Trong phán quyết bất lợi cho các nguyên đơn Việt Nam, tòa phúc thẩm liên bang Mỹ̀ đã quyết định giữ nguyên phán quyết của tòa New York.
Năm 2004, đại diện cho nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam đã nộp đơn kiện 37 công ty sản xuất hóa chất Mỹ, vốn cung cấp chất khai quang, trong có dioxin, trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam
Đơn này bị thẩm phán Jack Weinstein tại tòa New York bác vào tháng 3/2005, và vì thế sau đó được đưa lên tòa phúc thẩm. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm đã phán quyết rằng họ đồng ý với kết luận trước, là chất độc màu da cam được sử dụng nhằm bảo vệ quân đội Mỹ chứ không phải vũ khí chống lại dân thường.
Bác sỹ Nguyễn Trọng Nhân, Phó Chủ tịch Quỹ Nạn nhân chất độc màu da cam của Việt Nam nói, quyết định của tòa phúc thẩm gây thất vọng, nhưng là ’điều đã được lường trước’. Ông khẳng định, các nạn nhân ’không còn lựa chọn nào khác là tiếp tục đấu tranh’ với nhiều phương án khác.
Tòa phúc thẩm bắt đầu xử vụ này từ tháng sáu 2007, với phiên điều trần của các nạn nhân mà bên nguyên đơn đưa ra. Cùng một số cựu binh Mỹ, bốn nạn nhân Việt Nam được mang tới Mỹ để tham gia điều trần, cả bốn người đều mắc bệnh hiểm nghèo.
Hãng AP trích lời luật sư Jonathan Moore, đại diện cho phía nguyên đơn Việt Nam rằng, ông vô cùng thất vọng trước "phán quyết vừa bất công vừa phi đạo đức này". Ông nói sẽ kháng án lên tòa Tối cao Hoa Kỳ.
Năm 1984, bảy công ty hóa chất của Mỹ đã chịu trả 180 triệu USD tiền bồi thường cho các cựu chiến binh Mỹ, nhưng bác bỏ trách nhệm về tác hại của các chất diệt cỏ mà họ cung cấp cho quân đội.
Theo bên nguyên, các công ty hóa chất phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc đã cung cấp cho quân đội Mỹ chất da cam - một loại chất diệt lá được đựng trong các thùng phuy có dán nhãn màu da cam. Các máy bay Mỹ, trong chiến tranh, đã rải 68,1 triệu lít chất diệt lá có chứa dioxin, xuống miền nam Việt Nam trong những năm 1960.
Mỹ vẫn cho rằng không có bằng chứng khoa học nào chứng minh sự liên quan giữa việc rải chất da cam với việc hơn 3 triệu người Việt Nam bị nhiễm độc dioxin. Trên thực tế, chất dioxin được chứng minh là có liên quan đến các bệnh ung thư, tiểu đường và dị tật bẩm sinh, xuất hiện trên cơ thể các quân nhân và thường dân Việt Nam và cả các cựu binh Mỹ.
Trong những tháng gần đây, chính phủ Mỹ và Việt Nam cùng các tổ chức phi chính phủ đã phối hợp nghiên cứu, và đạt được tiến bộ trong quá trình nỗ lực làm sạch dioxin ở khu vực trước đây từng là căn cứ quân sự của Mỹ tại thành phố Đà Nẵng.
Ngày 25/1/2006, Toà án dân sự cấp cao Seoul đã ra phán quyết buộc hai công ty hoá chất của Mỹ phải bồi thường 62 triệu USD phí chăm sóc sức khoẻ cho các cựu binh Hàn Quốc từng tham chiến tại Việt Nam cũng như gia đình của họ.
Theo đó, hai công ty hoá chất của Mỹ là Dow tại Midland, Mich và Monsanto Company tại St.Louis phải bồi thường cho 6.800 người. Đây là lần đầu tiên một toà án ở Hàn Quốc ra phán quyết có lợi cho nạn nhân chất độc hoá học da cam.
Nhiều cựu binh Việt Nam, Hàn Quốc và Mỹ đã mắc nhiều bệnh do nhiễm chất độc hoá học màu da cam. Những người nhiễm hoá chất độc có thể bị rối loạn thần kinh, sinh con dị dạng...
Theo thống kê chính thức của Mỹ, quân đội nước này đã rải 19 triệu gallon thuốc diệt cỏ ở miền nam Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1962 đến 1971 nhằm phá huỷ các khu rừng che giấu binh sĩ đối phương. 55% số hoá chất trên là chất độc da cam
-
Kỳ Thư (tổng hợp từ BBC, AP, Reuters)