221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1017388
Cuộc sống người tị nạn Iraq: Trở về và mắc kẹt
1
Article
null
Cuộc sống người tị nạn Iraq: Trở về và mắc kẹt
,

Người phụ nữ góa chồng Hashim đi qua biên giới Syria vào Iraq, cô trở về nhà khi mặt trời lặn phía sau, một ngày sắp kết thúc nhường chỗ cho bóng đêm bao trùm.

a
Người tị nạn Iraq trở về, và đương đầu với cuộc sống bấp bênh (Ảnh: NYtimes)
Số tiền tiết kiệm được cô dành mua vé xe buýt cho cả gia đình, nhưng không ai có thể nói với cô điều giờ đang chờ đợi cuối cuộc hành trình. Chỉ có điều duy nhất chắc chắn là Hashim sẽ phải tìm một ngôi nhà mới, một công việc mới trong một thành phố tiêu điều vì chiến tranh và nạn thất nghiệp lan tràn.

Bốn tuần sau đó, Maha Hashim đã chia sẻ căn hộ có hai buồng ngủ cùng người bác họ, bốn đứa con, chị chồng, bốn cháu gái cháu trai... ở khu phố Haifa đầy rẫy bất ổn của Baghdad. Cô tự nhủ sẽ ở đây không lâu, nhưng cô đã không tìm được việc làm và không thể tự thuê nhà riêng cho gia đình. Chồng cô, một cảnh sát đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ với lực lượng nổi dậy vào giữa năm 2006, và ngôi nhà cũ của Hashim ở phía nam Baghdad thì bị phá hủy trong một vụ đánh bom xe tải. Nơi ở trước đây của gia đình cô, Saydia, vẫn còn là một trong những khu vực nguy hiểm nhất Thủ đô của Iraq.

“Tôi yêu Saydia nhưng có thể sẽ không bao giờ trở lại; nơi này làm trái tim tôi tan vỡ’’, Hashim, 40 tuổi, một người Sunni, cho biết. “Tôi cần một công việc và một ngôi nhà, nhưng tôi sẽ làm thế nào, ở nơi đâu?’’.

Ở khắp Iraq, hàng chục nghìn người tị nạn Iraq đang phải đối mặt với cuộc sống bấp bênh như Hashim, nơi chính phủ không thể quản lý được dòng người di cư ngược, tình trạng xã hội bất ổn và những trái bom mìn chưa nổ bị bỏ quên...

Kế hoạch đi xe buýt miễn phí từ Damascus, Syria tới Baghdad bị dừng lại chỉ sau hai giờ thử nghiệm. Hàng nghìn nạn dân Sunni không nhận được hàng cứu trợ vì họ sợ phải đăng ký với chính quyền.

Một số nhỏ trong hàng triệu người tị nạn đã rời Iraq đang trở lại. Trong khi chính quyền Iraq khẳng định sự hồi hương của họ là minh chứng cho tình trạng an ninh được đảm bảo, thì các chuyên gia về người tị nạn lại cho rằng, họ buộc phải trở lại vì visa hết thời hạn, tiền tiết kiệm không còn. Hashim là một ví dụ, cô đã bán chiếc nhẫn cưới và đồ trang sức bằng vàng để cố ở lại Syria, nhưng lại phải trở về khi đơn xin cấp visa của bác cô bị từ chối.

Quân đội Mỹ đã bày tỏ quan ngại về khả năng của Chính phủ Iraq trong việc cung cấp thực phẩm và nhà cửa cho người tị nạn cũng như việc quản lý số lượng đơn xin cải tạo nhà ở. Đó là chưa kể những tranh chấp về bất động sản và nỗ lực xây dựng các khu dân cư thống nhất có thể dấy lên làn sóng bạo lực bè phái mới.

Với hầu hết người tị nạn Iraq, chuyến hồi hương chỉ là thời điểm bắt đầu cho những rắc rối của họ. Rất nhiều người trở về đã chứng kiến ngôi nhà của họ bị phá hủy hay lỗ chỗ vết đạn, phần lớn trong số họ đã phải thay đổi chỗ ở. Nhưng chính phủ đã quyết định chỉ xét xử các vụ tranh chấp nhà cửa vào thời điểm trước cuộc chiến tranh năm 2003.

“Chúng tôi cần một kế hoạch khẩn cấp, toàn bộ chính phủ nên quan tâm điều này’’, Hamdiya A. Najaf, một quan chức của Bộ Di cư và Dịch chuyển Iraq cho biết. Bộ của bà đã bị quá tải vì những trường hợp tranh chấp đất đai thời Saddam Hussein. ’’Chúng tôi vẫn đang giải quyết những vụ việc cũ, nên không thể có cách nào xử lý vấn đề mới phát sinh’’.

Cuộc khủng hoảng nhà đất còn tồn tại với hàng triệu người rời nhà cửa nhưng vẫn ở lại Iraq. Chỉ tính riêng tại Baghdad, đã có hơn 300.000 người đã đi tới nơi ở khác, người Sunni chuyển ra phía tây, người Shiite xuống phía đông.

Gia đình của Afraah Kadhom đã rong ruổi khắp nơi. Cô năm nay 36 tuổi và thường giấu mình trong chiếc áo aba đen rộng thùng thình - kiểu để tang. Cha cô và bốn anh em trai đã thiệt mạng khi những tay súng gõ cửa căn nhà của họ ở Huriya, phía bắc trung tâm Baghdad. Con trai của anh cô, Mustafa, đã chứng kiến cảnh cha mình hấp hối. Mustafa, năm nay 9 tuổi và rất nhút nhát, là thành viên nam duy nhất trong gia đình.

Gia đình cô ở Huriya cho tới tháng 12 năm ngoái rồi tới Ghazaliya, phía tây Baghdad, chui rúc trong ngôi nhà của một gia đình người Shiite bỏ lại để đến phía đông Baghdad.

Chính phủ có chương trình hỗ trợ có thể giúp đỡ Kadhom, nhưng cô tỏ ý đầy hoài nghi. Ví dụ, nộp đơn theo chương trình phân phối lương thực, cô có thể phải trở lại Huriya, nơi mà cô đã quá kinh hoàng.

Những gia đình thay đổi chỗ ở tại Iraq có thể nhận được hỗ trợ 150.000 dinar/tháng (123 USD) từ phía chính phủ, nhưng Kadhom sợ rằng, cô sẽ bị phạt khi nộp đơn đăng ký. Lòng kiêu hãnh của cô cũng là một nhân tố, cha Kadhom từng là một trưởng tộc, gia đình cô thường chỉ đi bố thí chứ không xin xỏ bao giờ.

Nếu những người chủ cũ ở lại, gia đình Kadhom sẽ lại tiếp tục cuộc hành trình. Ba tuần sau khi tới nơi ở mới, ngôi nhà cũ của họ đã bị đánh bom và trở thành một đống đổ nát.

Gia đình Kadhom và Hashim, luôn trong tình trạng ’’sẵn sàng lên đường’’ vì nhà của họ đã mất hay hàng xóm bất an. Và khi những người tị nạn trở về ngày một nhiều, thì cuộc sống trong an ninh không được đảm bảo lại càng bấp bênh hơn.

Bà Najaf, một quan chức cơ quan di cư cho hay, bà đã khẩn thiết đề nghị các bộ trưởng nội các Iraq đưa ra kế hoạch khẩn cấp để dựng lại nhà cửa và đối phó với những vụ tranh chấp đất đai. Bà nói rằng, chỉ có Thủ tướng mới đủ quyền lực và sức mạnh tìm ra một giải pháp, nhưng bà đã không thể tiếp cận với ông dù chỉ là qua điện thoại. “Bản tính tự nhiên của người Iraq là nóng nảy, tình trạng bất ổn càng khiến họ bị kích động hơn. Nếu nhìn thấy người khác trong nhà của mình, không ai biết được việc gì sẽ xảy ra. Tất cả người Iraq đều có súng’’.

Dhia’a al-Dien, 42 tuổi, một kỹ sư, là người đứng đầu hội đồng địa phương ở phố Haifa nơi Hashim và gia đình đang sống. Haifa vốn là nơi bất ổn nhất ở Baghdad. Trước tình trạng ’’nhảy dù’’, Dien nói ông cảm thấy bất lực. “Họ bị chiếm nhà đất từ những người khác, tôi cảm thấy thương cho một số người, một số khác có vũ khí thì lại đi chiếm nhà. Tất cả rất hỗn loạn’’.

Ông Dien nói, ông có thể thỏa thuận với một vài người đòi lại nhà, số sẵn sàng ra đi, số đồng ý trả tiền thuê. Nhưng có hàng trăm vụ khác không thể giải quyết, và ông cảm thấy bị mắc kẹt không biết làm gì.

“Không ai giúp đỡ chúng tôi’’, ông nói. ’’Người Mỹ bảo chúng tôi tự đàm phán với nhau vì đó không phải là việc của họ. Chính phủ Iraq cũng nói tương tự như thế’’.

  • Kỳ Thư (Theo NYtimes)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,