Tức giận trước việc các nước phương Tây ủng hộ Kosovo độc lập, hàng trăm người biểu tình Serbia hôm 21/2 đã tập kích và phóng hỏa đại sứ quán Mỹ cũng như tấn công các đại sứ quán Anh, Đức, Croatia và Thổ Nhĩ Kỳ ở Belgrade.
Phát ngôn viên EU Cristina Gallach tuyên bố tình trạng bạo lực tại thủ đô Serbia là "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Bà Gallach yêu cầu tất cả các bên liên quan "kiềm chế và có trách nhiệm". Ông Javier Solana, người phụ trách đối ngoại của EU, cảnh báo bạo lực tiếp tục có thể làm tổn hạu những nỗ lực cải thiện quan hệ của Serbia với liên minh.
Những người biểu tình phong tỏa một đường phố ở Belgrade hôm 21/2 (Ảnh AP)
"Các đại sứ quán cần phải được bảo vệ. Đó là bổn phận của Serbia. Mọi việc cần phải dịu xuống trước khi chúng ta có thể khôi phục điều kiện cho bất kỳ liên lạc nào nhằm thực hiện Thỏa thuận liên kết và bình ổn", ông Solana phát biểu trước giới truyền thông sau khi tới Slovenia tham dự một cuộc gặp của EU.
Thỏa thuận liên kết đầu tiên giữa EU và Serbia đạt được hồi năm ngoái. Tuy nhiên, EU cho biết khối sẽ không kí vào văn bản này cho tới khi Belgrade hợp tác toàn diện với Toàn án LHQ xét xử tội phạm chiến tranh ở LB Nam Tư cũ.
EU đã sẵn sàng kí một thỏa thuận thương mại tạm thời với Belgrade nhưng Thủ tướng Serbia Vojislav Kostunica ngăn cản động thái này hồi đầu tháng 2.
Tại New York, Hội đồng Bảo an LHQ cũng ra tuyên bố lên án tình trạng bạo lực ở Belgrade và khẳng định nó đã "làm tổn hại tới cơ sở vật chất của các đại sứ quán và gây nguy hiểm cho các nhà ngoại giao". Hội đồng Bảo an hoan nghênh những động thái khôi phục lại trật tự của nhà chức trách Serbia.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng Dana Perino tỏ ra phẫn nộ. "Đại sứ quán của chúng tôi đã bị bọn côn đồ tấn công. Chúng tôi đã bày tỏ sự nghi ngại và không hài lòng của chúng tôi trước chính phủ Serbia vì lực lượng cảnh sát của họ đã không can thiệp vào sự cố", bà Perino nói.
Khoảng 1.000 người biểu tình Serbia đã xông vào Đại sứ quán Mỹ ở Belgrade và đốt cháy một phần của đại sứ quán. Lính cứu hỏa sau đó đã tìm thấy một thi thể đã bị cháy thành than, không thể nhận dạng được, ở bên trong. Thời điểm xảy ra sự cố dường như không có cảnh sát bảo vệ đại sứ quán. Tuy nhiên, cảnh sát chống bạo động đã tới can thiệp sau đó và dùng hơi cay giải tán đám đông.
Cảnh sát chống bạo động Serbia đang gác bảo vẹ đại sứ quán Croatia ở thủ đô hôm 22/2 (Ảnh AP)
Những người biểu tình giận dữ cũng đã tấn công những cửa hàng bán đồ thể thao phương Tây, trong đó có Nike và một số thương hiệu nổi tiếng khác của Mỹ. Hệ thống các quán bán đồ ăn nhanh McDonald của Mỹ cũng trở thành mục tiêu bị tập kích.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Sean McCormack tuyên bố Washington đã chuyển sự phản đối chính thức tới chính phủ Serbia: "Thông điệp rất rõ ràng rằng tình hình bạo lực không thể chấp nhận được. Họ (chính quyền Serbia) cần phải hành động ngay lập tức để cung cấp đủ các lực lượng an ninh giúp đảm bảo đại sứ quán và các nhân viên của chúng tôi không bị tấn công".
Trong khi đó, Belgrade lên tiếng lấy làm tiếc vì cái mà họ gọi là "hành động phá hoại hoàn toàn không thể chấp nhận được của một số cá nhân, không đại diện toàn thể đất nước". Theo Ngoại trưởng Serbia Vuk Jeremic, những hành động như vậy đã làm tổn hại đến hình ảnh của nước này trước cộng đồng quốc tế.
Theo phóng viên của BBC, đường phố Belgrade hiện đã trở lại yên tĩnh.
-
Thanh Bình (Theo BBC, USA Today, Reuters)