Pakistan hôm qua (29/12) đã từ chối sự giúp đỡ của nước ngoài trong việc điều tra vụ ám sát bà Benazir Bhutto, bất chấp những tranh cãi quanh tình huống cái chết của nữ cựu Thủ tướng này.
>Toàn cảnh vụ ám sát cựu thủ tướng Bhutto
Nhóm du kích Hồi giáo mà giới chức Pakistan cho là chủ mưu vụ giết hại bà Bhutto đã bác bỏ liên quan tới vụ việc vào cùng ngày. Trong khi đó, các phụ tá của nhà lãnh đạo đối lập này buộc tội chính phủ che giấu vụ việc.
(Ảnh AP)
Tổng thống Pervez Musharraf đã ra lệnh cho người đứng đầu cơ quan an ninh dẹp yên cuộc náo loạn do những người ủng hộ bà Bhutto gây ra, khiến 44 người thiệt mạng và gây ra tổn thất hàng triệu đôla trong 3 ngày qua.
"Những tên tội phạm phải chấm dứt các hành động hèn hạ nếu không sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng", người phát ngôn Bộ Nội vụ Pakistan Javed Iqbal Cheema tuyên bố.
Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của bà Bhutto hôm nay (30/12) nhóm họp. Những người dự họp được mong đợi sẽ chọn ra lãnh đạo mới, quyết định có tiếp tục tham gia cuộc bầu cử Quốc hội ngày 8/1/2008 hay không và lắng nghe ý nguyện cuối cùng của bà Bhutto.
Nếu PPP rút khỏi cuộc bầu cử, nó sẽ huỷ hoại sự tín nhiệm đối với cuộc bỏ phiếu - vốn đã bị lãnh đạo đối lập Nawaz Sharif tẩy chay. Chính phủ Mỹ đã gây sức ép với Tổng thống Pakistan Musharraf phải tiến hành bầu cử để tăng cường ổn định tại quốc gia có vũ khí hạt nhân này. Pakistan cũng là đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống lực lượng Hồi giáo cực đoan.
Những câu hỏi quanh vụ bà Bhutto bị ám sát tăng cao kể từ sau khi nữ cựu Thủ tướng này thiệt mạng tối ngày 27/12 trong một vụ bắn súng và đánh bom liều chết tại thành phố Rawalpindi. Những tranh cãi chắc chắn sẽ khiến bạo lực dâng cao và dẫn tới những lời kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế, độc lập về vụ tấn công.
Ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Mỹ Hillary Clinton tuyên bố, cần phải tiến hành một cuộc điều tra quốc tế vì "không thể tin tưởng được Chính phủ Pakistan". Trong khi đó, cũng có nhiều lời kêu gọi Liên Hợp Quốc vào cuộc.
Bộ trưởng Nội vụ Pakistan đã bác bỏ những gợi ý này. "Đây không phải là một vụ án bình thường mà chúng tôi cần sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Tôi cho rằng Pakistan có khả năng tiến hành điều tra vụ việc".
Tuy nhiên, quan chức Mỹ lại cho biết, giới chức Pakistan đã bắt đầu lặng lẽ hỏi ý kiến các nước khác về việc tiến hành điều tra. "Chính phủ Pakistan đang thảo luận với chính phủ các nước khác về việc làm thế nào để tiến hành cuộc điều tra tốt nhất", một quan chức cấp cao của Mỹ đề nghị giấu tên cho hay. Theo quan chức này, vẫn chưa có thoả thuận nào sau cuộc họp bàn.
Với Mỹ, quan chức trên nói, cuộc thảo luận đề cập tới việc chúng tôi có thể giúp gì và chính phủ Pakistan muốn gì.
Hiện, giới chức Pakistan vẫn chưa xác nhận thông tin trên.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng Tony Fratto tuyên bố, Pakistan không cầu viện sự giúp đỡ của Mỹ. "Đó là trách nhiệm của chính phủ Pakistan. Họ phải đảm bảo rằng cuộc điều tra phải được tiến hành triệt để. Nếu chính quyền Pakistan yêu cầu trợ giúp, Mỹ sẽ xem xét đề nghị đó".
Ngoại trưởng Anh David Miliband đã đề xuất Anh sẽ giúp đỡ Pakistan điều tra vụ ám sát bà Bhutto.
-
Hoài Linh (Theo AP)