Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2008 đã tái xác lập vai trò chính trị của vợ/chồng của các ứng viên tổng thống Mỹ. Hơn bao giờ hết, những người có triển vọng trở thành đệ nhất phu nhân/đệ nhất phu quân trong tương lai đang thể hiện vai trò như những người đại diện độc lập cho người bạn đời của họ.
Suốt 12 tháng qua, bà Michelle Obama nổi lên như một nhà vận động tích cực cho chồng - ứng cử viên Dân chủ Barack Obama. Bà Michelle đã thu hút những đám đông lớn tới tham dự các sự kiện phục vụ chiến dịch tranh cử của ông Obama do chính bà đứng ra tổ chức.
Thẳng thắn, ăn nói lưu loát và có suy nghĩ độc lập, bà Michelle được nhiều người coi là vật báu trong chiến dịch vận động của chồng. Nữ luật sư 44 tuổi của Ivy League đã tỏ rõ vai trò sắc sảo hơn hẳn vợ của các ứng cử viên tổng thống khác: không trốn tránh việc tham gia công kích khi cần thiết.
Mới đây, bà Michelle đã đưa ra lời chỉ trích gay gắt nhắm vào Hillary Clinton - đối thủ chính của ông Obama trong đảng Dân chủ. Bà gọi nữ thượng nghị sĩ bang New York là đại diện cho "cái cũ cứ lặp đi lặp lại".
Tuy nhiên, sự tích cực của bà Michelle vẫn chưa thể so sánh với ông Bill Clinton, chồng của ứng cử viên Hillary. Vai trò gây tranh cãi của ông Clinton trong chiến dịch vận động tranh cử của vợ đã khơi dậy những chỉ trích từ các thành viên cấp cao trong đảng của ông.
Xác lập ảnh hưởng
Có thể đây là lần đầu tiên một phụ nữ chạy đua vào ghế lãnh đạo đất nước nên những người bạn đời của các ứng cử viên đã nắm lấy cơ hội, thể hiện bản thân và ảnh hưởng trước các cử tri.
Bà Michelle Obama phát biểu trước những người ủng hộ ứng cử viên Obama tại Lincoln, Nebraska hôm 8/2 (Ảnh AP)
Michelle Obama, người tạm dừng công việc được trọng vọng của một quản lý bệnh viện tại Chicago, đã chứng tỏ mình là một nhân tố quan trọng trong chiến dịch tranh cử của chồng, giúp ông Obama giành được sự ủng hộ từ các nhóm cử tri quan trọng như những phụ nữ đi làm và người Mỹ gốc Phi.
Bà Michelle từng lớn lên ở vùng lân cận Chicago tập trung đông dân lao động, da đen. Vì vậy, nhiều người cho rằng so với ông Obama, bà có những kinh nghiệm tiêu biểu hơn về người Mỹ gốc Phi. Bà đã giúp ông Obama có sự gắn kết chặt chẽ hơn với các cử tri da đen thuộc tầng lớp lao động.
Bà cũng tạo được tiếng vang nhờ các bài phát biểu về những vấn đề chủng tộc và sự kỳ thị mà bà phải đối mặt thời còn trẻ. Không giống như ông Obama, người luôn cố tránh đề cập tới vấn đề chủng tộc trong chiến dịch vận động, bà Michelle đã "giương cao ngọn cờ vì các cô gái da đen bé nhỏ" và nhấn mạnh đến "những bất bình đẳng đang tồn tại khắp nước Mỹ".
Tuy nhiên, bà Michelle không bao giờ quên hai đứa con nhỏ cũng như đảm bảo rằng các cử tri biết bà vẫn về nhà đúng giờ mỗi tối để cho chúng ngủ.
Cuộc hôn nhân của bà Michelle là một cuộc hôn nhân hiện đại. Bà thường nói về việc đáp ứng những yêu cầu của một viên chức, một người mẹ và vợ của một thượng nghị sĩ luôn vắng nhà trong những khoảng thời gian dài.
Là một nhà hoạt động vì xã hội, bà Michelle tự ví bản thân như một người tận tụy với các hoạt động vì cộng đồng. "Michelle Obama rất giỏi đối phó với thách thức. Bà ấy có những bản năng chính trị tuyệt vời", Robert P Watson, một nhà sử học về tổng thống và cũng là tác giả của hàng loạt tác phẩm lịch sử về các đệ nhất phu nhân, nhận định.
Tuy nhiên, sự nổi trội của người bạn đời như vậy có thể là vật báu hoặc hiểm họa đối với các ứng cử viên. Năm 2004, Teresa Heinz Kerry từng công khai can thiệp vào các lĩnh vực chính trị và nhanh chóng được coi như là một hiểm họa trong nội bộ phe của John Kerry.
Vai trò truyền thống
Ông Watson cho rằng Michelle Obama đã rất cẩn trọng trong việc tránh bàn đến chính sách và chiến lược.
Bà Cindy McCain luôn sát cánh bên chồng - ứng cử viên hàng đầu đảng Cộng hòa John McCain, tại các cuộc tiếp xúc cử tri (Ảnh Reuters)
"Bà ấy là một người điều hành rất hiểu biết. Bà đã điều chỉnh những gì mình nói trong một phạm vi an toàn, theo một kết cấu chặt chẽ. Phần lớn những gì bà ấy phát biểu xuất phát từ con mắt của một người mẹ đang có hai con nhỏ, theo cách thực sự không biến bà thành mục tiêu công kích", ông Watson nói.
Bà Michelle từng tuyên bố chính trị không phải là niềm say mê của mình và rằng vai trò của bà là hỗ trợ chiến dịch tranh cử của chồng.
Cindy McCain, vợ của ứng cử viên hàng đầu đảng Cộng hòa John McCain, đã bổ sung cho chiến dịch vận động của chồng bằng cách đóng một vai trò hỗ trợ, mang tính truyền thống hơn. Tuy nhiên, bà tỏ ra thẳng thắn hơn so với thời điểm diễn ra chiến dịch vận động tranh cử của chồng năm 2000.
Là một "người mẹ chiến sĩ" với hai con đang trong quân ngũ, bà Cindy chỉ trích chính quyền Bush vì những gì bà cho là sự kiểm soát tồi đối với cuộc chiến Iraq. Dẫu vậy, bà đã tránh không đưa ra những quan điểm về chính sách hay chỉ trích các ứng cử viên khác một cách công khai.
Cựu nữ hoàng sắc đẹp 53 tuổi của bang Arizona được xem như một vật báu đối với chiến dịch vận động của chồng. Bà từ lâu đã vượt qua sự xấu hổ, bẽ bàng khi tiết lộ trước công chúng việc mình từng nghiện các viên thuốc giảm đau.
Bà Cindy, mẹ của 4 đứa con, là người từ tâm và nữ doanh nhân quyền lực. Năm 2000, bà đảm nhiệm chức chủ tịch của công ty phân phố Budweiser trị giá hàng tỉ đô la của cha mình. Bà Cindy khẳng định nếu trở thành đệ nhất phu nhân, bà sẽ tiếp tục công việc tình nguyện ở ngoại quốc và khuyến khích những người khác làm điều đó.
Trọng trách
Người Mỹ trông đợi điều gì từ các đệ nhất phu nhân của họ? Không có một sự miêu tả công việc chính thức mặc dù đệ nhất phu nhân cũng có một văn phòng, ngân sách và nhân viên.
Cựu Tổng thống Bill Clinton đóng một vai trò tích cực, quan trọng trong chiến dịch vận động của vợ - ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton (Ảnh AP)
Chuyên gia Watson khẳng định: "Trong nhiều năm, các đệ nhất phu nhân từng là những người quản lý Nhà Trắng, bà chủ Nhà Trắng, người đổi mới Nhà Trắng, người đồng vận động tranh cử, nhà hoạt động xã hội và người bênh vực chính sách".
Cựu Tổng thống Clinton có thể tạo nên một dấu mốc mới như một đệ nhất phu quân. Và câu hỏi đặt ra ở đây là ai sẽ thực sự điều hành đất nước nếu bà Hillary lên nắm quyền.
Trong khi bà Hillary từng tiết lộ ông Clinton có thể đóng vai trò như một đại sứ của Mỹ trước thế giới, một số nhà bình luận cho rằng điều này có thể tiềm tàng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến cạnh tranh ảnh hưởng đối với vị ngoại trưởng mới.
Về Michelle Obama, ông Watson nhận định bà có khả năng "viết lại các cuốn sách". Tuy nhiên, với vai trò là một đệ nhất phu nhân gốc Phi đầu tiên của Mỹ, bà "sẽ nắm giữ sợi dây nhỏ hơn và đó sẽ là một hành động cân bằng nhạy cảm hơn". Theo quan điểm của chuyên gia này, khó có khả năng bà Michelle trở thành phu nhân đầu tiên vẫn làm việc khi chuyển tới sống ở Nhà Trắng.
"Các đệ nhất phu nhân phải bắt mạch ý kiến công luận", ông Watson nói.
Ngay cả khi công chúng không bao giờ hoàn toàn chắc chắn về cái họ muốn từ một đệ nhất phu nhân.
"Nếu đệ nhất phu nhân tỏ ra độc lập, chúng ta phải cảnh giác. Nếu bà ấy là người đứng mũi chịu sào, điều đó còn tệ hại hơn. Sự nghiệp lớn là một vật báu trừ phi bà ấy sẽ không từ bỏ nó", June Kronholz từng viết trên tờ Wall Street Journal.
Eleanor Roosevelt, vợ tổng thống thứ 32 của Mỹ Franklin D. Roosevelt, từng sử dụng ảnh hưởng của bà như một đệ nhất phu nhân tích cực để bênh vực cho nhân quyền. Và Hillary Clinton từng chuyển văn phòng của đệ nhất phu nhân tới trung tâm quyền lực ở khu Cánh Tây. Tuy nhiên, ông Watson cho rằng cả bà Eleanor và bà Hillary đều phải đối mặt với chỉ trích sau khi họ rời Nhà Trắng.
"Đất nước đã phải hứng chịu ’sự mệt mỏi Eleanor’, ’sự mệt mỏi Hillary’. Dẫu vậy, các đệ nhất phu nhân luôn bị chỉ trích hoặc vì làm quá nhiều hoặc vì làm quá ít. Đó là trường hợp bạn làm thì bị nguyền rủa và bạn không làm cũng bị nguyền rủa".
Trong khi đó, Laura Bush - người kế nhiệm trọng trách từ bà Hillary, đã là một đệ nhất phu nhân truyền thống hơn.
Hiện tại, Cindy McCain cho hay bà nghĩ rằng "cử tri Mỹ cần một vai trò truyền thống" khi nói đến vị trí của một đệ nhất phu nhân. Và khi được hỏi "cương lĩnh đệ nhất phu nhân" của bà là gì, Michelle Obama đáp: "Đảm bảo rằng các con tôi có thể ngẩng cao đầu".
-
Thanh Bình (Theo BBC)