Tổng thống thân phương Tây của Serbia, Boris Tadic, đã chiến thắng trước đối thủ Tomislav Nikolic trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai hôm 3/2. Ông Tadic tái đắc cử với hơn 50% phiếu ủng hộ của cử tri đi bầu.
Tổng thống Boris Tadic phát biểu trước báo giới |
’’Serbia đã thể hiện tiềm năng dân chủ vĩ đại của đất nước này’’, ông Tadic phát biểu trong một bài diễn văn mừng chiến thắng. Ông đã ca ngợi đối thủ Nikolic, đồng thời nói rằng Serbia vẫn còn đương đầu với nhiều khó khăn phía trước.
Ủy ban bầu cử của Serbia cho biết ông Tadic đã giành được 51% phiếu bầu so với 47% của ông Nikolic trong một cuộc bầu cử được giám sát chặt chẽ. Sau khi thừa nhận thất bại, ông Nikolic đã chúc mừng ông Tadic, song nói thêm rằng: ’’Thông điệp của tôi gửi tới EU là hãy ngừng hăm dọa Serbia và từ bỏ các điều kiện bất hợp lý. Chúng tôi sẵn sàng gia nhập EU song có một số điều kiện mà chúng tôi không thể thỏa mãn’’. Những lời bình luận của ông rõ ràng đề cập tới việc EU gây áp lực buộc Serbia chấp nhận sự độc lập của tỉnh Kosovo.
Cuộc bầu cử này đã được coi là một sự lựa chọn cơ bản đối với Serbia, đất nước vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi sự cô lập của những năm 1990. Kết quả cho thấy đa số người Serbia muốn quốc gia này tiếp tục con đường cải cách thân phương Tây và thắt chặt quan hệ với EU, chứ không phải quay lại với chủ nghĩa dân tộc và sự cô lập của thời kỳ Milosevic.
Cả hai ứng cử viên tổng thống đều chống lại sự độc lập của tỉnh Kosovo, nơi có đa số người Albania sinh sống. Tuy nhiên, ông Tadic đã loại trừ việc sử dụng vũ lực nếu Kosovo tuyên bố độc lập và chắc chắc sẽ tìm cách bảo vệ các quan hệ chặt chẽ với EU và Mỹ ngay cả khi họ công nhận độc lập của Kosovo.
Kosovo đã nằm dưới sự quản lý của LHQ kể từ năm 1999, khi lực lượng của Nato do Mỹ đứng đầu tiến hành các cuộc không kích buộc quân đội Serbia rút khỏi tỉnh này. Mỹ và phần lớn các thành viên EU ủng hộ kế hoạch độc lập của Kosovo trong khi Serbia và Nga phản đối mạnh mẽ.
Ông Tadic, cựu Bộ trưởng Quốc phòng đồng thời là một cử nhân tâm lý học, là lãnh đạo đảng Dân chủ. Ưu tiên hàng đầu của ông là đưa Serbia trở thành một thành viên EU. Ông ủng hộ các cuộc cải cách dân chủ và thị trường tự do, ủng hộ sự hợp tác của Serbia với tòa án tội phạm chiến tranh ở Hague. Sau khi bỏ phiếu ở Belgrade, ông nói với các phóng viên rằng: ’’Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chúng ta sẽ cùng hướng tới Liên minh châu Âu’’.
Ông Nikolic, người ủng hộ các mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga, là một trong những người sáng lập đảng Cấp tiến Serbia. Đảng theo đường lối cứng rắn này là đồng minh của cựu Tổng thống Milosevic. Lãnh đạo của đảng Cấp tiến là ông Vojislav Seselj đang bị xét xử tại Hague do tham gia vào cuộc chiến tranh Balkans.
-
Minh Sơn (theo BBC, AP)