Tổng thống Nga Putin đã nỗ lực làm cả Iran và phương Tây thỏa mãn trong chuyến thăm Tehran của ông, một hành động cân bằng tế nhị, phản ánh mục đích toàn cầu cũng như mong muốn duy trì quan hệ nồng ấm với một đồng minh Trung Đông mà không làm Washington tức giận.
Tổng thống Nga và Tổng thống Iran |
Ông Putin tới thăm Iran như một phần của nỗ lực toàn cầu giải quyết bế tắc hạt nhân của Iran. Ông nói rằng ông sẽ đại diện cho lập trường của các nhà đàm phán quốc tế. Tuy nhiên, ông quả quyết rằng cần có các cuộc tiếp xúc trực tiếp với các lãnh đạo Iran để phá vỡ bế tắc này - một thách thức đối với Mỹ trong bối cảnh Washington đã từ chối đàm phán với Iran trước khi Tehran tuân thủ các yêu cầu của LHQ ngừng làm giàu và tái chế uranium.
Trong suốt chuyến thăm, ông Putin đã đưa ra một đề xuất không xác định về chương trình hạt nhân của Iran. Lãnh đạo tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei nói rằng Iran sẽ nghiêm túc xem xét đề xuất của ông Putin. Các quan chức Iran tin đề xuất này liên quan tới việc ngừng cấm vận nếu Iran ngừng làm giàu uranium. Mỹ và một số đồng minh cho rằng chương trình này là vỏ bọc để sản xuất vũ khí hạt nhân trong khi Iran nói rằng chương trình chỉ nhằm mục tiêu sản xuất năng lượng hòa bình.
Tổng thống Bush nói rằng Iran là một vấn đề mà Mỹ và Nga nhất trí. Tuy nhiên, tuần trước, ông Putin nói rằng ông không thấy dữ liệu khách quan chứng tỏ những lời khẳng định của phương Tây rằng Iran đang tìm kiếm vũ khí hạt nhân. Ông Bush cho biết ông không phiền lòng về sự thân thiện giữa ông Putin và Tổng thống Iran Ahmadinejad trong cuộc gặp của họ một ngày trước đó.
Hôm 16/10, ông Putin đã cảnh báo Mỹ không tấn công Iran trong một bài diễn văn tại Hội nghị thượng đỉnh của các nước vùng biển Caspian ở Tehran. Ông cũng ủng hộ quyền về hạt nhân của Iran. Tại Tehran, ông nói với báo giới rằng ’’các hoạt động hạt nhân hòa bình phải được cho phép’’.
Tại một cuộc họp báo, ông Putin đã chỉ ra rằng lãnh đạo các nước thuộc biển Caspian đã ký kết một tuyên bố chung, thể hiện ý tưởng cho phép các hoạt động hạt nhân hòa bình. Trong tuyên bố này, các lãnh đạo cũng cam kết không cho phép sử dụng lãnh thổ của họ để tiến hành các cuộc xâm lược hoặc hành động quân sự chống lại các bên ký kết tuyên bố chung này.
Sự ủng hộ của Nga có ý nghĩa quan trọng đối với Iran khi Mỹ và các đồng minh thúc đẩy nghị quyết trừng phạt thứ ba đối với nước này. Người Iran không sợ đâu, hãy tin tôi đi, ông Putin nói về sự đe dọa trừng phạt. Ông coi Triều Tiên là một mô hình tiềm năng để giải quyết bế tắc hạt nhân của Iran.
Nga sẽ được lợi nhiều về kinh tế lẫn chính trị khi có lập trường cứng rắn đối với Mỹ về vấn đề Iran. Một liên minh mạnh hơn với Iran sẽ giúp Nga duy trì được ưu thế tại vùng Caspian và làm nản lòng các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trong việc tiến hành các dự án xây dựng đường ống dẫn dầu tới phương Tây. Các dự án này sẽ phá bỏ sự độc quyền của Nga về các đường dẫn dầu ra khỏi khu vực giàu khí đốt và dầu mỏ này.
Ông Putin cũng phản đối kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu, coi đó là mối đe dọa đối với Nga. Ông đã bác bỏ khẳng định của Washinton rằng lá chắn đó cần để bảo vệ Mỹ chống lại tên lửa Iran. Ông Putin cũng đang xây dựng hình ảnh của một lãnh đạo mạnh, người không sợ thách thức Mỹ - một hành động được ủng hộ ở Nga trước các cuộc bầu cử sắp tới.
Gần đây, ông Putin nói rằng ông không thấy bằng chứng Iran đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Moscow cũng đã thể hiện một mức độ khó chịu nào đó về ý định của Iran cũng như thận trọng không làm tổn hại tới các quan hệ với Washington.
Ông Putin đã hối thúc Tehran ngừng chương trình làm giàu uranium và trả lời các câu hỏi của quốc tế về chương trình hạt nhân của nước này. Mặc dù ông Putin đã nhấn mạnh rằng Nga sẽ không từ bỏ cam kết hoàn tất nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Iran, song Nga đã lưỡng lự trong việc gửi uranium nhiên liệu cho lò phản ứng và đã trì hoãn việc làm này nhiều lần.
’’Một Iran hạt nhân sẽ không có lợi cho tất cả mọi người, song nhận thức về mối đe dọa này lại khác nhau. Washington coi đó là một bước tiến dài hướng tới một thảm họa trong khi Nga nghĩ: đúng, nó sẽ là tồi tệ song sẽ không nhằm vào chúng tôi’’, biên tập của tạp chí Các vấn đề toàn cầu của Nga, Fyodor Lukyanov, nhận xét.
-
Minh Sơn (theo AP, BBC)