Các nhà lập pháp Trung Quốc đang tính tới việc ban hành một đạo luật đảm bảo an toàn thực phẩm giữa lúc xảy ra nhiều vụ bê bối thực phẩm.
Kiểm tra an toàn thực phẩm ở Trung Quốc (Ảnh: AFP) |
Luật dự thảo an toàn thực phẩm đã được đệ trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc (NPC).
Tào Khang Thái, phụ trách Văn phòng lập pháp của Hội đồng Nhà nước cho biết, các vụ bê bối về an toàn thực phẩm đã khiến người dân mất lòng tin vào thực phẩm nội địa và ảnh hưởng tới danh tiếng các loại thực phẩm của Trung Quốc trên thị trường thế giới.
"Thiếu hệ thống tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và mạng lưới giám sát là nguyên nhân của việc này’’, ông Tào nói.
Trong báo cáo về giám sát an toàn dược, thực phẩm, Bộ trưởng Y tế Trung Quốc Trần Trúc cho hay, ô nhiễm ở những khu vực sản xuất lương thực thực phẩm, sử dụng thuốc trừ sâu, vật liệu bao gói thực phẩm... đã tạo ra nguy cơ cho an toàn thực phẩm. Ngoài ra, những cơ sở sản xuất thực phẩm chất lượng thấp cũng là một vấn đề trong lĩnh vực này.
Theo ông Trần, một số chính quyền địa phương đã thiếu giám sát chặt chẽ an toàn thực phẩm hay chần chừ trong việc thu hồi giấy phép với các nhà máy sản xuất thực phẩm chất lượng thấp là nguyên nhân gây ra các vụ bê bối gần đây.
Trung Quốc đã có luật vệ sinh thực phẩm, có hiệu lực năm 1995. Song dù đã điều chỉnh vấn đề an toàn thực phẩm nhưng một số nhà lập pháp Trung Quốc cho rằng, luật này không đủ đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Trung Quốc đã xem xét điều chỉnh luật vệ sinh thực phẩm năm 2004, đồng thời nghiên cứu luật an toàn thực phẩm của nhiều nước khác. Trên cơ sở nghiên cứu, Văn phòng lập pháp sẽ điều chỉnh luật vệ sinh thực phẩm, đưa ra dự thảo luật an toàn thực phẩm. Dự thảo luật nhấn mạnh việc kiểm tra kỹ càng thực phẩm nhập khẩu và xuất khẩu. Theo đó, thực phẩm nhập khẩu phải phù hợp với chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia và hệ thống nhãn hiệu, thực phẩm xuất khẩu phải phù hợp với yêu cầu của quốc gia nhập khẩu và vượt qua việc kiểm tra, đánh giá chất lượng của nước ngoài.
Cũng theo dự thảo luật an toàn thực phẩm, một hệ thống giám sát (giám sát quá trình sản xuất, phân phối, lưu trữ, tiêu thụ, chế biến thực phẩm) sẽ được thiết lập để đảm bảo mọi sản phẩm đều nằm trong sự kiểm soát. Luật dự thảo còn đề xuất việc xây dựng một hệ thống thu hồi để yêu cầu nhà sản xuất và người phân phối thực phẩm dừng sản xuất, tiêu thụ và thu hồi thực phẩm không an toàn.
Các nhà sản xuất và buôn bán thực phẩm, nếu làm hay tiêu thụ thịt động vật chết, nhiễm độc, thực phẩm chứa các thành phần bị cấm sử dụng, thực phẩm cho trẻ em bằng các nguyên liệu kém chất lượng.... sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Quan chức ngành giám sát an toàn thực phẩm cũng sẽ đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc nếu lợi dụng chức quyền hay sao nhãng nhiệm vụ.
Trung Quốc có khoảng 448.000 công ty sản xuất, chế biến thực phẩm, đạt tổng giá trị 1,28 nghìn tỉ nhân dân tệ (175 tỉ USD) trong nửa đầu năm nay (tăng 29,9% so với năm trước).
Đối phó với các vụ bê bối về an toàn thực phẩm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã giới thiệu hệ thống thu hồi mới, thực hiện chiến dịch kiểm tra chất lượng sản phẩm kéo dài trong bốn tháng. Trong chiến dịch này, 626 trường hợp vi phạm bị phát hiện, 192.400 cửa hàng thực phẩm không có giấy phép bị đóng cửa và 1.253,5 tấn thực phẩm kém chất lượng bị thu hồi.
-
Kỳ Thư (Theo Tân Hoa xã)