Các yếu tố tạo thành khủng hoảng ở Pakistan
Cập nhật lúc 08:50, Thứ Ba, 13/11/2007 (GMT+7)
Tình trạng hỗn loạn trên các đường phố Pakistan hiện nay xuất phát từ sự pha trộn hay đổi thay của lịch sử, tôn giáo và chính trị mà kết quả của nó rất dễ bùng nổ. Dưới đây là các yếu tố chính của cuộc khủng hoảng này.
Cựu Thủ tướng Benazir Bhutto và Tướng Pervez Musharraf.
Đất nước
Nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan có 165 triệu dân, phân chia theo các nhóm ngôn ngữ và bộ tộc, thống nhất bởi quân đội và Đạo Hồi - và có nhiều trường phái khác nhau gồm truyền thống, bảo thủ và hiện đại.
Pakistan và các lãnh đạo quân đội là một trong những đồng minh chủ chốt của Mỹ, ủng hộ cuộc thánh chiến ở Afghanistan chống lại Liên Xô sau khi Moscow chiếm đóng đất nước này.
Trong những năm 1990, quan hệ giữa Islamabad và Washington trở nên căng thẳng sau khi Mỹ áp đặt các lệnh cấm vận lên Pakistan vì theo đuổi vũ khí hạt nhân. Chính phủ Pakistan quay sang ủng hộ chế độ Taliban ở Kabul cho đến ngày 11/9/2001.
Các nhân vật chính
Tổng thống Pervez Musharraf lên nắm quyền lực ở Pakistan trong một cuộc đảo chính không đổ máu năm 1999. Ông hứa sẽ chỉnh đốn nền kinh tế và diệt trừ tham nhũng.
Tướng Musharraf từng là lính đặc công, đã tham gia các cuộc chiến tranh giữa Pakistan với Ấn Độ, quốc gia láng giềng Nam Á to lớn hơn, trong những năm 1965 và 1971. Sau đó, năm 1999, ông giữ chức Tham mưu trưởng quân đội trong thời kỳ xảy ra cuộc xung đột nhỏ hơn giữa hai nước, sự kiện mà nhiều người lo ngại sẽ leo thang thành chiến tranh hạt nhân khi cả Ấn Độ và Pakistan đều tiến hành thử nghiệm hạt nhân và có khả năng thực hiện được các cuộc tấn công hạt nhân.
Sau vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ, Tướng Musharraf đứng về phía Tổng thống George W. Bush, người liên tục gọi nhà lãnh đạo Pakistan này là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Washington trong cuộc chiến chống khủng bố.
Nhiều năm liền, Musharraf được ca ngợi vì tính liêm khiết và có công thúc ép Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào Pakistan sau khi đất nước Nam Á này thử nghiệm quả bom hạt nhân đầu tiên năm 1998.
Chánh án Iftikhar Chaudhry là nhân vật "xúc tác" trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Pakistan.
Người đứng đầu Tòa án Tối cao Pakistan đã bị Tổng thống Musharraf đình chỉ công tác hồi tháng 3 vừa qua vì bị cáo buộc vi phạm đạo đức. Động thái này đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình rộng khắp cả nước của giới luật sư và những người ôn hòa thuộc tầng lớp trung lưu từng ủng hộ Musharraf một thời.
Danh tiếng của Tướng Musharraf phai mờ kể từ khi đó. Tháng 7/2007, Tòa án Tối cao phục chức cho ông Chaudhry. Đầu tháng 11, Tòa án này dường như đã sắp đặt phán quyết rằng việc ông Musharraf tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa trong cuộc bỏ phiếu ngày 6/10 là trái hiến pháp.
Đối diện với thử thách chính trị nghiêm trọng nhất trong 8 năm, ông Musharraf đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, đình chỉ hiến pháp, sa thải các thẩm phán không hợp tác, bắt giữ ông Chaudhry, kiểm soát các đài đưa tin độc lập và cắt cử lực lượng an ninh xuống đường trấn áp các cuộc biểu tình.
Cựu Thủ tướng Benazir Bhutto là một đồng minh chẳng mấy hứa hẹn của tướng Musharraf trong tiến trình này, đôi khi bà nổi nóng nhưng có lúc lại giảng hòa. Nữ chính trị gia từng tốt nghiệp trường Đại học Oxford danh tiếng là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một đất nước Hồi giáo thời hậu thực dân. Bà là con gái của Zulfikar Ali Bhutto, người từng giữ chức Thủ tướng Pakistan trong khoảng thời gian 1973-1977. Ông bị tướng Mohamed Zia-ul-Haq phế truất và xử tử sau đó vì tội giết một đối thủ chính trị, một tội danh mà Benazir và những người ủng hộ bà kiên quyết bác bỏ trong 30 năm qua.
Năm nay, khi uy tín của Musharraf tụt giảm, một thỏa thuận được Mỹ ủng hộ giữa Tổng thống và đối thủ một thời của ông đã dọn đường cho bà Bhutto trở về nước sau một thời gian dài sống lưu vong ở Anh và Dubai. Theo thỏa thuận này, Tướng Musharraf sẽ hủy bỏ các cáo buộc tham nhũng chống lại Bhutto và chồng bà.
Người ta cho rằng Musharraf sẽ từ chức Tổng Tư lệnh quân đội để tiếp tục vị trí Tổng thống thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa còn bà Bhutto sẽ dẫn dắt Đảng Nhân dân Pakistan, đảng lớn nhất đất nước, chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2008 và trở thành Thủ tướng.
Các vấn đề
Cuộc chiến chống khủng bố là điểm then chốt trong chính sách của Mỹ về Pakistan, đất nước đã vui mừng nhận 10 tỷ USD viện trợ từ Washington kể từ sau vụ khủng bố 11/9.
Những năm tiếp đó, sau khi chế độ Taliban ở Kabul bị lật đổ, al-Qaeda và Taliban đã tái hợp ở vùng núi non hiểm trở dọc biên giới Pakistan - Afghanistan. Khu vực này - được miêu tả là vô luật lệ - từ lâu chịu sự kiểm soát của các bộ tộc cực kỳ bảo thủ tự điều hành chính quyền bán tự trị ở địa phương.
Hiện trường vụ đánh bom nhằm vào cựu Thủ tướng Benazir Bhutto.
Các tay súng bản địa và ngoại quốc cũng dần trở nên mạnh mẽ hơn. Năm ngoái, sau khi không tiêu diệt được lực lượng phiến quân, quân đội Pakistan đã ký một thỏa thuận ngừng bắn với một vài trong số các nhóm quân này. Sau đó, cuộc chiến lại tái diễn.
Các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng al-Qaeda hiện đã phục hồi tới điểm đủ mạnh để thực hiện các cuộc tấn công mới nhằm vào nước Mỹ.
Tình trạng Taliban hóa ở Pakistan làm dấy lên những lo ngại rằng thể chế tương lai ở nước này có thể sẽ đặt năng lực hạt nhân của Islamabad, ước tính vào khoảng 80 thiết bị hạt nhân, vào tay kẻ thù của phương Tây. Thực vậy, các chiến binh đã gây ảnh hưởng tới tận những khu vực ôn hòa hơn ở Pakistan, chẳng hạn Thung lũng Swat vốn hấp dẫn khách du lịch một thời.
Các nhóm phiến quân cũng thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào nhiều thành phố lớn, trong đó có cả thủ đô. Tháng 7/2007, một thánh đường ở Islamabad đã trở thành "chiến trường" đẫm máu giữa lực lượng an ninh chính phủ và các tay súng Hồi giáo cực đoan, gây ra làn sóng bạo lực mới với những vụ đánh bom, bắt cóc liên tiếp.
Gần đây nhất, vài giờ đồng hồ ngay sau khi bà Bhutto trở về nước hôm 18/10, hơn 150 người đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom nhằm vào chiếc xe tải chở bà.
Ai sẽ lãnh đạo Pakistan?
Đây là câu hỏi quan trọng bậc nhất và khẩn thiết tại thời điểm này. Nếu liên minh Musharraf - Bhutto đổ bể, Pakistan sẽ được đặt dưới lãnh đạo của một người ít được lòng dân nhưng có sức mạnh đối với bộ máy quân sự-và-an ninh mà nhiều người lo sẽ nuôi dưỡng các phần tử cực đoan.
Bà Bhutto thực sự cho rằng các thành viên trong chính phủ và ngành tình báo của Pakistan biết rõ cuộc tấn công nhằm vào bà ngày trở về nước và đã giúp lên kế hoạch cho sự kiện này.
Các đồng minh nước ngoài thân cận nhất của tướng Musharraf từ lâu quan ngại rằng các cơ quan tình báo và quân sự vẫn như cũ sẽ bao gồm nhiều quan chức dễ đồng tình với lực lượng phiến quân hiện đang bị Islamabad nhắm tới.
Cùng lúc, khi Musharraf và Bhutto đang cố tranh thủ lợi thế thì những kẻ cực đoan ở vùng núi tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình và đang trở thành một lựa chọn ngày càng rõ ràng hơn cho "nền chính trị bình thường" không hiệu quả ở Pakistan.
-
Thanh Hảo (Theo Time)
,