sự không tin tưởng lẫn nhau vốn kéo dài hơn nửa thế kỷ, hướng tới hồi phục sự hoà đồng của dân tộc Triều Tiên. 

Làng mạc của người CHDCND Triều Tiên. Ảnh Trần Kiên
Làng mạc của người CHDCND Triều Tiên. Ảnh Trần Kiên

Cùng với hàng loạt các dự án như tuyến đường sắt liên Triều, Cụm công nghiệp Gaeseong, đặc khu du lịch Núi Kim Cương là những điểm sáng trong nỗ lực hoà giải, hợp tác hai miền Nam - Bắc Triều. 

Theo thoả thuận giữa chính phủ Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên từ tháng 11 năm 1998, đặc khu du lịch núi Kim Cương chủ yếu do người Hàn Quốc, người Triều Tiên từ nước ngoài và người nước ngoài điều hành và khai thác. Tuy nhiên, cho đến nay, việc khai thác dịch vụ du lịch và xây dựng cơ sở hạ tầng chủ yếu do tập đoàn Hyundai Asan thực hiện. 

Namdoo Kim, giáo sư thuộc Hiệp hội Báo chí Hàn Quốc (KPF) nói rằng, sở dĩ Hyundai Asan được phép đầu tư và khai thác bởi lẽ cha đẻ của tập đoàn Hyundai khổng lồ Chung Ju-yung là người miền Bắc. 

Chuyện kể rằng, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở miền Bắc bán đảo Triều Tiên, khi còn trẻ Chung Ju-yung đã ăn trộm một con bò của bố, bán lấy tiền rồi trốn xuống miền Nam lập nghiệp. Từ số tiền ít ỏi đó, bắt đầu kiếm sống bằng nghề đưa gạo thuê, rồi dần đưa công ty Hyundai của mình thành một ’’đế chế toàn cầu’’ như ngày nay. 

Giáo sư Kim cho rằng, sự thành công của Hyundai là niềm tự hào chung của người miền Nam và miền Bắc bán đảo Triều Tiên, và cũng một phần vì đó mà Hyundai Asan được ’’ưu ái’’ đầu tư vào đặc khu du lịch trên. 

Hiện nay, đặc khu du lịch núi Kim Cương đã được đầu tư mạnh, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại với 5 khách sạn, hệ thống biệt thự nhà nghỉ, cửa hàng miễn thuế, rạp xiếc, khu vui chơi giải trí... 

Byun, Ha-Jung cho biết, người CHDCND Triều Tiên được tạo công ăn việc làm trong khu du lịch. Cũng nhờ khu du lịch, thu nhập của người dân xung quanh được cải thiện. 

"Chúng tôi mua thực phẩm, rau quả và cá của dân làng sống gần đặc khu du lịch", Byun, Ha-Jung nói.

"Nếu các khu vực kinh tế hợp tác với nhau. Tôi nghĩ, một ngày hai bên sẽ thống nhất. Nếu không sẽ rất khó, bởi lẽ hai miền đã chịu cảnh chia cắt đã hơn 62 năm qua, có quá nhiều khác biệt để có thể ngồi cùng bàn thương thuyết". 

Giấc mơ có thật! 

Đã từ lâu, người dân Triều Tiên luôn nói: ’’Không ai có thể nhắm mắt xuôi tay trước khi được tới núi Kim Cương". Nhưng, chiến tranh bùng nổ, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt, kẻ Nam người Bắc, trong suốt hơn 50 năm bị chia cắt ấy rất nhiều người Hàn Quốc đã mất trước khi được đặt chân tới thánh địa ’’Kim Cương’’ của mình. 

Con người hai miền Nam Bắc chung tay xây lại chùa Shingyesa. Ảnh Trần Kiên
Con người hai miền Nam Bắc chung tay xây lại chùa Shingyesa. Ảnh Trần Kiên

Cuối cùng cái ước nguyện đó của người dân Triều Tiên cũng trở thành hiện thực. Byun, Ha-Jung cho biết: "Đối với những người Hàn Quốc, chuyến "hành hương" tới núi Kim Cương là một cuộc hành trình tìm lại một nửa đã mất". 

Tất nhiên, như lời của Giáo sư Young Kwan Yoon thuộc đại học Seoul, nếu xét theo luật quốc tế, giữa hai miền Nam Bắc Triều vẫn trong tình trạng chiến tranh. Như thế, lẽ tất yếu, đối với người Hàn Quốc muốn sang đất CHDCND Triều Tiên thăm núi Kim Cương, họ phải trải qua một hành trình dài, nhiều thủ tục phức tạp của cả 3 bên: Hàn Quốc, LHQ và CHDCND Triều Tiên. 

Từ phía Hàn Quốc, khách du lịch phải làm thủ tục hải quan, sau đó tập kết và đi cùng đoàn xe buýt treo cờ của ’’không quốc gia nào cả’’ - cờ hình đuôi nheo màu đỏ. Đoàn xe được quân đội Hàn Quốc hộ tống, sau đó vào khu vực DMZ được lính LHQ hộ tống đến vùng do phía CHDCND Triều Tiên kiểm soát, sau đó được xe quân sự của quân đội CHDCND Triều Tiên đưa đến khu vực hải quan... 

Dù khó khăn là vậy, nhưng kể từ khi được thành lập, hàng triệu người Hàn Quốc, và khoảng 7.000 người nước ngoài đã tới đặc khu du lịch Núi Kim Cương này. 

Người Hàn Quốc và du khách quốc tế đổ về núi thiêng Kim Cương.
Người Hàn Quốc và du khách quốc tế đổ về núi thiêng Kim Cương. Ảnh Trần Kiên

Theo kết quả thăm dò của Tổ chức Du lịch Hàn Quốc, hầu hết các du khách sau khi tới núi Kim Cương đều thay đổi thái độ, tích cực hơn đối với CHDCND Triều Tiên. 

Một du khách cho biết: "Tôi thực sự mong muốn hai bên sẽ thống nhất".  

Đối với thế hệ trẻ Hàn Quốc sinh ra sau chiến tranh, nỗi sợ hãi và định kiến mơ hồ đã chuyển thành cảm giác về một tính thuần nhất và thân thiện về một miền Bắc Triều Tiên. 

Ở trong đặc khu du lịch Kim Cương, người ’’hành hương’’ Hàn Quốc không thể không đặt chân tới ngôi chùa Shingyesa. Ngôi chùa này đã bị đốt cháy trong cuộc chiến Nam - Bắc Triều. Tuy nhiên, năm 2004, hai bên đã bắt tay xây dựng lại ngôi chùa. 

Một nhà sư của chùa vừa chỉ vào nhóm thợ đang ăn cơm vui vẻ cùng mâm cho biết: ’’Họ là những người thợ Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên. Ngôi chùa sẽ hoàn thành trong năm nay. Cả hai bên đang cùng nhau xây dựng, cùng hướng tới thống nhất và bảo tồn giá trị văn hoá’’. 

Phóng viên tờ Al-Watan - Qatar, Louay Abboushi cho biết: "’Điều cảm nhận đầu tiên là cả người Nam và Bắc đều thuần nhất, họ có chung nguồn gốc ngôn ngữ, văn hoá...’’ 

Trên bãi biển Haekumgang, rất nhiều người Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên vui vẻ ngồi nói chuyện với nhau. Ngay giữa ngôi nhà nghỉ xây theo kiểu Triều Tiên truyền thống bên bãi biển, một nhóm đàn ông trung niên Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đang tranh luận với nhau rất sôi nổi, hỏi ra mới biết họ đang nói về một trận bóng giải Ngoại hạng Anh. Tất nhiên, họ nói với nhau bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình - tiếng Triều Tiên.

 
Chính sách Ánh Dương hiện được coi là "cột buồm" trong chính sách của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên. Chính sách này chú trọng thúc đẩy hợp tác hoà bình, tiến tới hoà giải và thống nhất.

Hàm ý của chính sách Ánh Dương bắt nguồn từ một câu chuyện ngụ ngôn: mặt trời và gió thách nhau lột áo khoác của con người. Gió ra sức thổi thật mạnh, nhưng con người giữ chặt chiếc áo của mình. Mặt trời chiếu những tia nắng ấm áp, con người tự nguyện cởi áo để tận hưởng tiết trời tuyệt đẹp.

Mục tiêu chính của chính sách Ánh dương nhằm làm "mềm" thái độ của CHDCND Triều Tiên đối với Hàn Quốc thông qua các hoạt động trao đổi và hỗ trợ kinh tế.

Chính sách Ánh dương có 3 nguyên tắc chính:
- Không tha thứ bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào của CHDCND Triều Tiên.
- Hàn Quốc không cố gắng ’’thâu tóm’’ CHDCND Triều Tiên bằng bất kỳ hình thức nào.
- Hàn Quốc chủ động hợp tác.

Kể từ khi thực hiện Chính sách Ánh dương năm 1998 - dưới thời Tổng thống Kim Dae-jung, hai miền Nam - Bắc Triều Tiên đã có nhiều cuộc tiếp xúc chính trị, hợp tác kinh tế và tổ chức gặp gỡ cho các gia đình bị chia cắt.

Năm 2000, cựu Tổng thống Kim Dae Jung đã được trao giải Nobel hoà bình vì chính sách Ánh Dương.

  • Trần Kiên  

Kỳ III: Thống nhất - không phải chuyện một sớm một chiều

 

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,