Họ vẫn thức trước lúc bình minh trong những căn phòng tập thể nóng nực, nhồi nhét khoảng 12 người hay nhiều hơn mỗi phòng. Họ vẫn đổ bê tông hay làm cột thép trong nắng nóng 43 độ C. Mất nhiều năm cách xa gia đình từ Ấn Độ, Pakistan hay nhiều nước khác, họ tới đây để kiếm chừng 1 USD/giờ. Họ vẫn tuân thủ những quy định của chủ lao động, những quy định mà nhiều người gọi là "khế ước nô lệ".
Công nhân đang xây dựng các toà nhà chọc trời.
Tuy nhiên, công nhân ngành xây dựng (1 triệu người) nổi tiếng vì bị ngược đãi, đã giành được một số ít thắng lợi.
Sau vài năm bị chỉ trích mạnh mẽ vì những điều kiện lao động, chính quyền Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất đã tìm ra các giải pháp giải quyết tình trạng này. Với một trong những làn sóng xây dựng lớn nhất thế giới, người dân Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất đã trở thành thiểu số so với dân di cư. Chính quyền đã áp dụng quy định bắt buộc nghỉ trưa, cải thiện phúc lợi y tế, nâng cấp điều kiện sống và ngăn chặn việc chủ lao động không trả tiền lương đủ cho công nhân.
Rất nhiều nước giàu, gồm cả Mỹ, dựa vào vào lao động nước ngoài giá rẻ. Nhưng không có quốc gia nào phụ thuộc kiểu như Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, nơi người nước ngoài chiếm tới 85% dân số và 99% lao động tư nhân. Từ các chủ ngân hàng đến anh thợ cắt tóc, nơi đây có khoảng 4,5 triệu người nước ngoài so với 800.000 người dân Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, thống kê của Bộ Lao động. Khoảng 2/3 người nước ngoài đến từ các quốc gia Nam Á, với 1,2 triệu lao động là công nhân xây dựng.
“Tôi không nói chúng tôi không có vấn đề gì’’, Ali bin Abdulla Al Kaabi, Bộ trưởng Lao động Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất cho biết. ‘’Bùng nổ lao động nước ngoài là một vấn đề, chúng tôi đang cố gắng giải quyết ổn định tình hình’’.
Tuy nhiên, những thay đổi trong lao động ở đây chỉ như là sự miễn cưỡng trước những quan ngại thiếu lao động. Giống như rất nhiều nước khác, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất cần lực lượng lao động nước ngoài nhưng lại lo lắng về số lượng ngày một gia tăng của họ. Tâm điểm là cải thiện điều kiện của các công nhân vẫn còn quá xa khi công nhân nước ngoài vẫn bị kiểm soát chặt chẽ, gần như cô lập với dân cư nói chung, không có quyền tổ chức công đoàn, không có cơ hội trở thành công dân của Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất.
“Chúng tôi muốn bảo vệ thiểu số’’, ông Kaabi nhấn mạnh.
Sami Yullah, 24 tuổi, thợ lắp đặt đường ống từ Pakistan đến cách đây bốn năm. Cũng như rất nhiều công nhân khác, anh phải trả gần một năm tiền lương cho một tổ chức tuyển dụng trái phép mặc dù luật ở đây quy định các chủ lao động phải chịu mọi phí tổn thuê nhân công. Đổi lại, anh được cam kết có một công việc lắp đặt đường ống thoát nước với lương tháng khoảng 225USD, gần gấp đôi với mức thu nhập anh có được ở Pakistan.
Yullah có được một việc làm vất vả và nguy hiểm nhiều hơn anh mong đợi. Hai công nhân cùng làm đã thiệt mạng, anh nói, và hai người khác bị thương khi họ ngã xuống cống. Điều kiện sinh hoạt ở lán trại công nhân nơi anh sống rất nghèo nàn, đặc biệt kể từ khi người chủ lao động cắt giảm tối đa điện nước cung cấp. Vấn đề sau đó còn tồi tệ hơn nhiều: công ty ngừng trả lương cho công nhân.
Phần nào đó, Bộ Lao động của ông Kaabi đã đứng sau các công nhân. Họ thực hiện cải tổ hệ thống cung cấp điện nước trong các lán trại, trả lương cho công nhân, cấm công ty không tuyển dụng thêm lao động và giúp công nhân, những người như Yullah (người vẫn bị nợ lại khoảng 6 tháng lương) tìm kiếm các công việc mới.
So với tiêu chuẩn lao động toàn cầu, việc phạt một công ty không trả lương cho công nhân tại các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất có vẻ vẫn ở mức khiêm tốn, nhưng Yullah vẫn công nhận đây là điều mới mẻ. “Công ty lừa tôi’’, anh nói. ‘’Nhưng bộ Lao động đã đứng về phía công nhân’’.
Kể từ khi bắt đầu phát triển ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ và xây dựng một nền kinh tế hiện đại, cùng với những quy định nhập khẩu lao động đa quốc gia, lực lượng lao động nước ngoài đã gia tăng nhanh chóng tại các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất.
Các công nhân xây dựng - những người xây nên hệ thống khách sạn với giá phòng lên tới 1.000 USD/đêm, những khu phố thương mại đông đúc nơi một đôi giày trị giá khoảng 1.000USD - lại có cuộc sống hầu như tách biệt với xã hội thịnh vượng.
Họ tỉnh dậy trước lúc bình minh trong các lán trại xa xôi, làm việc sáu ngày một tuần trong các khu vực được bảo vệ chặt chẽ và trở về bằng xe bus với chút ít thời gian dành cho ăn và ngủ. Khi phim “Syriana” được công chiếu, chính quyền cắt ngay một cảnh nói về cuộc biểu tình của người lao động.
Sonapur, một nơi ở của khoảng 50.000 công nhân cách Dubai chừng nửa giờ đi xe trông giống như căn cứ quân sự. Những toà nhà bê tông hai, ba tầng kín mít, các công nhân Nam Á chật kín đường, cát bụi sa mạc lấp đầy không khí, thậm chí tới nửa đêm khu lán trại vẫn còn nhiều công nhân làm ca ba đi về…
Xây dựng những toà nhà chọc trời vốn đã rất nguy hiểm, đặc biệt là trong nắng nóng. Gần đây, chính quyền Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất mới bắt đầu áp dụng quy định bắt buuộc nghỉ trưa trong mùa hè. Một phòng cấp cứu tại Dubai đã cứu chữa hàng nghìn trường hợp ốm bệnh do nắng nóng trong một tháng. Tuần Xây dựng, một ấn phẩm địa phương sau khi vận động và tìm kiếm sự giúp đỡ của các đại sứ quán nước ngoài, đã đưa ra con số thống kê hiếm hoi rằng, năm 2004, có gần 900 công nhân xây dựng nước ngoài đã chết. Tuy nhiên, báo này không đưa ra tỉ lệ cụ thể số người thiệt mạng liên quan đến công việc.
Đứng trên đường phố đầy cát bụi ở Sonapur, một số công nhân đang nói về vận may của mình. ‘’Làm việc ở đây chẳng có chuyện gì cả’’, Dinesh Bihar, 30 tuổi, người được trả lương chừng 150USD - gấp bốn lần thu nhập anh kiếm được tại Ấn Độ, cho biết.
Một số công nhân thì tính toán các khoản nợ. ‘’Tôi đã quá hăm hở tới Dubai, tôi không thắc mắc gì cả’’, Rajash Manata, người đã phải trả phí tuyển dụng chừng 3.800USD, nói. ‘’Tôi chỉ trách mình thôi’’.
Những người khác thì nhẩm tính ngày tháng xa gia đình. “Đã ba năm bốn tháng’’, Cipathea Raghu, 37 tuổi, trả lời khi được hỏi anh gặp con gái 10 tuổi, con trai 12 tuổi cách đây bao lâu. “Chúng luôn luôn hỏi, cha ơi, khi nào cha về?. Rất căng thẳng’’, anh chỉ vào tim mình và nói.
Ông Kaabi, 39 tuổi, bắt đầu đảm nhận công việc đứng đầu Bộ Lao động từ cuối năm 2004. Ông đã đưa ra quy định bắt buộc nghỉ trưa hè từ 12:30 – 3h chiều. Ông cũng công khai các biện pháp phạt những công ty chậm trả lương cho công nhân. Khi hàng trăm công nhân Công ty Phát triển và Xây dựng Al Hamed biểu tình ở Dubai, ông Kaabi đã buộc công ty này phải trả gần 2 triệu USD tiền phạt và tạm thời đình chỉ quyền tuyển dụng công nhân mới. “Một thông điệp rõ ràng là, tất cả mọi người phải tuân thủ quy định đưa ra’’, ông Kaabi nhấn mạnh.
Trả lời về tình hình trả lương và điều kiện lao động khó khăn, ông Kaabi khẳng định, rất nhiều công nhân còn phải đối mặt với thực tế khó khăn hơn nhiều ở nước của họ. ‘’Chúng tôi không bắt họ tới đây. Họ đang xây dựng một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ cho gia đình họ’’.
Batcha, 40 tuổi, cho biết, lương tháng của anh là 250USD, cao gấp đôi mức anh có thể kiếm được ở quê nhà trong một làng chài Ấn Độ. Anh đã xây được nhà, giúp em gái chuẩn bị của hồi môn trị giá 2.500USD và gửi con đến học tiếng Anh ở trường tư thục.
• Kỳ Thư (Theo Nytimes)