Đệ nhất phu nhân Argentina Cristina Fernandez de Kirchner đã bảo vệ được chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo đất nước sau khi được chính chồng bà, Tổng thống đương nhiệm Nestor Kirchner, lựa chọn làm ứng cử viên đại diện đảng cầm quyền Peronist.
Đệ nhất phu nhân Argentina Cristina Fernandez de Kirchner và chồng, Tổng thống Nestor Kirchner. (Ảnh: Reuters)
Luật pháp Argentina không cho phép một tổng thống cầm quyền hai nhiệm kỳ liên tiếp nhưng vợ chồng họ có thể thay nhau nắm giữ quyền lực nếu tiếp tục nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri.
Các tham vọng chính trị của đệ nhất phu nhân Kirchner đã khiến người ta so sánh bà với những bà vợ khác, luôn có ý định can dự vào sự nghiệp chính trị của chồng. Dưới đây là trường hợp về một số cặp vợ chồng quyền lực từng cố gắng đưa chính trị vào cuộc hôn nhân của họ và cả những người đã thất bại vì điều đó.
Hillary và Bill Clinton
Hillary và Bill Clinton đã trải qua nhiều năm là một nhóm chính trị. Theo tiểu sử của bà Hillary, không lâu sau khi họ đến với nhau, cả hai đã ấp ủ một kế hoạch chính trị dài hạn và nếu thành công, sẽ mang tới cho mỗi người 8 năm cầm quyền ở Nhà Trắng.
Trong chiến dịch vận động tranh cử đầu tiên, ông Clinton thường xuyên viện dẫn đến vợ, đùa rằng các cử tri sẽ có "hai cho một" nếu họ bỏ phiếu bầu ông. Quả thực, khi đắc cử, ông Clinton đã trao cho vợ vai trò chưa từng có tiền lệ đối với một đệ nhất phu nhân khi để bà Hillary chịu trách nhiệm về các cải cách trong lĩnh vực chăm sóc y tế.
Vợ chồng cựu Tổng thống Clinton (Ảnh: AP)
Cả dự án này và sự bổ nhiệm bà Hillary đã bị đông đảo chỉ trích. Cuối cùng, các cải cách đã không được Quốc hội thông qua vào năm 1993.
Trên cương vị là đệ nhất phu nhân, bà Hillary tiếp tục đóng một vai trò quan trọng, tích cực tham gia hoạt động phát triển giáo dục và chăm sóc trẻ em. Bà tự mình gây ấn tượng vào năm 1999 khi đứng ra tranh cử vào Thượng viện.
Vấn đề về vai trò của một người bạn đời lại nổi lên trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008. Khẳng định những kĩ năng và kinh nghiệm chính trị của chồng, bà Hillary tuyên bố sẽ ủy thác cho ông công việc của một đại sứ nay đây mai đó khắp thế giới để cải thiện hình ảnh nước Mỹ ở ngoại quốc.
"Tôi không thể nghĩ ra một chuyên gia cổ vũ nào tốt hơn Bill Clinton cho nước Mỹ. Các bạn có thể không?" bà Hillary phát biểu trong khi vận động tranh cử ở Iowa. Cựu đệ nhất phu nhân nói thêm rằng bà rất may mắn vì chồng có nhiều kinh nghiệm đến như vậy.
Tuy nhiên, cựu tổng thống mới đây tuyên bố rằng ông sẽ tham gia một phần ít nổi bật tại Nhà Trắng nếu bà Hillary đắc cử ghế lãnh đạo đất nước. Trong một cuộc phỏng vấn với Hãng tin BBC, ông Clinton tiết lộ bản thân sẽ không trở thành "một tổng thống do ủy nhiệm".
Eva và Juan Peron
Cristina Fernandez de Kirchner không chỉ khiến người ta nghĩ đến Hillary Clinton mà còn cả cựu đệ nhất phu nhân biểu tượng của Argentina, Eva Peron.
Eva (trái) và Juan Peron (Ảnh: www.dictatorofthemonth.com)
Trong thời gian cầm quyền của chồng vào cuối những năm 1940, đầu những năm 1950, các nhà quan sát chính trị cho rằng "Evita" (như người ta vẫn gọi đệ nhất phu nhân Eva Peron) đã có tác động trong các vấn đề của Chính phủ và ảnh hưởng chỉ đứng thứ hai sau tổng thống.
Evita được những người dân nghèo ở Argentina ngưỡng mộ. Bà đã kết hợp sự ủng hộ không mệt mỏi, thiết tha cho quần chúng lao động với sự khinh ghét những kẻ giàu.
Vào năm 1951, bà đã nhận được nhiều ủng hộ của công chúng cho mong muốn chạy đua vào vị trí phó tổng thống. Tham vọng của Evita cuối cùng bị cản trở nhưng trong một buổi phát thanh toàn quốc, bà nói: "Có một người phụ nữ bên cạnh Tướng Peron, người đã mang những nguyện vọng và yêu cầu của người dân tới cho ông ấy, để ông đáp ứng chúng. Và tên của người ấy là Evita".
Chính quyền của Tướng Peron sụp đổ và buộc phải chạy trốn khỏi Argentina không lâu sau khi vợ ông, bà Evita, qua đời vì bệnh ung thư vào năm 1952.
Ông Peron về nước và giành lại quyền lực vào đầu những năm 1970 với một người vợ mới tên là Isabel. Cựu vũ công đã kế nhiệm chức tổng thống của chồng khi ông qua đời vào năm 1974. Tuy nhiên, thời kỳ cầm quyền của bà Isabel đã trở thành thảm họa. Bà bị lật đổ trong một cuộc binh biến hai năm sau đó.
Ferdinand và Imelda Marcos
Ở một số nơi, người ta đặt biệt danh cho quý bà Cristina Fernandez de Kirchner xinh đẹp và quyến rũ là "Imelda", theo tên của bà Imelda Marcos, cựu đệ nhất phu nhân khoa trương của Philippines. Cả hai dường như cùng chia sẻ niềm đam mê đối với giày dép.
Vợ chồng bà Imelda Marcos (Ảnh: www.starbulletin.com)
Bà Imelda đã hỗ trợ chồng, ông Ferdinand, trong suốt thời kỳ cầm quyền kéo dài hơn 20 năm. Ông Ferdinand được bầu làm Tổng thống Philippines vào năm 1969. Ba năm sau, ông tuyên bố thiết quân luật và củng cố quyền lực cho bản thân và vợ.
Bà Imelda đã nắm giữ hàng loạt chức vụ chính thức trong Chính phủ, kể cả cương vị giúp bà có thể đi vòng quanh thế giới để gặp gỡ các nguyên thủ như một phái viên riêng của chồng bà.
Cặp vợ chồng này bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy của người dân năm 1986 nên phải chạy trốn tới Hawaii. Sau khi chồng chết, bà Imelda trở lại Philippines và ra tranh cử ghế tổng thống lần thứ hai nhưng thất bại. Bà được bầu vào Quốc hội trước khi đối mặt với các cáo buộc tham nhũng.
Mới đây, khi tổng kết về sự nghiệp, bà Imelda tự nhận rằng: "Trong suốt 20 năm, tôi đã là "mẹ" của người Philippines và đất nước của chúng ta".
Segolene Royal và Francois Hollande
"Cặp đôi vàng" của phe cánh tả ở nước Pháp, Segolene Royal và Francois Hollande, đã chứng minh rằng sự kết hợp quyền lực không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.
Francois Hollande và Segolene Royal (Ảnh: www.lefigaro.fr)
Bà Royal, ứng cử viên tổng thống của Đảng Xã hội, đã chia tay ông Hollande, lãnh đạo Đảng Xã hội và cũng là người bạn đời của bà hơn 27 năm qua, sau thất bại trước ông Nicolas Sarkozy trong cuộc bầu cử hồi đầu năm nay.
Theo các nhà quan sát chính trị, mối quan hệ của họ rõ ràng đã lâm vào căng thẳng do những bất đồng trong suốt các cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống. Ông Hollande, người được cho là muốn ra tranh cử, thường có những phát biểu mâu thuẫn với chính sách của bà Royal trong suốt chiến dịch vận động tranh cử.
Bà Royal hiện đã tuyên bố rõ ràng rằng bà muốn giành quyền kiểm soát Đảng Xã hội từ cha của 4 đứa con của bà.
Alberto Fujimori và Susana Higuchi
Bà Susana Higuchi nổi tiếng vì bị chồng, ông Alberto Fujimori (Tổng thống Peru từ tháng 7/1990 - 11/2000), tước bỏ danh hiệu đệ nhất phu nhân Peru vào năm 1994 sau khi bà buộc tội ông dung thứ nạn tham nhũng lan rộng trong Chính phủ và làm ngơ trước những nhu cầu của người dân nghèo trong nước. Vào thời điểm đó, hai người đã ly thân nhưng vẫn chưa li dị.
Alberto Fujimori và Susana Higuchi (Ảnh: www.answers.com)
Tổng thống Fujimori giải thích trong một bài phát biểu trước quốc gia rằng vợ ông đã "phản bội" cũng như "không kiên định và dễ dàng (bị các đối thủ chính trị của ông) tác động". Ông sau đó phong danh hiệu đệ nhất phu nhân cho con gái của hai người.
Một năm sau, bà Higuchi đã nỗ lực ra tranh cử, trở thành đối thủ của chồng bà trong cuộc đua vào ghế tổng thống năm 1995. Tuy nhiên, ông Fujimori đã thúc ép Quốc hội thông qua luật cấm những người thân, gần gũi của tổng thống tìm kiếm những vị trí cao hơn trong chính quyền. Cặp đôi này chính thức li dị một năm sau đó.
Vào năm 2000, bà Higuchi được bầu vào Quốc hội.
-
Thanh Bình (Theo BBC)