221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1000824
Căng thẳng leo thang ở Balkans
1
Article
null
Căng thẳng leo thang ở Balkans
,

Đối mặt với nguy cơ mất Kosovo, những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Serbia đang làm căng thẳng tái phát ở Balkans - một vùng vẫn đang phục hồi từ các cuộc nội chiến đẫm máu vào những năm 1990.

Lãnh thổ người Serb ở Bosnia (xanh) và lãnh thổ liên bang Bosnia (hồng) theo Hiệp định Dayton
Lãnh thổ người Serb ở Bosnia (xanh) và lãnh thổ liên bang Bosnia (hồng) theo Hiệp định Dayton

Thủ tướng Serbia Vojislav Kostunica và những người theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ ông đã khởi xướng một chiến dịch chống lại quản trị viên quốc tế ở Bosnia, cáo buộc ông này tìm cách giải tán tiểu nhà nước Serb - Cộng hoà Srpska tại Bosnia được thành lập theo một thoả thuận hoà bình 1995.

Những người ủng hộ cựu Tổng thống quá cố Slobodan Milosevic còn đi xa hơn nữa, cảnh báo rằng nếu tỉnh Kosovo li khai của Serbia trở nên độc lập, Serbia sẽ đáp lại bằng cách công nhận sự độc lập của Cộng hoà Srpska - một nửa Bosnia do người Serb ở Bosnia kiểm soát.

’’Không thể tránh một cuộc trưng cầu dân ý ở Cộng hoà  Srpska về việc sáp nhập vào Serbia’’, Tomislav Nikolic, lãnh đạo của nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ngày càng mạnh tại Serbia tuyên bố.

Sự tan vỡ của Liên bang Nam Tư cũ vào đầu những năm 1990 bắt đầu khi quân đội Nam Tư do Serbia đứng đầu cố ngăn chặn những người li khai ở Slovenia, Croatia, Bosnia và Kosovo tách khỏi liên bang này. Slovenia, Croatia, Bosnia, Macedonia, Montenegro và Serbia - các thực thể của Liên bang Nam Tư cũ - giờ đều là các quốc gia độc lập. Montenegro nhỏ bé là nước cộng hoà cuối cùng tách khỏi Serbia trong cuộc trưng cầu dân ý năm ngoái.

Kosovo vẫn chính thức là một bộ phận của Serbia, song nằm dưới sự quản lý của LHQ và NATO kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh 1999 giữa những người li khai Albania và quân đội Serbia dưới thời ông Milosevic.

Mọi nỗ lực của Belgrade nhằm giành độc lập cho những người Serb ở Bosnia chắc chắn sẽ lại gây đổ máu ở Bosnia, nơi khoảng 100.000 người đã chết và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa trong cuộc chiến tranh 1992-1995, khi người Serb ở Bosnia chống lại người Hồi giáo và người Croats.

Số phận của Kosovo đang được xem xét tại các cuộc đàm phán quốc tế. Những cuộc đàm phán này đã rơi vào bế tắc do sự phản đối của Serbia, nước muốn giữ tỉnh này trong đường biên giới Serbia, và do người Albania chiếm đa số ở Kosovo không muốn gì khác ngoài độc lập.

Nếu những người Albania ở Kosovo tuyên bố độc lập như mong đợi vào tháng 12 tới, ông Nikolic nói rằng Serbia phải cắt đứt các quan hệ ngoại giao với phương Tây và áp đặt cấm vận kinh tế đối với Kosovo.

Thủ tướng Serbia Kostunica nói rằng những đề xuất của quản trị viên quốc tế Miroslav Lajcak ở Bosnia về việc tăng cường quốc hội chung, đa sắc tộc cũng như các cơ quan nhà nước khác của Bosnia chẳng qua là ’’những chính sách vũ lực’’ nhằm thay đổi Hiệp định hoà bình Dayton, hiệp định chấm dứt ba năm đổ máu.

Theo ông Kostunica, bảo vệ Kosovo và tiểu nhà nước Serb ở Bosnia là ’’những mục tiêu ưu tiên’’ của Serbia. Ông nói thêm rằng các chính sách quốc tế ở Bosnia và Kosovo đang ’’làm tê liệt những quyền lợi thiết yếu của người Serb’’.

Các quan chức Bosnia và các cường quốc phương Tây, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italia, đã chính thức phản đối việc ông Kostunica gắn số phận của Kosovo với Bosnia. Đồng Tổng thống Zeljko Komsic của người Croats tại Bosnia nói rằng những tuyên bố của ông Kostunica ’’cuối cùng cũng bộc lộ những trò chơi chính trị tối tăm của Belgrade đối với Bosnia’’. Với ngôn từ đặc biệt gay gắt, ông Komsic nói rằng ông Kostunica ’’chớ động tay vào Bosnia nếu không sẽ bị gãy tay và vỡ mũi’’.

Phát ngôn viên của ông Kostunica, Srdjan Djuric, nói rằng những bình luận của ông Komsic là ’’thô lỗ và hiếu chiến’’.

Slobodan Samardzic, một bộ trưởng trong Chính phủ Serbia, đã bác bỏ sự phản đối của phương Tây về việc Serbia can thiệp vào các vấn đề của Bosnia, nói rằng những vấn đề Kosovo và Bosnia liên quan tới nhau. Theo ông, các đề xuất của ông Miroslav Lajcak có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Ông Lajcak nói rằng những quy định mới của ông nhằm chấm dứt việc các nghị sĩ và bộ trưởng Bosnia không tham dự các phiên họp của quốc hội hoặc chính phủ để phong toả các cuộc cải cách. Người Serb ở Bosnia thường phong toả các dự luật bằng cách không tham dự các cuộc họp. Nói chung, người Serb ở Bosnia phản đối việc tăng cường các thể chế trung ương, và muốn tăng cường quan hệ với nước Serbia láng giềng.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với các biện pháp của ông Lajcak và bày tỏ sự lo ngại về những diễn biến chính trị gần đây ở Bosnia.

  • Minh Sơn (theo AP, FT)
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,