Giá khởi điểm cho các lá phiếu cử tri dao động từ 1 peso (0,3 USD) cho tới 300 peso (95 USD). Các nhà chức trách bầu cử Argentina cho biết họ chỉ có thể làm rất ít để ngăn chặn tình trạng này do nó nằm ngoài các quy định cấm của luật pháp.
Tổng thống Argentina Nestor Kirchner (trái) và Đệ nhất phu nhân Cristina Fernandez de Kirchner
Cử tri Martin Minue, 33 tuổi, một bác sĩ đến từ tỉnh phía bắc Rioja, phát biểu trên tờ Clarin rằng việc bán đấu giá phiếu bầu là cách để anh bày tỏ sự chống đối những chính trị gia "vô tích sự". Theo tiết lộ của Minue, anh cảm thấy bất lực trước việc phải thay đổi tình hình đất nước.
Vị bác sĩ đang làm việc tại thành phố Chilecito đã rao bán lá phiếu cử tri của mình trên một website đấu giá với giá 20 peso (6 USD). "Đây là một kiểu vừa phản đối vừa giễu cợt", anh Minue nói.
Một cử tri khác tự xưng là Arielitogoliat, sinh sống cùng thành phố với bác sĩ Minue, cũng bán đấu giá phiếu bầu của mình trên mạng và thu hút những lời hồi đáp từ tận Brazil. Mục giới thiệu của Arielitogoliat trên trang web Mercadolibre.com hướng tới các ứng cử viên tổng thống.
Arielitogoliat tuyên bố nếu các ứng viên tổng thống muốn chắc chắn giành được một ghế trong khu vực của anh thì anh có cách giải quyết. Tờ Infobae đưa tin Arielitogoliat đã hứa rằng lá phiếu của anh còn mới và chưa sử dụng vì "không ai xứng đáng" để anh bầu cho họ.
Một cử tri ở Isidro Casanova đòi 300 peso (95 USD) cho lá phiếu của mình. Một bức hình kèm theo cho thấy chủ nhân của lá phiếu "đắt giá" này đang cầm một chiếc cốc hướng về phía máy ảnh.
Theo kế hoạch, cuộc bầu cử tổng thống Argentina sẽ diễn ra vào ngày 28/10. Đệ nhất phu nhân Cristina Fernandez de Kirchner, người thay chồng ra tranh cử, hiện đang dẫn trước các ứng cử viên tổng thống khác trong các cuộc thăm dò dư luận. Nếu đắc cử, bà Kirchner sẽ trở thành nữ tổng thống dân bầu đầu tiên của Argentina.
-
Thanh Bình (theo BBC)