Những người bàng quan có thể dễ nhầm quang cảnh trong bức ảnh dưới đây là hiện trường một vụ án mạng. Những dải băng màu vàng phong tỏa lối vào một trang trại ở Surrey, tây nam London, báo hiệu kẻ sát nhân có thể hành động bừa bãi ở Anh một lần nữa.
Mọi lối vào trang trại Surrey đều bị phong tỏa để kiểm soát dịch lở mồm long móng. |
Sáu năm trước, căn bệnh lở mồm long móng (FMD) đã tàn phá các trang trại Anh, ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch và hủy hoại danh tiếng của chính quyền Thủ tướng Tony Blair. Các bộ trưởng đã phản ứng quá chậm chạp khi căn bệnh lần đầu tiên được phát hiện và họ thậm chí còn làm tồi tệ thêm sai lầm khi đưa ra những lời bảo đảm mà chẳng bao lâu sau được chứng minh là giả dối.
Các vùng miền nông thôn nước Anh tràn ngập nỗi lo sợ khi xác của sáu triệu rưỡi vật nuôi - bị giết để chặn nạn dịch - được đưa lên giàn thiêu. Tổn thất về tài chính mà nước Anh phải gánh chịu ước tính lên tới 8,5 tỷ Bảng.
Giờ đây tai họa đã trở lại. Gordon Brown, người kế nhiệm ông Blair, quyết tâm không để đại dịch ảnh hưởng đến vị thế của mình. Ngày 3/8, Trưởng Cơ quan Thú y Anh Debby Reynolds khẳng định rằng các cuộc kiểm tra gia súc ở Surrey đã cho kết quả dương tính với căn bệnh. 64 con gia súc tại ổ dịch đã bị tiêu hủy và trang trại này giờ đã được cô lập để tránh lây lan. Hai vùng đệm đã được thiết lập, một vùng bảo vệ rộng 3km và một vùng giám sát rộng 10km. Trong hai vùng này là Phòng thí nghiệm Pirbright chuyên nghiên cứu FMD và các căn bệnh khác trên động vật.
Các thử nghiệm ban đầu cho thấy gia súc ở Surrey đã nhiễm một chủng FMD mà chính phủ Anh khẳng định "không phải loại mới đây được xác định đã tìm thấy trên động vật".
Tuy nhiên, chủng này "tương tự như những chủng được sử dụng trong các phòng thí nghiệm chẩn đoán quốc tế và sản xuất vaccine".
Hiện còn quá sớm để biết liệu khoa học có giải quyết được tai họa mới hay không. Các nhà khoa học đang tiến hành kiểm tra cái mà ông Reynolds miêu tả là "một số ít" các ổ dịch có thể bùng phát ở những nơi khác.
Nông dân và những người làm du lịch đang cầu mong thử nghiệm cho kết quả âm tính nhưng họ cũng sẵn sàng chịu đựng.
Một lệnh cấm xuất khẩu vật nuôi đã có hiệu lực và Liên minh châu Âu cùng nhiều quốc gia riêng rẽ khác sẽ áp đặt các hạn chế đối với nhập khẩu từ Anh Trong khi đó, các câu chuyện hãi hùng về FMD bắt đầu lưu truyền. Căn bệnh này hiếm khi nhiễm sang người nhưng bất chấp những lời cảnh báo như vậy, hồi năm 2001, nhiều khách du lịch đã hủy bỏ hoặc cắt ngắn lịch trình các chuyến đi tới Anh.
Đây là cuộc khủng hoảng thứ 3 mà chính phủ mới ở Anh phải đối mặt. Kể từ khi Brown lên làm Thủ tướng cuối tháng 6, ông và các bộ trưởng đã phải đương đầu với loạt âm mưu tấn công khủng bố ở London và Glasgow; tiếp đó là trận lụt khủng khiếp ở một số vùng miền.
Biện pháp mà ông Brown thực thi đã đánh đúng tâm lý cử tri và các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy sự ủng hộ dành cho Đảng Lao động "tăng vọt" kể từ khi ông Brown lên nắm quyền, tiếp sức cho hội đàm về một cuộc bầu cử nhanh vào đầu mùa thu này.
Đó là một viễn cảnh tuyệt vời cho Công đảng sau khi phe Bảo thủ đối lập xử lý quá tồi tình trạng lụt lội. Lãnh đạo đảng này, ông David Cameron, đã chọn cách hoàn thành chuyến đi tìm hiểu thực tế ở châu Phi trong lúc cử tri ủng hộ ông ở quê nhà phải đối phó với lũ lụt.
Giờ thì Cameron đã hoãn các kế hoạch đi nghỉ để theo sát tình hình và ông Brown cũng trở về sau một ngày nghỉ ngơi ở phía tây nam đất nước để chỉ đạo cuộc chiến chống FDM. Trả lời phỏng vấn của BBC, tân Thủ tướng Anh cam kết: "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng để xem xét các bằng chứng cụ thể và tìm hiểu tới cùng những gì đã xảy ra, và sau đó là diệt trừ căn bệnh này".
Đó là một lời hứa mà ông Brown cần phải giữ đúng. Hành động cẩu thả sẽ để lại những hậu quả kinh tế nghiêm trọng và ảnh hưởng chính trị lâu dài. Cuộc tổng tuyển cử dự tính hồi tháng 5/2001 đã bị hoãn khi chính quyền của Thủ tướng Blair chật vật đưa FMD vào tầm kiểm soát.
Mặc dầu Công đảng đã thắng cử sau đó, danh tiếng của đảng này đã bị hủy hoại. Và đây sẽ không phải là những gì mà tân Thủ tướng Anh sẵn sàng đón đợi.
-
Thanh Hảo (Theo Time)