Người Pakistan ở khắp nước Mỹ, dù ủng hộ hay không ủng hộ cựu thủ tướng Benazir Bhutto, đều tỏ ý thương tiếc bà và lo lắng rằng, vụ ám sát bà có thể làm Pakistan thêm hỗn loạn và đe dọa sự an toàn của các thành viên trong gia đình họ sống tại đó.
Người Pakistan ở nước ngoài chăm chú theo dõi tin tức xung quanh vụ ám sát bà Bhutto (Ảnh: AP)
"Tôi hình dung ra ngay cảnh biết bao người rời Mỹ ra đi sau vụ ám sát Kennedy’’, Syed Hassan, người đã rời Pakistan 20 năm trước, hiện định cư ở Houston, cho biết. "Nghe tin về vụ ám sát bà Bhutto, chúng tôi thực sự choáng váng’’.
Theo Giáo sư Adil Najam thuộc trường Đại học Boston, có ít nhất nửa triệu người Pakistan sống tại Mỹ, chủ yếu tập trung ở New York và New Jersey.
Mian Zahid Ghani, nguyên phóng viên một hãng thông tấn Pakistan hiện sống tại New Brunswick, N.J., dự báo, vụ ám sát bà Bhutto sẽ có thể khiến vụ bầu cử sắp tới ở Pakistan bị hủy bỏ. Ông nói, rất nhiều người Pakistan đổ lỗi cho Tổng thống Pervez Musharraf về vụ ám sát, họ coi ông Musharraf đã đem lại ’’quá nhiều chao đảo và bất ổn’’ cho Pakistan.
"Mới chỉ một ngày bắt đầu. Có thể một cuộc nội chiến là không tránh khỏi. Ông Musharraf nên có kế hoạch ra đi’’, Ghani nói.
Thành phố New York là nơi người Pakistan tập trung đông nhất với hơn 100.000 dân. Thị trưởng thành phố Michael Bloomberg, đã có bài phát biểu lên án vụ ám sát bà Bhutto.
New York đã tăng cường an ninh phía ngoài lãnh sự quán Pakistan ở Manhattan. Bloomberg cho hay, an ninh cũng được thắt chặt phía ngoài các hãng hàng không, ngân hàng của người Pakistan cũng như những khu vực tập trung đông dân cư người Pakistan trong thành phố.
Ở khu vực lân cận, nhiều người Pakistan đã cố gắng cập nhật tin tức nhanh nhất về vụ ám sát bà Bhutto. "Tôi yêu quý bà ấy, sự việc thật đáng buồn’’, Sharmen Talukbar, 32 tuổi, cố không để rơi nước mắt phía sau quầy thu ngân ở một nhà hàng của người Pakistan, nói.
Cạnh nhà hàng gần đó, bồi bàn Abid Asghar tỏ ý lo lắng về hậu quả của vụ ám sát. "Đây là điều rất đáng buồn với hình ảnh của Pakistan ở nước ngoài", Asghar, người đã định cư ở Mỹ 12 năm nay, cho biết. "Thật buồn khi nói rằng, ở Pakistan không có sự khoan dung’’.
Tại Chicago, Syed Raza đang lái taxi thì nghe tin cựu thủ tướng 54 tuổi đã qua đời. Anh gọi cho những người khách quan trọng báo bận và trong vòng một giờ, anh đã lái xe tới khu vực tập trung người Pakistan sinh sống ở Chicago, cầm trên tay tấm hình bà Bhutto. "Bà là hy vọng duy nhất cho Pakistan", Raza nói.
Giống như rất nhiều người Mỹ gốc Pakistan khác, Raza đã dành cả ngày để gọi điện cho bạn bè và người thân sống tại Pakistan. Vợ của Raza ở Karachi với ba đứa con. Cô kể với anh nghe thấy tiếng súng và bạo lực đã xảy ra trong thành phố. "Thật hỗn loạn, tôi rất lo cho vợ con tôi’’, anh nói.
Ở New Jersey, Hameed Butt, nguyên Chủ tịch Hiệp hội người Pakistan ở Mỹ, đã nghe tin bà Bhutto qua đời từ điện thoại của người anh. "Tôi không còn biết nói gì hơn’’, ông Butt cho biết. Ông đã sống ở Edison, N.J., từ năm 1971 tới nay. ’’Tôi thực sự choáng váng, bà ấy là biểu tượng của người Hồi giáo hiện đại’’.
Tại Nam California, Muneer Haq đang chăm chú theo dõi diễn biến vụ ám sát bà Bhutto trong một nhà thờ Hồi giáo tại Quận Cam. Haq, đã di cư tới Mỹ năm 2005 nhưng phần lớn gia đình vẫn còn ở lại. Anh nói anh bàng hoàng trước tin dữ và cực kỳ lo lắng cho sự an toàn của gia đình mình.
Cựu thủ tướng Bhutto - người đã từng học tại trường Radcliffe và Harvard - qua đời cũng để lại sự thương tiếc cho những người từng gặp bà.
Jim Carr, phó Hiệu trưởng trường Đại học Harding tại Searcy, Ark., nhớ lại đã gặp bà Bhutto khi bà tới Arkansas năm 1991 và có một bài diễn thuyết. Trên đường tới Searcy, bà Bhutto nói với Carr rằng, bà muốn làm tóc. Thư ký của ông đã sắp xếp việc này, và khi làm tóc xong, bà Bhutto đã ’’boa’’ thêm 10 USD thợ làm tóc. "Bà nói: ’Jim, tôi phải trả 165 USD cho kiểu đầu tương tự vào ngày hôm qua tại New York’’, ông Carr kể.
-
Kỳ Thư (Theo AP)