"Để đóng cửa, vô hiệu hóa và cuối cùng là hủy bỏ các cơ sở hạt nhân, CHDCND Triều Tiên cần có một lò phản ứng nước nhẹ", ông Kim phát biểu với các phóng viên tại sân bay Bắc Kinh trước khi lên đường trở về Bình Nhưỡng.
Tuyên bố của ông Kim được ra sau khi các cuộc đàm phán 6 bên diễn ra trong 3 ngày qua tại Bắc Kinh kết thúc mà không đạt được kết quả cụ thể nào. Đại diện CHDCND Triều Tiên tái khẳng định họ đã đóng cửa lò ứng hạt nhân chính Yongbyon và sẽ vô hiệu hóa tât cả các cơ sở hạt nhân còn lại để đổi lấy viện trợ năng lượng cũng như các nhượng bộ ngoại giao theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 2.
Phái viên hạt nhân hàng đầu CHDCND Triều Tiên Kim Kye-Gwan vẫy chào các phóng viên tại sân bay Bắc Kinh
Tuy nhiên, CHDCND Triều Tiên và 5 đối tác đàm phán (Mỹ, Nga, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc) đã không thống nhất được hạn chót cho quá trình trên. Các nhóm chuyên gia sẽ gặp nhau để soạn thảo những chi tiết kỹ thuật và chuyên môn cho giai đoạn giải trừ tiếp theo trước khi các vòng thương thuyết mới được nối lại vào tháng 9.
CHDCND Triều Tiên hiện là quốc gia "đói năng lượng". Nước này thường xuyên thiếu điện và cần lò phản ứng nước nhẹ để sản xuất điện. Hồi tháng 9/2005, các nước tham gia đàm phán đã nhất trí sẽ thảo luận về việc cung cấp cho Bình Nhưỡng các lò phản ứng nước nhẹ "vào một thời điểm thích hợp". Washington khăng khăng rằng động thái này chỉ diễn ra khi BÌnh Nhưỡng đã đóng cửa mọi cơ sở hạt nhân.
Cũng trong ngày hôm nay, trưởng đoàn đàm phán CHDCND Triều Tiên lên tiếng cáo buộc: "Nhật đang gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị còn tồi tệ hơn các biện pháp trừng phạt tài chính, một cuộc khủng hoảng xâm phạm đến chủ quyền quốc gia của chúng tôi. Tôi đã cảnh báo rằng nếu họ tiến hành bước tiếp theo, thảm họa sẽ tới".
Ông Kim từ chối nói rõ về phát biểu trên. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, nó ám chỉ việc chính phủ Tokyo mới đây ép tổ chức một cuộc bán đấu giá các trụ sở của Tổng hội những người Triều Tiên cư trú tại Nhật (Chongryon), vốn luôn ủng hộ chính quyền Bình Nhưỡng. Lời cáo buộc cũng có thể nhắm vào sự nhất quyết của Nhật rằng tranh cãi kéo dài quanh việc CHDCND Triều Tiên bắt cóc công dân nước này trong những năm 1970 và 1980 phải được giải quyết trước khi Tokyo tham gia những hoạt động viện trợ cho Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, 60 xe tải chở gạo đầu tiên của Hàn Quốc đã lên đường vượt biên giới, sang CHDCND Triều Tiên hôm 20/7. Theo thỏa thuận 6 bên hồi tháng 2, chính phủ Seoul hứa sẽ viện trợ 400 tấn lương thực cho quốc gia láng giềng. Nó diễn ra sau khi các thanh sát viên IAEA xác nhận việc CHDCND Triều Tiên đã đóng cửa tất cả 5 cơ sở tại tổ hợp hạt nhân chính Yongbyon hồi tuần trước.
-
Thanh Bình (Theo AFP, BBC, AP)