Trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên về chính sách ngoại giao kể từ khi lên làm Thủ tướng Anh, ông Gordon Brown khẳng định mối quan hệ "quan trọng nhất" của Anh hiện nay là với Mỹ. Thủ tướng Anh Gordon Brown lúc chuẩn bị phát biểu. Ảnh Reuters
Brown nhấn mạnh, ông "không dính dáng đến tư tưởng chống thân Mỹ" và nói rằng EU nên củng cố quan hệ với Mỹ.
Thủ tướng Anh cũng kêu gọi tăng cường chủ nghĩa quốc tế trong hoạt động gìn giữ hòa bình, viện trợ và tái thiết.
Trong bài phát biểu tại buổi tiệc của Thị trưởng London ở Guildhall, ông còn cảnh báo Iran về "các tham vọng hạt nhân" của nước này.
Các giá trị chung
Thủ tướng Brown nói, Anh cần hợp tác với "tất cả những bên có chung tầm nhìn với chúng ta về tương lai", bao gồm NATO, Liên hợp quốc, EU và Mỹ. "Việc tôi là một người ngưỡng mộ nước Mỹ suốt đời không phải là một điều bí mật".
"Tôi không liên quan đến tư tưởng chống thân Mỹ ở Anh hay ở một nơi nào khác thuộc châu Âu, và tôi tin rằng quan hệ của chúng ta với Mỹ - được thành lập trên các giá trị chung - là mối quan hệ song phương quan trọng nhất của chúng ta.
Và điều tốt cho nước Anh, cho châu Âu cùng thế giới là ngày nay, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu đang xây dựng các mối quan hệ tốt hơn với Mỹ".
Bài phát biểu trên được đưa ra sau khi có những thông tin rằng ông Brown không muốn thân với Tổng thống Mỹ George W. Bush như người tiền nhiệm Tony Blair.
Thông tín viên Jonathan Beale của BBC nhận định rằng "không khí se lạnh mùa thu" đang phủ bóng lên quan hệ Anh - Mỹ. "Câu hỏi đặt ra là liệu quan hệ với Gordon Brown có mặn mà như với Tony Blair?".
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Gordon Brown tỏ rõ sẽ ủng hộ lập trường của Mỹ về vấn đề hạt nhân Iran, quả quyết rằng nước Cộng hòa Hồi giáo phải lựa chọn hoặc "đối đầu" hoặc "thay đổi quan hệ với thế giới".
"Quay trở lại"
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh William Hague cho biết: "Chúng tôi đã kêu gọi nhiều tháng qua về các đòn trừng phạt quốc tế đối với hoạt động đầu tư vào ngành dầu lửa và khí đốt của Iran, cả với lĩnh vực tài chính của nước này. Thủ tướng đã lắng nghe và cuối cùng đã quay trở lại cách nghĩ của chúng tôi".
Ông Hague cho biết thêm: "Chúng tôi vẫn thực sự lo lắng rằng Liên hợp quốc và các nước châu Âu đã không có bất kỳ hành động nào chống lại Iran trong nhiều tháng trời nay".
"Còn thêm nhiều điều nữa cần phải thực hiện để gây sức ép lên thể chế ở Tehran: một lệnh cấm vận của LHQ đối với các hợp đồng bán vũ khí mới cho Iran, các bước đi hiệu quả hơn chống lại những bên tham gia vào chương trình hạt nhân Iran, hành động nhằm vào lực lượng cận vệ cách mạng Iran, và các hạn chế đối với các khoản tín dụng xuất khẩu dành cho Iran".
-
Thanh Hảo (Theo BBC, Reuters)