Lãnh đạo đối lập Pakistan Benazir Bhutto hôm nay (12/11) tuyên bố ngừng đàm phán về chia sẻ quyền lực với Tổng thống Musharraf, tự đặt mình vào thế đối đầu trực tiếp với người đứng đầu đất nước.
"Chúng tôi sẽ không tham gia thêm bất cứ cuộc thương thuyết nào khác. Đây là sự thay đổi so với chính sách trước kia của tôi", bà Bhutto nói với các phóng viên tại Lahore. "Tôi không thể làm việc với một người mà đình chỉ hiến pháp, áp đặt quy định khẩn cấp và chèn ép luật pháp. Đó là lý do tại sao chúng tôi tổ chức tuần hành".
Bà Bhutto (Ảnh AFP)
Người phụ nữ đã hai lần làm Thủ tướng, tuyên bố, bà quyết định như vậy sau khi Tổng thống Musharraf từ chối dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia. Bà Bhutto cũng cam kết sẽ tiến hành cuộc biểu tình như dự định vào ngày mai (13/11) bất chấp cảnh báo từ chính quyền rằng họ sẽ cấm tuần hành. "Tôi biết là nguy hiểm nhưng liệu có còn giải pháp nào khác?".
Chính quyền Pakistan sẽ cấm cuộc tuần hành từ Lahore tới thủ đô Islamabad. "Sẽ không có tuần hành. Nó không được phép diễn ra", một quan chức chính phủ ở Punjab, nơi có thành phố Lahore cho hay.
"Đó là một quyết định chính trị" cảnh sát trưởng Lahore Malik Mohammad Iqbal nói và cảnh báo về các vụ tấn công nhằm vào cuộc tuần hành có thể diễn ra.
Mỹ và Anh đã lặng lẽ ủng hộ hội đàm chia sẻ quyền lực giữa bà Bhutto và ông Musharraf với mục đích đoàn kết hai nhân vật được phương Tây ủng hộ trong cuộc chiến chống Al Qaeda và du kích Taliban.
Phát biểu trước thánh đường Badshahi có từ thế kỷ 16 tại Lahore, bà Bhutto hoan ngênh cam kết tổ chức bầu cử trước ngày 9/1 của Tổng thống Musharraf nhưng nói, bầu cử không thể tiến hành một cách công bằng và tự do khi luật khẩn cấp còn hiệu lực. "Quyết định áp đặt tình trạng khẩn cấp và không từ bỏ bộ quân phục của Tổng thống Musharraf đã khiến các cuộc hội đàm giữa chúng tôi đổ vỡ".
Bà Bhutto đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh các ngoại trưởng Khối thịnh vượng chung sẽ nhóm họp ở London để thảo luận về việc đình chỉ tư cách thành viên của Pakistan trong tổ chức này. Phiên họp đặc biệt sẽ diễn ra sau khi Tổng thống Musharraf áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia ở Pakistan vào ngày 3/11.
Nhiều người kỳ vọng cuộc họp của Khối thịnh vượng chung sẽ làm tăng sức ép quốc tế đối với người đứng đầu Pakistan. Khi Tổng thống Musharraf lên nắm quyền năm 1999, Pakistan bị đình chỉ tư cách thành viên Khối thịnh vượng chung trong 5 năm.
-
Hoài Linh (theo BBC, AFP)