Ba tuần trước đây, ông Bush ám chỉ về một cuộc đại chiến thế giới lần III có liên quan đến hạt nhân Iran. Tiếp đó, lãnh đạo Đức, Pháp đến Washington bàn chuyện Iran với ông Bush. Liệu Mỹ có tấn công Iran?
Văn nói một đằng
Tổng thống Mỹ, Bush.
Như để củng cố thêm cho nhận định của mình, nhằm chặn ngay mầm mống chiến tranh thế giới lần thứ III này, ông Bush đã ra lệnh gia hạn thêm một năm thời hạn phong toả các tài sản của Chính phủ Iran tại Mỹ và ép các công ty châu Âu ngừng giao dịch với Iran. Washington đe doạ lợi ích của các công ty châu Âu tại Mỹ sẽ bị huỷ hoại nếu tiếp tục giao dịch với Tehran.
Cũng như các chính phủ của mình, các công ty của Pháp, Đức, Anh tỏ ra hoàn toàn ủng hộ chiến dịch trên của Mỹ.
Trong tuần qua, thế giới được chứng kiến các chuyến viếng thăm Washington của các nguyên thủ Đức, Pháp. Rõ ràng, ngoài đồng minh truyền thống là nước Anh ra, Mỹ rất cần 2 "già làng" còn lại của "lục địa già" châu Âu. Và tất nhiên, chuyện Iran bao giờ cũng là tâm điểm trong các cuộc toạ đàm giữa các bên.
Trong cuộc gặp Bush, Thủ tướng Đức Merkel nhấn mạnh cần phải áp đặt thêm cấm vận nhằm thúc ép Iran từ bỏ các tham vọng hạt nhân và nước Đức sẽ xem xét các quan hệ thương mại với đất nước này.
Và về phần mình, Tổng thống Pháp Sarkozy - người bạn mới của Bush - cũng bày tỏ tình thân bằng tuyên bố: "Không thể chấp nhận được việc Iran có vũ khí hạt nhân. Tôi tin tưởng vào nhu cầu tăng cường các biện pháp trừng phạt của LHQ chống Tehran do nước này tiếp tục làm giàu uranium’’. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Iran có quyền phát triển năng lượng hạt nhân dân sự - điều mà Tehran cho là mục tiêu duy nhất của chương trình hạt nhân hiện nay.
Được đánh giá là nhân vật diều hâu nhất trong giới diều hâu ở Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney cũng hùng hồn tuyên bố, Washington sẽ không để cho Iran có được vũ khí hạt nhân và nhà nước Hồi giáo sẽ phải gánh chịu những "hậu quả nghiêm trọng" nếu không dừng các hoạt động làm giàu uranium.
Võ làm một nẻo?
Tuy nhiên, dù được coi là giải pháp ngắn hạn, nhưng dường như quân đội Mỹ đang đẩy vấn đề của giới chính khách sang một hướng khác.
Điều dễ nhận thấy nhất là động thái quân đội Mỹ tại Baghdad đã phóng thích 9 trong tổng số 20 công dân Iran bị họ bắt giữ tại Iraq, kể cả 2 người bị buộc tội hỗ trợ những phần tử cực đoan người Shi’ite, với lí do họ không còn là hiểm họa đe dọa an ninh ở quốc gia láng giềng.
Như một hành động "đáp lễ" dường như Tehran cũng muốn "hạ nhiệt" căng thẳng với quân đội Mỹ tại Iraq. Bằng chứng rõ nét nhất là lượng bom để đánh bom bên đường tuồn từ Iran vào Iraq giảm mạnh.
Nếu như đầu năm, thế giới "hoang mang" trước khả năng bùng nổ chiến tranh khi Hải quân Mỹ triển khai tàu sân bay thứ hai tới Vịnh Persian, ngay ngoài khơi Iran, thì tháng 8 vừa rồi, mọi người có thể "thở phào nhẹ nhõm" khi 2 tàu sân bay trên được thay thế bằng một tàu khu trục.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates nhấn mạnh, ngoại giao và trừng phạt kinh tế sẽ là "vũ khí chính" trong "kho vũ khí" của Mỹ, ít nhất là vào lúc này.
"Chúng tôi là nói hơn một lần rằng khi tất cả các lựa chọn đã nằm trên bàn, bất kỳ giải pháp nào ngoài áp lực ngoại giao, kinh tế đều là giải pháp cuối cùng".
Khi quân đội Mỹ đang phải căng ra trên các mặt trận ở Afghanistan và Iraq, thì chắc chắn các tướng lĩnh sẽ cực lực phản đối bất kỳ hành động quân sự nào với Iran.
Với tình hình này, cụm từ mạnh "chiến tranh thế giới lần III" được ông Bush nhắc đến 3 tuần trước đây, không ám chỉ bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào nhằm vào Tehran. Có chăng, đó chỉ báo hiệu rằng, Mỹ sẽ mạnh tay hơn về ngoại giao và kinh tế mà thôi.
- Trần Kiên (tổng hợp)