Các nhà lãnh đạo thế giới đã bày tỏ căm phẫn và lên án vụ ám sát cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto. Hội đồng Bảo An LHQ sẽ nhóm họp khẩn cấp để bàn về tình hình ở Pakistan sau vụ việc trên.
>> Sóng gió cuộc đời cựu nữ Thủ tướng Pakistan
>> Chùm ảnh cựu Thủ tướng Bhutto bị ám sát
>> Pakistan: Cựu Thủ tướng Bhutto bị ám sát
>> Cuộc đời Bhutto qua ảnh
Nhà lãnh đạo đối lập Pakistan Bhutto vừa thiệt mạng sau một vụ đánh bom liều chết tại một buổi mít tinh ở thành phố Rawalpindi, Pakistan.
Bà Bhutto (Ảnh AFP/Getty Image)
"Tôi bị sốc nặng trước thông tin về vụ tấn công mới nhất ở Rawalpindi, đã cướp đi mạng sống của bà Benazir Bhutto và ít nhất 15 người khác", Ngoại trưởng Anh David Miliband nói. "Bà Bhutto biết những nguy hiểm rình rập khi trở về để tranh cử nhưng vẫn quyết định về vì tin chắc rằng đất nước cần tới bà".
Ông Milband kêu gọi Pakistan - nước thuộc địa cũ của Anh kiềm chế và đoàn kết.
Tổng thống Bush, hiện đang nghỉ tại trang trại ở Texas, đã được thông báo về tình hình tại Pakistan, Nhà Trắng cho hay song không đưa ra bình luận gì. "Chúng tôi lên án những hành động bạo lực diễn ra ngày hôm nay ở Pakistan", người phát ngôn Nhà Trắng nói. Tổng thống sẽ có bài phát biểu trên truyền hình về vụ ám sát này.
Tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên án vụ tấn công. "Nó cho thấy có người vẫn đang muốn làm suy yếu nền dân chủ ở Pakistan", phó phát ngôn viên Tom Casey cho hay.
Trong suốt nhiều tháng qua, chính quyền Tổng thống Bush đã khuyến khích Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf thoả hiệp với các đối thủ chính trị, gồm cả bà Bhutto. Đảng của nữ cựu Thủ tướng này được mong đợi sẽ giành kết quả tốt trong cuộc bầu cử vào tháng tới.
Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner, người biết rõ bản thân bà Bhutto, đã bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc sau vụ tấn công, thông báo từ văn phòng của quan chức này cho biết. Ông Kouchner lên án mạnh mẽ "hành động xấu xa" và "tái khẳng định cam kết của nước Pháp về một sự bình ổn tại Pakistan lẫn sự dân chủ ở đây".
Tại Ấn Độ, quốc gia đã từ lâu bất hoà với nước láng giềng Pakistan, phát ngôn viên đảng Quốc đại nói với hãng tin PTI, "chúng tôi phải bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về bất cứ việc gì phá huỷ và làm nhiễu loạn sự cai trị dân chủ ở Pakistan". Phát ngôn viên Abhishek Singhvi nói, nền dân chủ Ấn Độ cam ghét bạo lực và "hành động đó không chỉ chống dân chủ mà còn gây bất ổn".
Tại Iran, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mohammad Ali Hosseini ra thông báo nói: "Chúng tôi hy vọng chính phủ Pakistan sẽ nhận dạng và đưa ra công lý những kẻ đứng sau hành động tội ác này và đem lại sự bình yên cho đất nước".
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, cái chết của bà Bhutto là do một vụ tấn công khủng bố gây ra. "Chúng tôi lên án hành động khủng bố này và xin gửi lời chia buồn tới gia đình và bạn bè bà Benazir Bhutto. Nga hy vọng chính quyền Pakistan sẽ đem lại sự bình yên cho đất nước", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Kamynin nói.
Bộ Ngoại giao Nga thường xuyên bày tỏ lo ngại rằng chính phủ Pakistan "cần phải nỗ lực ở mức cao nhất để đảm bảo sự ổn định tối đa cho kỳ bầu cử và ngăn chặn những hành động khủng bố nhằm chống lại bà Bhutto cũng như nhiều lãnh đạo chính trị khác", tuyên bố của ông Kamynin viết.
Vụ đánh bom diễn ra khi bà Bhutto đang vận động tranh cử Thủ tướng nhiệm kỳ 3 trong bầu cử Quốc hội, dự kiến diễn ra vào 8/1/2008. Đây là vụ tấn công thứ hai nhằm vào nữ cựu Thủ tướng sau khi bà bỏ ngoài tai những đe doạ ám sát và trở về quê hương sau 8 năm lưu vong. Ngày 18/10, một kẻ đánh bom liều chết đã nhằm vào đoàn xe của bà tại Karachi, giết hại 136 người nhưng may mắn là nhà cựu lãnh đạo này không bị thương.
-
Hoài Linh (Theo CNN, AP, BBC)