221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1000580
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ ghét Mỹ?
1
Article
null
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ ghét Mỹ?
,

Mỹ đã ca ngợi Thổ Nhĩ Kỳ là một nền dân chủ Hồi giáo ôn hòa, kiểu dân chủ mà nước này muốn phát triển ở những nơi khác. Thổ Nhĩ Kỳ còn là một đồng minh NATO, với một căn cứ không quân của Mỹ trên đất nước này.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình chống PKK
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình chống PKK
Tuy nhiên, khi Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice tới Ankara hôm nay (2/11) để xoa dịu căng thẳng về vấn đề các phần tử nổi dậy người Kurd đang hoạt động ở Iraq, bà đối mặt với một quốc gia hiện đang trong trạng thái chống Mỹ mạnh nhất trên thế giới, theo một cuộc thăm dò dư luận.

Trong các cuộc hội đàm với bà Rice, cũng như cuộc gặp với Tổng thống Bush vào thứ hai tới ở Washington, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ được mong đợi sẽ thúc ép Mỹ hành động chống các phần tử nổi dậy thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Iraq.

Các hoạt động ngoại giao trên có thể xoa dịu phần nào quan điểm chống Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, căn cứ vào mức độ sâu sắc của quan điểm chống Mỹ trong vài năm qua, ít người mong đợi sẽ có sự chuyển biến nhanh chóng trong quan điểm của công chúng Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một cuộc khảo sát toàn cầu gần đây do Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành, chỉ có 9% người Thổ Nhĩ Kỳ có thiện chí đối với Mỹ, so với 52% trong năm 2000. Con số này đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ đứng ở cuối bảng trong số 46 quốc gia được khảo sát.

’’Mọi người đã trở nên quen với quan điểm rằng Mỹ là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Cách đây 5 năm, không thể tưởng tượng được sẽ có quan điểm như vậy. Tuy nhiên, giờ đây quan điểm này rất phổ biến’’, GS quan hệ quốc tế Ihsan Dagi thuộc ĐH Kỹ thuật Trung Đông ở Ankara nhận xét. Quan điểm đó được gia cố trong hai năm qua bằng một số cuốn sách và bộ phim ăn khách nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ, mô tả sự xung đột, nếu không muốn nói là chiến tranh giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ phim ’’Thung lũng của những con sói’’ ăn khách nhất năm 2006 tại quốc gia này diễn tả một đơn vị Thổ Nhĩ Kỳ anh dũng chống lại một sư đoàn của những lính Mỹ khát máu tại miền Bắc Iraq. ’’Metal Storm’’, cuốn sách bán chạy nhất của năm trước, thậm chí còn đi xa hơn, mô tả một cuộc chiến toàn diện giữa Ankara và Washington trong tương lai không xa (chính xác là năm 2007) mà trong đó Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng chiến thắng với sự giúp đỡ của Nga và EU.

Theo các nhà phân tích, quan điểm của công chúng Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay có thể ảnh hưởng không tốt tới quan hệ giữa hai đồng minh NATO này. ’’Công chúng thực sự tin rằng Mỹ không còn là một người bạn và một đồng minh’’, GS Dagi nói.

Những diễn biến trong đời sống thường ngày cũng không mấy cải thiện được hình ảnh của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua một nghị quyết coi việc sát hại hàng loạt người Armenia vào những ngày tàn của đế chế Ottoman là diệt chủng đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận. Cùng lúc, các cuộc tấn công liên tiếp của PKK nhằm vào quân đội Thổ Nhĩ Kỳ càng củng cố niềm tin rằng Washington đang làm rất ít để loại bỏ PKK ở miền Bắc Iraq. Ankara đang tập trung quân ở sát biên giới và đe dọa xâm lược miền Bắc, hành động mà Washington phản đối mạnh mẽ.

’’Sự thật rõ ràng nhất là những mối đe dọa thực sự chống lại Thổ Nhĩ Kỳ không tới từ các nước láng giềng, mà từ các đồng minh của nước này. Mọi diễn biến mới đều đưa Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với các đồng minh phương Tây’’, Ali Bulac, người phụ trách chuyên mục của tờ Zaman, gần đây đã viết. ’’Mỹ đang trở thành một lực lượng đứng đằng sau PKK’’.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng quan điểm chống Mỹ ngày càng tăng ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng có yếu tố trong nước. Thành công của đảng Công lý và Phát triển cầm quyền (AKP), đảng có gốc rễ Hồi giáo, đã buộc Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với vấn đề làm thế nào để dung hòa chủ nghĩa thế tục với đạo Hồi. Trong khi đó, các vụ tấn công bạo lực của PKK một lần nữa lại nêu bật cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ qua nhằm điều hòa nhân dạng quốc gia Thổ mạnh mẽ với các nhân dạng sắc tộc đa dạng khác tại nước này.

’’Thổ Nhĩ Kỳ đang bị kẹt giữa Đông và Tây, giữa đạo Hồi và chủ nghĩa thế tục, giữa chủ nghĩa dân tộc Thổ và Kurd. Kể từ khi chấm dứt chiến tranh lạnh, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên nơi mọi vấn đề liên quan tới Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm đầu quay trở lại và Thổ Nhĩ Kỳ đang đổ lỗi cho phương Tây về điều đó’’, Omer Taspinar, Giám đốc chương trình Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Brookings, Washington, nói.

Chuyến công du của bà Rice và chuyến thăm của Thủ tướng Erdogan tới Nhà Trắng vào ngày 5/11 là một phần của nỗ lực ngăn chặn quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi hơn nữa. ’’Tôi sẽ thẳng thắn nói với Tổng thống Bush rằng chúng ta mong đợi những hành động cụ thể, tức thời, của Mỹ chống lại những kẻ khủng bố này. Vấn đề tổ chức khủng bố PKK là một cuộc thử thách về lòng tin đối với tất cả mọi người. Cuộc thử thách này có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực, quyết định quan hệ tương lai của chúng ta’’, ông nói.

Các nhà quan sát trong và ngoài Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Ankara có thể giảm nhẹ những căng thẳng trong khu vực bằng cách đàm phán trực tiếp với chính phủ người Kurd bán tự trị ở miền Bắc Iraq và lãnh đạo của chính phủ này, Massoud Barzani.

Tuy nhiên, GS Dagi nói rằng nếu Mỹ không hành động về vấn đề PKK, Ankara chẳng thể làm gì nhiều để xoa dịu sự căm ghét Mỹ ngày càng tăng của công chúng Thổ Nhĩ Kỳ.

  • Minh Sơn (theo CMS)


,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,