Một chính trị gia nổi tiếng của Mỹ từng tuyên bố "tiền là nguồn sữa mẹ nuôi chính trị" và trên đường tiến tới Nhà Trắng, các ứng viên tổng thống đã phải tốn công sức để có "nhiều sữa".
Các ứng viên tổng thống Mỹ đều đang rất bận rộn với chiến dịch gây quỹ tranh cử và nắm bắt những cơ hội được bay khắp nơi trên máy bay riêng, do đó, họ có rất ít thời gian cho mọi người. Chi phí cho việc gây quỹ sẽ tốn hàng triệu đôla, vì vậy, điều này có thể lý giải rằng tại sao có tới một nửa ứng viên của cuộc đua trở nên khánh kiệt.
Viết thư xin tiền
Phóng viên của tờ Spiegel, Đức viết:
Gần đây, tôi nhận được một email của một phụ nữ tên là Michelle. Rõ ràng, đó không phải là một người ngốc nghếch vì việc chính mà cô ta tìm kiếm là tiền của tôi. Đó cũng là một phụ nữ hoàn toàn hiện đại, người không hề e ngại khi đi thẳng vào vấn đề: "Hey" cô ta viết. "Tôi thường không viết thư". Nhưng, ngay ở đoạn đầu tiên, Michelle viết, đây là việc rất cần thiết.
Ứng viên đảng Dân chủ Edward
Người phụ nữ đó viết rằng nếu tôi giúp cô và chồng cô ta đạt mục tiêu gây quỹ thì đó sẽ là "một dấu hiệu đáng tin cậy cho thấy quần chúng có thể trở lại quá trình đóng quỹ". Và rằng, tất cả những gì tôi cần làm là gửi một khoản đóng góp nhỏ, cố gắng của tôi sẽ rất đáng giá. Michelle viết, cô và chồng cô ta nhận thấy rằng "chúng ta có thể tạo ra tiến trình chính trị tốt hơn bởi vì nó không chỉ giúp ích cho gia đình, cho nước Mỹ mà cho cả thế giới". Bức thư kết thúc rất lịch sự cùng với câu: "Cảm ơn bạn. Michelle".
Michelle là vợ của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama. Vì hệ thống bầu cử Mỹ chỉ cho phép cấp cho các ứng viên một khoản tiền nhỏ để tranh cử, nên vị thượng nghị sĩ từ Illinois phải nhờ vợ đi quyên tiền ủng hộ. Bất cứ ai có kế hoạch giành lấy văn phòng quyền lực nhất ở nước Mỹ thì trước hết phải biết cách nài xin.
Chiến thuật ve vãn
Nhiệm vụ thu hút đóng góp từ các nhà hảo tâm nhỏ có lẽ là mối quan tâm ít nhất của các ứng viên. Tuy nhiên, tiền đóng góp từ các doanh nghiệp lớn mới là vấn đề, đó là một câu chuyện khác.
Chiến dịch vận động những quan chức cấp cao và chủ các tập đoàn lớn đóng góp cho ngân sách tranh cử mới thực sự là một thách thức. Công việc đó đòi hỏi các ứng viên và nhân viên của họ phải thực hiện chiến thuật "ve vãn và phỉnh phờ".
Con đường dẫn tới Nhà Trắng sẽ phải xuyên qua phòng khách của những nhân vật tai to mặt lớn ở Hollywood, các nhà tài phiệt ở Wall Street, hàng loạt chuyên gia vận động hành lang trong ngành công nghiệp quốc phòng, những yếu nhân trong ngành dầu khí và các chiến lược gia. Thực vậy, cậy cục là việc làm cần thiết trong thời đại hiện nay để có thể tiến tới kiểm soát "phòng làm việc quan trọng nhất nước".
Trong giai đoạn đầu của tranh cử, các ứng viên và những người giúp sức họ thường xuyên bận rộn với việc tổ chức các tiệc nướng, trò chuyện bên lò sưởi hay dự các bữa tối có thắp nến để thu hút tiền đóng góp và ghi nhận nguyện vọng chính trị của giới nhà giàu. Đó chính là "những con mèo béo" - thứ tiếng lóng mà lãnh đạo cuộc vận động cho các ứng viên vẫn dùng để chỉ những nhà hảo tâm lớn.
Những nhà tài trợ lớn này nắm trong tay khá nhiều "quyền lực" mà đôi khi họ có thể tạo dựng hoặc phá vỡ sự nghiệp chính trị của một ứng viên. Thực tế là, tài khoản trong ngân hàng của các nhân vật trụ cột về kinh tế trong nước có chứa những thứ có thể đưa một chính trị gia trở thành tổng thống.
Ứng viên đảng Cộng hòa Mc.Cain
Trong những bữa tiệc gây quỹ, dân thường chỉ đứng thứ hai trong danh sách khách mời của các ứng viên. Và những dịp như vậy không phải luôn miễn phí. Nghị sĩ Obama thu 25USD một vé vào những bữa tiệc có sự hiện diện của ông. Tuy nhiên, ứng viên này cũng giảm giá cho sinh viên.
Gây quỹ hiện là vấn đề hàng đầu được công chúng quan tâm. Ai đang thu hút được nhiều tiền ủng hộ nhất? Ai đang dẫn trước ai? Chiến lược gây quỹ của các ứng viên là gì? Dường như dân Mỹ đang sôi nổi bầu chọn chủ tịch của một tổ chức phi lợi nhuận chứ không phải bầu tổng thống mới.
Thể hiện uy tín bằng lâu đài bay
Ngoài việc thuyết phục các tổng giám đốc mở hầu bao, các ứng viên cũng háo hức đi lại trên những chiếc máy bay riêng. Máy bay cá nhân là một phần không thể thiếu của giới thượng lưu Mỹ, cũng giống như các doanh nhân Đức phải có một chiếc ô tô thể thao.
Nhiều ứng viên tổng thống Mỹ tự mình lái máy bay đi từ nơi này sang nơi khác, giống như khách du lịch bắt một chiếc taxi để đi lại trên đường phố New York. Không ai trong số các ứng viên lại thích bay như cựu thượng nghị sĩ Bắc Carolina John Edwards, hiện giờ là ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ. Fred Baron, một luật sư nổi danh và bạn của ông này, đã cho phép Edward được tùy nghi sử dụng chiếc máy bay Hawker 800.
Cựu thị trưởng New York Rudolph W.Giuliani - ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa hiện đang sử dụng một chiếc máy bay của Elliot Assest Manegement - công ty thuộc quyền sở hữu của nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm Paul E.Singer.
Mitt Romney, hiện đứng thứ 4 trong số các ứng viên đảng Cộng hòa, đang chịu ơn eBay và Oracle vì hai công ty này đã cho phép ông ta sử dụng máy bay của công ty họ. "Việc được nhiều người cho mượn máy bay là yếu tố chính để giảm chi phí vận động tranh cử", Romney viết trong bức thư gửi tới những "ủng hộ viên" tiềm năng.
Vận động tài chính - Lịch sử bê bối
Ứng viên Hillary Clinton cùng chồng là cựu TT Bill Clinton |
Rung cây tiền ở nước ngoài
Không chỉ vận động, gây quỹ trong nước, các ứng viên tổng thống Mỹ còn bay ra nước ngoài để thu hút sự ủng hộ về mặt vật chất. Gần đây, ông Giuliani đã dự một tiệc tối gây quỹ tại Khách sạn Mandarin Oriental ở London để thuyết phục các giám đốc tài chính làm việc tại Anh ủng hộ cho chiến dịch của ông.
Ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và Barack Obama cũng dự định tới London vào tháng 11 để "rung cây tiền ở nước ngoài", như Washington Post viết. Obama là ứng viên tổng thống đầu tiên kêu gọi các giám đốc Mỹ ở Bắc Kinh góp tiền cho quỹ tranh cử qua hội thảo trực tuyến.
Tính tới cuối tháng 6, số tiền đóng góp từ nước ngoài đổ vào quỹ tranh cử của các ứng viên là 551.000 USD. Trong khi đó, trong chiến dịch tranh cử tổng thống cùng kỳ năm 2003, số tiền này là 31.525 USD. Một nửa trong số các khoản đóng góp từ nước ngoài xuất phát từ Anh, tiếp sau là Pháp, Trung Quốc, Nhật và Thụy Sĩ.
Một chiếc vé để vào dự tiệc tối gây quỹ là 1.000 USD, nhưng nếu có chụp ảnh với tổng thống tương lai thì giá tiền sẽ là 2.300 USD.
Với hầu hết các ứng viên trong cuộc đua vào ghế tổng thống năm 2008, số tiền họ quyên góp được chỉ đủ chi tiêu. Tỷ lệ chi tiền cho chiến dịch tranh cử còn cao hơn số tiền mà họ quyên góp được. Điều này lý giải cho việc tại sao một số ứng viên đang mắc nợ nghiêm trọng. 4 trong số 7 ứng viên đảng Cộng hòa đang lâm vào tình trạng khánh kiệt. Ứng viên Mitt Romney đã buộc phải dùng tới tiền tiết kiệm cá nhân. Chỉ có Obama, Clinton và Giuliani là những ứng viên duy nhất hiện còn nhiều tiền trong két.
Thượng nghị sĩ, ứng viên đảng Cộng hòa Sam Brownback
Tài năng gây quỹ
Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử bầu cử cũng khiến một số người được cảm thấy an ủi. Trong phần lớn các trường hợp, không phải những ứng viên thắng lợi ở bước đầu của chiến dịch tranh cử có thể được đề cử là ứng cử viên của đảng. Ở cuộc đua năm 2004, ứng viên Howard Dean dẫn trước John Kerry nhưng John Kerry lại được chọn là ứng viên tổng thống chính thức của đảng Dân chủ. Hóa ra, Dean là một người gây quỹ giỏi chứ không phải là ứng viên chính trị tài ba.
Cựu Tổng thống Ronald Reagan cũng là người không quyên được nhiều tiền cho chiến dịch tranh cử. Thậm chí là cả cựu Tổng thống Bill Clinton, một chính trị gia không mấy nổi danh tới từ Arkansas trước khi được đề cử, cũng tụt sau ứng viên George H.W.Bush trong việc gây quỹ tranh cử tổng thống năm 1992.
Bê bối không điểm dừng
Dù phải đáp ứng hàng loạt những văn bản pháp lý, tên tuổi của những nhà tài trợ lớn vẫn là ẩn số. "Những chú mèo béo" thường trốn đằng sau các thuộc cấp, các thành viên gia đình hay một trong số hơn 500 ủy ban hành động vì chính trị như America Votes (Nước Mỹ đi bầu) hay Progress for America (Vì sự tiến bộ của nước Mỹ). Đây là những tổ chức được cho là theo đuổi các mục tiêu cao thượng nhưng lão luyện trong việc gây quỹ chính trị.
Lịch sử về các chiến dịch tài chính ở Mỹ là một trong những bê bối không bao giờ kết thúc. Những công ty như Bechtel, Lockheed và Halliburton thường được đền bù hậu hĩnh bằng những hợp đồng chính phủ cho những khoản đóng góp của họ.
Hiện nay, các nhà tài trợ Wall Street bày tỏ rõ ràng những gì họ mong muốn nhận được từ các ứng viên và cả những gì họ không muốn, gồm đề xuất thực thi bất cứ quy định mới nào về thị trường tài chính hoặc ban hành một loại thuế mới đánh vào những khoản tiền thu được từ chứng khoán - vốn là một phần thu nhập của họ nhưng được đánh thuế thấp hơn nhiều số tiền kiếm được thường xuyên.
Vì vậy, tại sao quốc gia giàu có này không thể đưa ra một hệ thống tài chính tranh cử công khai, trong sạch, không vướng bụi tham nhũng. Thượng nghị sĩ Edward Kennedy đã có lần kêu gọi thay thế hệ thống quỹ cá nhân hiện nay bằng quỹ công cho chiến dịch vận động tranh cử. "Đó sẽ là cách đầu tư thông minh nhất của người dân Mỹ vào tương lai đất nước", Kennedy nói. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị đảng Cộng hòa, lúc đó đang chiếm đa số tại Quốc hội, bãi bỏ bằng bỏ phiếu.
Tài chính tranh cử
Các ứng viên vào vị trí tại các cơ quan chính quyền ở Mỹ thường dựa vào 4 nguồn tài chính chính để tranh cử:
- Cá nhân công dân trực tiếp quyên góp tiền
- Các đảng chính trị của họ
- Các nhóm lợi ích, thường thông qua các ủy ban hành động chính trị.
- Các nguồn cá nhân hoặc gia đình.
Một nguồn thứ năm - quỹ công - cũng có thể được sử dụng trong một số cuộc bầu cử, đáng chú ý nhất là trong một số cuộc bầu cử tổng thống kể từ những năm 1970.
Từ 1-4/9/2008, đảng Cộng hòa tiến hành Hội nghị quốc gia để bầu ra ứng cử viên chính thức, đại diện cho đảng này tranh cử tổng thống Mỹ. Cuộc bầu chọn của đảng Dân chủ diễn ra vào 25-28/8/2008. Hiện thời, đảng Cộng hòa đang có 10 nghị sĩ tranh cử cho vị trí ứng viên tổng thống của đảng. Về phần đảng Dân chủ, đang có 8 nghị sĩ đua tranh cho đề cử ứng viên TT của đảng.
-
Hoài Linh (Tổng hợp)