Hôm 1/2, Ấn Độ cho biết đã cách ly 26 người có triệu chứng nhiễm cúm gia cầm và đang theo dõi hàng trăm người khác. Trong khi đó, Pakistan và Thái Lan thông báo dịch cúm gia cầm bùng phát.
Các nhân viên thú y Ấn Độ đang tiêu hủy chim để ngăn sự lây lan của cúm gia cầm. |
Ấn Độ đang vật lộn với đợt dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất tại nước này khi dịch bệnh lan tới 13 trong tổng số 19 quận của bang Tây Bengal. Các nhân viên thú y tại Tây Bengal đã tiêu hủy 2,6 triệu gia cầm nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Hơn 500 nhân viên y tế tham gia tiêu hủy gia cầm đang được giám sát. Ấn Độ thông báo chưa có người nào nhiễm virút cúm gia cầm H5N1 trong 4 đợt dịch kể từ năm 2006 tới nay.
Bang Tây Bengal đông dân này nằm gần Bangladesh, quốc gia cũng đang nỗ lực kiểm soát một đợt dịch cúm gia cầm lớn. Cúm gia cầm đã lây lan tới khoảng 50% trong tổng số 64 tỉnh của Bangladesh Các quan chức thú ý cho biết cúm gia cầm vẫn đang lây lan và tái bùng phát ở tỉnh Feni, đông nam Thủ đô Dhaka của Bangladesh. Chính phủ nước này đã ra lệnh tiêu hủy mọi gia cầm trong phạm vi 1km quanh các nông trại có dịch bệnh. H5N1 đang đe dọa tới kế sinh nhai của hàng triệu người nuôi gia cầm và đẩy giá thực phẩm lên cao.
Tại nước Pakistan láng giềng, nhà chức trách cho biết đã phát hiện cúm gia cầm tại một trang trại chăn nuôi gà ở ngoại ô Karachi, thành phố lớn nhất Pakistan. Các công nhân tại trang trại này và trang trại lân cận đang được giám sát. Các quan chức cho biết không có khả năng H5N1 lây sang người.
H5N1 đã được phát hiện tại tỉnh thứ hai ở miền Bắc Thái Lan. Kết quả xét nghiệm đã khẳng định dịch cúm gia cầm bùng phát ở Phichit, cách Bangkok chừng 340km về phía bắc, nơi có khoảng 30 con gà chết hồi tuần trước. Năm ngoái, có 4 đợt dịch cúm gia cầm tại Thái Lan song chưa có thông báo mới nào về người nhiễm cúm gia cầm tại nước này. Kể từ năm 2003, đã có 17 người tại Thái Lan tử vong vì H5N1.
Tại Indonesia, 102 người đã tử vong vì H5N1 kể từ năm 2003 tới nay. Ca tử vong gần đây nhất là một phụ nữ 31 tuổi, người đã sống gần một lò giết mổ gia cầm ở ngoại ô Thủ đô Jakarta. Đây là nạn nhân thứ bảy chết vì H5N1 trong năm nay tại Indonesia. Một số chuyên gia cho rằng dịch cúm gia cầm bùng phát là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, chẳng hạn như mưa nhiều và vệ sinh kém.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, cúm gia cầm đã giết 224 người tại 12 quốc gia kể từ cuối năm 2003 tới nay. Các chuyên gia lo ngại H5N1 có thể đột biến thành chủng lây lan dễ dàng từ người này sang người khác, gây ra đại dịch cúm người, đặc biệt là tại các quốc gia như Ấn Độ, nơi mọi người sống gần với gia cầm.
-
Minh Sơn (theo Reuters, AFP)