Những lời kể hiếm hoi về cuộc sống tù nhân bên trong hàng rào thép gai tại một căn cứ quân sự xa xôi của Mỹ ở Cuba xuất hiện trong các phiên tòa do Hội đồng thẩm tra hành chính tổ chức năm ngoái nhằm quyết định xem nên tiếp tục giam giữ hay chuyển những nghi can khủng bố Taliban hoặc Al-Qaeda khỏi nhà tù Guantanamo.
Các binh sĩ dẫn giải một tù nhân (giữa) ra khỏi trạm nha khoa tại căn cứ hải quân Mỹ trên VỊnh Guantanamo, Cuba
Quân đội Mỹ cho biết nhà tù Guantanamo đã tương đối yên tĩnh so với năm ngoái. Tuy nhiên, theo một bản báo cáo của nhà tù hồi tháng trước, tình trạng náo loạn đã leo thang qua năm 2006. Các vụ ép buộc tù nhân rời khỏi xà lim cũng như các cuộc tấn công lính gác bằng chất thải đang có chiều hướng vượt qua tổng số sự cố năm ngoái.
Quấy rối buổi cầu nguyện
Một tù nhân Yemen, Mohammed Ali Em al-Zarnuki, cảnh báo ban hội thẩm gồm 3 quan chức quân đội Mỹ rằng tù nhân sẽ tự sát trừ phi cai ngục ngưng can thiệp vào các cuộc cầu nguyện của họ, di chuyển tù nhân hoặc huýt sáo, gây mất tập trung trong thời gian cầu nguyện.
"Tôi muốn các ông biết điều đó vì tôi không muốn các ông gặp rắc rối lớn. Vấn đề đã từng xảy ra trước đây và nhiều tù nhân đã phải điều trị sau đó. Vì vậy, nếu các ông không chấm dứt việc này, nó sẽ còn tồi tệ hơn trước kia", al-Zarnuki quả quyết.
Quan chức chủ trì phiên tòa trấn an al-Zarnuki rằng ông sẽ chuyển những than phiền của anh tới cơ quan chức trách. Tuy nhiên, quan chức này nói thêm rằng ban hội thẩm không thiết lập và cũng không có thẩm quyền đối với các quy định tại trại giam.
Các chỉ huy Mỹ tại Guantanamo không bình luận về những cáo buộc. Lính gác đã được huấn luyện phải thông cảm với những vấn đề tôn giáo tại Guantanamo. Tại đây, những lời kêu gọi cầu nguyện não nề được phát qua loa phóng thanh trong khi các biển báo giao thông được đặt cạnh các xà lim trong giờ cầu nguyện để nhắc nhở cai ngục không nên can thiệp.
Khai man để được chăm sóc y tế
Để quyết định việc một tù nhân có nên tiếp tục ở lại Guantanamo hay không, hội đồng thẩm tra hành chính sẽ cân nhắc liệu anh ta có là một hiểm họa an ninh hay đem lại giá trị tình báo hay không. Tuy nhiên, các tù nhân khẳng định trước ban hội thẩm rằng việc nói dối những người thẩm vấn rất phổ biến. Điều này dấy lên nghi nhờ về giá trị những thông tin tình báo mà các chuyên gia thẩm vấn khai thác được.
Một vài tù nhân cho hay những kẻ thù của họ bên trong nhà tù đã khai man để được các thẩm vấn viên ưu đãi hoặc giải quyết những tranh chấp trước đây. Abdennour Sameur, một tù nhân Anh gốc Algeria, trắng trợn thừa nhận với ban hội thẩm rằng anh ta đã nói dối những người thẩm vấn và kết quả rất tốt.
"Tại sao anh cảm thấy bản thân có quyền nói dối các chuyên gia thẩm vấn?", một thành viên ban hội thẩm ngạc nhiên hỏi Sameur. Và câu trả lời là: "Tôi khai man để được chữa trị y tế. Tôi đã nói dối trong mọi cuộc thẩm vấn mà mình từng trải qua bởi đó là cách duy nhất để nhận được sự chăm sóc y tế... Họ cho tôi một số loại thuốc viên nhưng các thẩm vấn viên đã ngăn chặn việc này. Mỗi khi họ có một thẩm vấn viên mới, người này lại cho ngưng cấp thuốc".
Tuy nhiên, các quan chức quân đội đã phủ nhận việc tù nhân tại Guantanamo bị chiếm đoạt và không được nhận thuốc men. Phát ngôn viên nhà tù Guantanamo, Trung tá Edward Bush, tuyên bố không một quan chức nào tại đây từng nghe về chuyện này.
Đại úy hải quân Bruce Menele, lãnh đạo cơ quan chuyên trách y tế tại Guantanamo, khẳng định "các chuyên gia thẩm vấn không có thẩm quyền quản lý những nhân viên y tế chuyên trách việc cấp phát thuốc hay đối với bất kỳ khía cạnh nào của hoạt động chăm sóc y tế đối với tù nhân". Ông Menele quả quyết sẽ có biện pháp xử lý thiết thực nếu phát hiện điều này từng xảy ra.
Khi được hỏi liệu có các vấn đề trên tại Guantanamo, Tổng thống Bush phát biểu rằng ông đang mở cuộc điều tra tại nhà tù.
Một bức thư được đăng tải hôm 7/9 trên tập san y tế Anh Lancet đã so sánh vai trò của các bác sĩ tại Guantanamo với những thầy thuốc Nam Phi dính líu đến cái chết của nhà hoạt động chống chủ nghĩa Apartheid Steve Biko, người bị đánh đập và tra tấn tới tử vong năm 1977 tại nơi giam giữ của cảnh sát.
160 người từ 16 quốc gia, phần lớn là các bác sĩ, đã kí tên dưới bức thư. Họ buộc tội cơ quan y tế của Mỹ đã làm ngơ trước vai trò của các chuyên gia y tế quân đội tại Guantanamo. Thay vì cáo buộc các bác sĩ liên can tới việc chiếm đoạt thuốc của tù nhân, các tác giả cho rằng những chuyên gia y tế này có dính líu đến việc ép những tù nhân tuyệt thực biểu tình ở Guantanamo phải ăn.
Giây phút tươi sáng hiếm hoi
Lời khai của các tù nhân cũng miêu tả vài giây phút tươi sáng hiếm hoi tại khu trung tâm giam giữ hướng ra biển Caribbe. Tù nhân Abdul Aziz Alsuwedy kể: "Có một lần khi các lính gác vô tình mở cửa xà lim của tôi, tôi đã đùa với họ rằng: "Tôi có thể giúp gì được các ngài?". Họ cười và xin lỗi. Một cai ngục sau đó đã cảm ơn tôi vì đã không gây ra bất kỳ rắc rối nào".
Một tù nhân khác lại nói những người thẩm vấn khẳng định anh ta rất giống nam diễn viên Cuba Gooding Jr và sau đó tặng anh những bức ảnh về ngôi sao màn bạc này.
Nhiều tù nhân cho biết một số lính gác và chuyên gia thẩm vấn tôn trọng họ trong khi số khác thì không.
"Ai đối xử tốt với tôi, tôi cũng đối đãi tốt với họ. Ai cư xử với tôi như một con chó, họ cũng nhận được cách đối đãi tương tự từ tôi", Sameur tiết lộ. Người tù nhân Algeria tiết lộ đã ném phân và nhổ nước miếng vào những người lính gác mà anh ta căm ghét.
-
Thanh Bình (theo AP)