221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1036985
Bầu cử Mỹ và marketing chính trị: Góc nhìn của John Quelch
1
Article
null
Bầu cử Mỹ và marketing chính trị: Góc nhìn của John Quelch
,

 - Trong cuộc bàn tròn trực tuyến tối 24/2, Giáo sư John Quelch, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard đã chia sẻ góc nhìn thú vị của ông về marketing chính trị qua cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang hồi nóng bỏng hiện nay.

Barack Obama, Hilary Clinton, John Mc Cain hay Mike Huckabee, những ứng viên còn lại trên đường đua vào Nhà Trắng vẫn đang nỗ lực giành giật từng lá phiếu.

Mô tả ảnh.
Cuộc khẩu chiến mới nhất trên truyền hình giữa hai gương mặt sáng giá của Đảng Dân chủ: Obama và Clinton, cho thấy, các chính trị gia đang nỗ lực ghi điểm bằng cách đưa ra những thông điệp mà họ cho là đánh trúng được vào sự chú ý của cử tri.

Mỗi người cũng cố gắng xây dựng hình ảnh của mình trong mắt công chúng một cách hiệu quả và quan trọng nhất là khác biệt so với đối thủ.

Dưới góc nhìn của "phù thuỷ thương hiệu", GS John Quelch, đó là một ví dụ thú vị về marketing trong chính trị.

Theo ông, điều cần thiết trong chính trị không phải là marketing ít đi mà là marketing tốt hơn: Tập trung vào những nhu cầu hiện tại và nổi cộm của người dân, xây dựng các giải pháp, thông báo cho các cử tri mục tiêu về các giải pháp đó và khiến chúng có thể dễ dàng được tiếp cận.

"Các chính trị gia đôi khi cũng cần coi những công dân không phải là những cử tri, nhà tài trợ và người đóng thuế mà hãy coi họ là những khách hàng", ông nói.

VietNamNet giới thiệu toàn văn cuộc bàn tròn trực tuyến này.

Marketing chính trị: Quan trọng là thể hiện sự khác biệt

Hoàng Loan, Thanh Hoá: Thưa GS. John Quelch, đây là lần thứ tư ông tới Việt Nam, xin được hỏi vậy GS nghĩ gì về Việt Nam ngày nay so với lần đầu tiên?

- So với lần đầu tiên, sự khác biệt chính là giao thông ở VN tấp nập hơn. Điều đó có nghĩa là phát triển kinh tế nhanh. Chúng ta có thể thấy những xu hướng đặc biệt trong nền kinh tế, cạnh tranh quyết liệt hơn, nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng. Mọi thứ có vẻ như là VN đang trên đà tiến bộ về kinh tế, bất chấp những gì có thể xảy ra đối với nền kinh tế Mỹ.

VietNamNet: Ở đây chúng tôi đã đọc cuốn sách rất hay và thú vị của GS về marketing chính trị mang tên Greater Good. GS có thể chia sẻ với độc giả VietNamNet về cuốn sách mới của GS không? 

Có hai lý do tôi và đồng tác giả Catherine Jose viết cuốn sách này. Trước nhất, chúng tôi muốn chỉ ra rằng marketing là một lực lượng có lợi cho xã hội. Nhiều người chỉ trích về marketing song về tổng thể chúng tôi chỉ ra rằng có nhiều lý do tại sao marketing đóng góp nhiều vào sự thịnh vượng kinh tế và xã hội mặc dù thỉnh thoảng có một số vấn đề.

Ngoài ra, cũng thông qua cuốn sách này, chúng tôi cũng muốn nêu bật marketing thương mại trong các thị trường tiêu dùng trên thực tế dân chủ hơn so với marketing trong chính trị.

VietNamNet: Có phải ông cố ý xuất bản cuốn sách này đúng vào thời điểm nước Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới?

- Đúng vậy, chúng tôi cố ý xuất bản cuốn sách này vào tháng 1 và tháng 2/2008 với hy vọng tận dụng sự quan tâm cao của mọi người tới marketing chính trị trong khi diễn ra các cuộc bỏ phiếu sơ bộ chọn ứng viên Tổng thống cho Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.

Trần Đức Hoà, Hà Tây: Xin GS cho biết thế nào là marketing chính trị ?

- Cũng như một sản phẩm tiêu dùng, chính trị gia phải xác định vị trí của họ trong một thị trường cạnh tranh. Họ phải thể hiện họ khác biệt thế nào so với đối thủ và hy vọng thuyết phục được thêm người tiêu dùng ủng hộ họ vào ngày bầu cử, giống như các sản phẩm thương mại phải cạnh tranh với đối thủ trên cơ sở của mỗi đặc điểm khác biệt trong thị trường tiêu dùng.

Do vậy, định vị sản phẩm và thông tin về sự định vị đó trong marketing chính trị có ý nghĩa quan trọng không kém gì trong markeing tiêu dùng.

Nguyễn Đức Sơn, ĐH Sydney: Marketing chính trị có khác biệt gì so với marketing tiêu dùng? Hai loại marketing này có điểm gì chung?

Mô tả ảnh.
Say xưa lắng nghe quan họ Bắc Ninh
Tôi nghĩ là hãy để tôi tập trung vào những sự khác biệt bởi điều này rất thú vị. Trong thị trường thương mại, nhà sản xuất hoặc kinh doanh phải tính toán "số phiếu’’ mà họ thu được ở quầy thu ngân trên cơ sở hàng ngày. Marketing tiêu dùng quan tâm tới việc gia tăng quy mô tổng thể của thị trường vào có thể là cả thị phần nữa.

Tuy nhiên, trên chính trường, chính trị gia hoặc ứng cử viên phải làm thế nào để giành được đa số phiếu. Họ phải giành được nhiều phiếu nhất vào ngày bầu cử mà diễn ra chỉ bốn, năm hoặc sáu năm một lần.

Nói cách khác, mọi thứ trên chính trường nhằm vào số phiếu được bỏ vào đúng một ngày bầu cử duy nhất trong 4, hoặc 5 năm. Nhà kinh doanh trong khi đó phải lo lắng về số phiếu được bỏ hàng ngày ở quầy thu ngân. Do vậy, có sự khác biệt thú vị giữa hai loại marketing.

Trần Minh, Hà Nội: Theo GS, đâu là nhân tố quan trọng nhất của marketing chính trị?

Trước tiên, nhân tố quan trọng nhất rõ ràng là ứng cử viên. Ứng cử viên chính là sản phẩm và có cả một hệ thống vận hành sản xuất nhằm giúp ứng cử viên hoặc sản phẩm chiến thắng vào ngày bầu cử.

Tuy nhiên, ở khía cạnh đó, một trong những vấn đề đối với ứng cử viên là họ chỉ có 24 giờ mỗi ngày và một khoảng thời gian vận động bầu cử nhất định trước ngày bỏ phiếu. Do vậy, nếu ta nghĩ về chiến lược phân phối áp dụng cho ứng cử viên, điều đó có nghĩa là ứng cử viên chính trị nên xuất hiện ở đâu, ở những sự kiện nào và tại những thành phố nào vào mỗi ngày trước ngày bầu cử bởi nguồn lực khan hiếm nhất chính là thời gian và các ứng viên chính trị muốn vươn tới càng nhiều cử tri càng tốt.

Các ứng viên cũng tham gia vào những cuộc tranh luận công khai để vươn tới những cử tri mà họ không thể trực tiếp gặp gỡ, giúp cử tri hiểu họ đại diện cho cái gì.

VietNamNet: Theo quan điểm của GS, ông thích loại sản phẩm/ứng viên nào?

- Ứng cử viên phải chuyển tới các cử tri chất lượng tương tự như nhãn hiệu tốt chuyển tới người tiêu dùng.

Điều trước nhất mà các cử tri mong đợi là nhãn hiệu khác biệt, đại diện cho một thứ gì đó trước sau như một, và rõ ràng.

Họ mong đợi ứng cử viên chính trị phải có quan điểm, sau đó họ mong đợi ứng viên phải có sự nhất quán và đáng tin cậy trong suốt chiến dịch vận động tranh cử.

Cử tri chỉ tín nhiệm những ứng cử viên tỏ ra đáng tin cậy, và có sự nhất quán giống như họ chỉ tín nhiệm những nhãn hiệu sản phẩm có chất lượng nhất quán như họ mong đợi.

VietNamNet: Tôi nghĩ 4P đóng vai trò quan trọng trong mọi sản phẩm, vậy 4P đóng vai trò thế nào đối với ứng cử viên?

-

Mô tả ảnh.
Như tôi đã nói, ứng cử viên là một sản phẩm và sản phẩm phải được định vị trên thị trường. Do vậy, về mặt xúc tiến (promotion), ứng cử viên phải thông tin về việc họ đại diện cho cái gì và như vậy thông tin về xúc tiến của ứng cử viên là rõ ràng.

Về sự phân phối (place), điều quan trọng nhất là sự phân phối nguồn lực của ứng viên như tôi đã nói, chẳng hạn như ứng cử viên sẽ xuất hiện ở đâu, khi nào, tại những sự kiện nào.

Về giá cả (price), giá cả là yếu tố rất thú vị trong ngữ cảnh này bởi nó đề cập tới sự trao đổi ngấm ngầm của cử tri với ứng cử viên khi cử tri bỏ phiếu. Cử tri mong đợi nhận lại một thứ gì đó từ ứng cử viên chính trị cho lá phiếu mà họ bỏ, có thể không nhất thiết là một ân huệ trực tiếp mà là việc thực hiện các chính sách mà ứng cử viên đã hứa hẹn. Mọi marketing dựa trên sự trao đổi mà trong đó người mua tin người bán sẽ cho họ cái họ muốn. Do vậy, trong chính trị, khi cử tri bỏ phiếu, họ có quan điểm ứng viên mà họ bỏ phiếu ủng hộ sẽ cho họ cái họ cái gì. Họ hy vọng ứng viên cho họ cái họ muốn và họ trao đổi.

Tuy nhiên, vấn đề là nhiều ứng viên cố tình quên và trong một số trường hợp ứng viên thay đổi nên không thể thực hiện những lời hứa, do vậy trong chính trị có ít sự tín nhiệm do ứng viên không thực hiện những lời hứa mà cử tri mong đợi.

VietNamNet: Tôi tò mò về 1 P đặc biệt - định giá (price). Ứng cử viên có thể định giá thế nào?

Ứng cử viên không thể xác định giá cả về mặt tiền bạc. Tuy nhiên, khi anh bỏ phiếu cho một ứng viên ủng hộ việc tăng thuế, anh có lẽ phải trả giá nếu ứng cử viên đó thắng.  

Ngoài yếu tố định giá, còn có một khía cạnh mềm hơn, đó là chi phí bỏ phiếu. Nếu bạn quyết định đi bỏ phiếu, bạn sẽ phải trải qua nhiều công đoạn như đi đăng ký bầu cử, tới điểm bỏ phiếu, đợi để bỏ phiếu vào hòm... Chúng ta gọi mọi thứ này là chi phí giao dịch và bỏ phiếu không phải là một hoạt động chẳng tốn kém chi phí gì, đặc biệt là về mặt thời gian làm việc đó.

VietNamNet: Kênh phân phối đóng vai trò quan trọng. Vậy GS có thể giải thích các kênh truyền thông ở Mỹ hiệu quả như thế nào đối với các ứng cử viên chính trị?

- Như anh đã biết, ở Mỹ đạo luật sửa đổi hiến pháp thứ nhất nhấn mạnh tự do ngôn luận. Điều đó có nghĩa Mỹ đã có một truyền thống lâu dài về việc các ứng cử viên tự bỏ tiền vận động tranh cử cũng như gây quỹ để trang trải cho các hoạt động marketing và quảng cáo.

Một lý do nữa là Mỹ là nước lớn có 300 triệu dân trong khi đó chỉ có 435 nghị sĩ, làm cho mỗi nghị sĩ đại diện cho một số lớn dân chúng và rõ ràng là các nghị sĩ không thể tiếp xúc với mọi cử tri họ đại diện trước mọi cuộc bầu cử. Đây là một lý do nữa tại sao việc quảng cáo và marketing được phép tự do hơn so với các quốc gia khác, chẳng hạn như một số nước châu Âu.

Tuy nhiên, ngoài quảng cáo và thư trực tiếp, trong những năm qua chúng ta thấy Internet ngày càng được sử dụng nhiều trong vận động tranh cử. Loại hình này được khởi xướng bởi cựu ứng viên Dân chủ Howard Dean trong cuộc bầu cử 2004.

Ứng cử viên Howard Dean trong một thời gian nhất định đã có chiến dịch vận động tranh cử quyết liệt và thành công, thu hút được đông đảo cử tri trẻ thông qua đối thoại và trao đổi qua Internet và tất nhiên là cũng gây quỹ lớn trên Internet. Giờ ứng viên Obama cũng thu hút được giới trẻ và gây quỹ được  hàng chục triệu đôla qua Internet.

VietNamNet: Còn điện thoại di động thì sao thưa GS?

- Phải rồi, điện thoại di động. Tôi nghĩ trong hai cuộc bầu cử vừa rồi ở Hàn Quốc, nhiều nhà bình luận  cho rằng chính việc vận động tranh cử bằng cách sử dụng tin nhắn trong 24 giờ cuối cùng trước khi cử tri đi bỏ phiếu đã quyết định người chiến thắng. Do vậy, sức mạnh của tin nhắn trực tiếp là rất lớn.

VietNamNet: Marketing chính trị đang trở thành một hiện tượng phổ biến trong thế giới toàn cầu hoá. Nó đang tác động như thế nào tới bầu cử Mỹ?

- Điều quan trọng cần nhấn mạnh trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2008 là có những sự lựa chọn lớn, quan trọng cho cả cử tri Cộng hòa và Dân chủ. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên ở Mỹ trong nhiều năm qua mà trong đó Tổng thống hoặc Phó Tổng thống đương nhiệm không tái tranh cử. Do vậy, đây là một cuộc bầu cử rất mở.

Tôi nghĩ điều thú vị chính là việc cử tri hai bên có nhiều cơ hội lựa chọn hay. Do vậy, ngày càng nhiều quan tâm tới chiến dịch vận động tranh cử và tỷ lệ người đi bỏ phiếu trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ chọn ứng viên Tổng thống cho mỗi đảng cao hơn so với cách đây nhiều năm. Mọi người phấn khích khi họ có nhiều sự lựa chọn.

Chiến lược marketing của Hillary và Obama: Gậy và kéo

Minh Anh, TP.HCM: GS có bình luận gì về chiến lược marketing của hai ứng viên Dân chủ Hillary Clinton và Barack Obama?

- Tôi nghĩ Hillary định vị bản thân, từ bình diện của marketing, là một chính trị gia có kinh nghiệm, hiểu biết các chính sách chính trị một cách chi tiết.

Obama định vị bản thân là một chính trị gia của sự thay đổi và hy vọng. Obama không có hiểu biết chính sách chính trị chi tiết song là người có tầm nhìn. Khả năng lôi cuốn công chúng cùng với tầm nhìn đó đã giúp Obama có khả năng làm cho nhiều cử tri phấn khích.

Thỉnh thoảng trong marketing sản phẩm ở Mỹ chúng tôi nói  nói về kéo và gậy. Gậy có nghĩa là sự hiểu biết chính sách chính trị một cách thực sự và kéo có nghĩa là các nhân tố gây phấn khích, các nhân tố tầm nhìn. Do vậy, có thể nói Hillary là ứng cử viên kiểu gậy và Obama là ứng cử viên kiểu kéo.

Lê Anh Tuấn, Hà Nội: Theo GS, ứng cử viên nào có chiến lược marketing tốt hơn, Obama hay Hillary Clinton?

Mô tả ảnh.
Tôi cho rằng cho tới nay Obama đã phát triển chiến lược marketing của ông ấy rất hiệu quả bởi vì ông đã đánh trúng tâm lý của nhiều công dân Mỹ hiện nay, những người vỡ mộng với chính quyền Bush vì đã không thực hiện lời hứa. Do vậy có nhiều mong muốn thay đổi ở đất nước này và Thượng nghị sĩ Obama hiểu điều đó và tận dụng điều đó rất hiệu quả.  

Ngoài ra, Obama cũng đã làm được một việc tuyệt vời là hoạch định việc thực hiện chiến lược marketing hiệu quả trong một thời gian dài, khoảng một năm rưỡi.

Tôi nghĩ vấn đề của Thượng nghị sĩ Hillary là bà tin rằng bà sẽ giành chiếc vé ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ trong ngày bầu cử Thứ ba trọng đại, do vậy không quan tâm tới việc hoạch định các chiến dịch vận động tranh cử tại các bang khác. Đây là một sai lầm lớn. Do vậy, bà đã cạn tiền và phải ứng 5 triệu tiền túi cho chiến dịch vận động tranh cử của bà vay tạm cách đây hai tuần để tiếp tục cuộc đua.

Hillary Clinton nói rằng các cử tri nên bỏ phiếu cho bà vì bà là chính trị gia có kinh nghiệm. Tuy nhiên, Obama mới quả thực là người có chiến dịch vận động tranh cử kinh nghiệm và sáng suốt.

 VietNamNet:  Sau ngày Thứ ba trọng đại, Clinton đã giảm phong độ nhiều?

- Rất khó để nói như vậy. Hiện nay, Clinton có nhiều động lực, khi đã có được 11 bang bước đầu trong cuộc đua với Obama. Cuộc bầu cử ngày 4/3 tới vô cùng quan trọng đối với Hillary Clinton.

VietNamNet: Theo ông, Clinton có thể lại vượt lên dẫn trước Obama một lần nữa không?

- Chúng ta không nên coi thường những người mang họ Clinton và không nên đánh giá thấp khả năng chính trị của Hillary Clinton. Kết quả cuối cùng sẽ được quyết định bởi một nhóm gọi là ’’các siêu đại biểu’’.

Nhóm “các siêu đại biểu” là tất cả những quan chức thuộc Đảng Dân chủ, các thượng nghị sỹ cũng như hạ nghị sỹ Dân chủ, những người nắm giữ các lá phiếu tại đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ bầu chọn chính thức ứng viên tổng thống cho đảng này.

Vấn đề lớn chính là liệu nhóm siêu đại biểu này sẽ bỏ phiếu cho ứng viên nào, liệu họ sẽ bỏ phiếu dựa trên quan điểm cá nhân của mình hay dựa trên ý kiến của đa số cử tri của bang, tiểu bang mà họ đại diện.

Nếu Obama có được nhiều phiếu phổ thông nhất tại các cuộc bỏ phiếu sơ bộ, đa số mọi người cho rằng nhóm siêu cử tri nên ủng hộ ý kiến cử tri. Ý của tôi là, điều này tùy thuộc vào cách thức những đảng viên Dân chủ tạo nên Đảng Dân chủ. Một số siêu đại biểu có thể phớt lờ ý kiến cử tri và thể hiện khác với nguyện vọng của cử tri mà họ là đại diện.

VietNamNet: Một số thành viên Dân chủ lo ngại rằng, Clinton sẽ không thể cạnh tranh với John McCain, do đó, họ chuyển sang xu hướng ủng hộ Obama với lòng tin rằng ông sẽ cạnh tranh được với McCain?

- Một trong những vấn đề được tranh luận khi bàn về câu chuyện này là Obama có ít cử tri có ý kiến tiêu cực, đi ngược lại ông. Một trong những vấn đề đặt ra với Clinton là nhiều nghị sĩ sẽ không bỏ phiếu cho bà trong một bối cảnh bất lợi.

Như anh biết, hai cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ gần đây nhất, khoảng cách giữa hai đảng rất nhỏ. Mọi thứ chỉ trở nên rõ ràng với 5% cử tri độc lập cuối cùng của 5 bang cuối cùng. Đến phút cuối, Clinton và McCain sẽ phải vận động và thu hút được 5% cử tri cuối cùng. Nếu như những nhân tố bất lợi của Clinton quá lớn, có thể Obama sẽ là ứng viên tốt hơn để cạnh tranh với John McCain.

Tuy nhiên, tôi cho rằng McCain là một ứng viên nặng kí có nhiều thuận lợi bởi ông ấy có một bảng thành tích quân sự lớn, cựu chiến binh trong cuộc chiến tại Việt Nam, là đảng viên Cộng hòa có tư duy độc lập và bên trong Washington, ông ấy là một dạng nam châm thu hút bên ngoài trong vòng 10 năm qua với tư cách thượng nghị sỹ của Washington.

VietNamNet:  Ông nghĩ như thế nào về John McCain, trong bối cảnh ông này đang phải đối mặt với câu chuyện trên New York Times?

- Điều thú vị trong câu chuyện này là New York Times đã cho đăng một câu chuyện rất tệ về John McCain. Thế nhưng, sau khi có câu chuyện này số tiền mà McCain vận động được trong chiến dịch gây quỹ đột ngột tăng mạnh. Nguyên nhân là các thành viên Cộng hòa thường sát cánh bên cạnh ứng viên bị chỉ trích bởi một tờ báo cánh tả như New York Times.

Cuộc tấn công của New York Times thực tế là phản tác dụng. McCain đã sử dụng việc này rất thông minh để đoàn kết đảng của mình, tăng mức độ ủng hộ quỹ cho mình.

VietNamNet:  Ông tin rằng John McCain sẽ là đại diện của Đảng Cộng hòa cho vị trí Tổng thống Mỹ?

- Không có gì thay đổi được điều đó.

VietNamNet:  Làm thế nào các ứng cử viên có thể tìm ra chọn ra người điều hành chiến lược marketing chính trị của mình?

- Đây là một câu hỏi rất thú vị. Thông thường, một người muốn trở thành giám đốc điều hành marketing phải hiểu rất rõ công cụ điều tra khảo sát, thăm dò dư luận và sử dụng chúng hiệu quả để tìm ra điều cử tri ở mỗi bang, mỗi hạt trên khắp đất nước đang nghĩ và mong muốn.

Nhân vật quan trọng nhất với G.W.Bush là Karl Rove, một người có thể nắm rõ cử tri của từng hạt trên nước Mỹ. Mặt khác, Hillary Clinton có Mark Penn, mặc dù hiện ông bị chỉ trích khá nặng nề cho thất bại mới đây của Clinton nhưng về mặt cá nhân, ông ấy có nhiều điểm giống với Karl Rove, người có hiểu biết kỹ lưỡng về các vấn đề mà cử tri trên toàn nước Mỹ quan tâm.

Thêm vào đó, trong chiến lược marketing, mỗi cuộc vận động cần có vài người quản lý điều hành, người có trách nhiệm quản lý tất cả các tình nguyện viên để làm công việc gọi điện cho tất cả các nhà tài trợ, gọi điện để nhận được sự ủng hộ một ngày trước ngày bầu cử trên toàn quốc. Có vài nhà quản lý để tiến hành ở từng bang một, và những tình nguyện viên được trang bị để tiến hành các công việc thay mặt cho ứng viên.

VietNamNet: Thông điệp mà các ứng viên chuyển tới cử tri nên do bản thân ứng viên đưa ra hay nên tuân theo lời tư vấn của các cố vấn, các chuyên gia về marketing?

Đó cũng là một câu hỏi hay. Tôi cho rằng các ứng viên cần có rất nhiều bài phát biểu, và thành thật mà nói, họ cần có đội ngũ những người giúp việc soạn thảo bài phát biểu cho mình. Trên thực tế, họ có một cái gọi là bài phát biểu gây ấn tượng, điều được nói từ chính trái tim, với sự chân thành, xúc cảm mạnh. Do đó, bài phát biểu phải là chính ý kiến của họ.

Tuy nhiên, các ứng viên phải phát biểu rất nhiều. Chiến dịch vận động quá dài và họ không thể đưa ra một thông điệp giống nhau mỗi ngày. Do đó, họ phải đưa ra các bài phát biểu khác nhau, giải quyết từng vấn đề cụ thể.

Theo tôi, ngay cả khi được sự hỗ trợ của những người soạn thảo bài phát biểu, nhưng nếu cuối cùng, anh không có cảm xúc, cách thể hiện của anh sẽ là bằng chứng cho cử tri thấy rõ. Nếu anh chỉ đọc bài phát biểu, nó sẽ không thể đưa anh tới thành công.

VietNamNet: Có rất nhiều cách thức và công cụ khác nhau trong marketing chính trị. Đối với bầu cử ở Mỹ, công cụ nào là quan trọng nhất để thành công?

- Đây là câu hỏi rất thú vị bởi lẽ năm nay có nhiều sự lựa chọn về truyền thông trong “thị trường chính trị” Mỹ hơn cho các ứng viên so với trước, không khác gì thị trường tiêu dùng.

Chúng ta có thể thấy các ứng viên xuất hiện trong talk show buổi tối, đưa các video hài hước lên youtube… Và các ứng viên cũng được hưởng lợi rất nhiều nhờ vào việc những người hâm mộ - các fan làm phim và đưa lên mạng, được hàng triệu người tải về. Đặc biệt, tôi nghĩ Obama đã  được giới trẻ chú ý nhờ vào video diễn thế vai ông bởi một nữ cô gái trẻ, người được biết đến với cái tên “nữ Obama”.

Hơn nữa, một điều chúng ta thấy trong năm bầu cử này là số lượng các phương thức cho đa dạng cho cử tri nhiều sự lựa chọn hơn, đặc biệt qua hình thức tranh luận. Tính đến nay đã có 18 cuộc tranh luận trực tiếp của các ứng viên. Điều này là cơ hội tuyệt vời để tỏ rõ sự kiên định của họ.

Tôi cho rằng cử tri Mỹ đã được phục vụ rất tốt nhờ hình thức này. Nếu không có nhiều các cuộc tranh luận, cử tri sẽ không thể biết ứng viên đó có thực sự thích hợp, là hình mẫu lý tưởng họ muốn bỏ phiếu hay không.

Theo tôi, những cử tri Mỹ là những người khá chú trọng về mặt chính trị. Cuối cùng họ sẽ đưa ra một quyết định tuyệt vời không chỉ dựa trên chính sách mà dựa trên tố chất lãnh đạo của người đó. Họ sẽ đưa ra quan điểm về người họ muốn trở thành lãnh đạo của mình.

VietNamNet: Tại Mỹ có những nhóm lợi ích có ảnh hưởng khá lớn đến đời sống chính trị, ở Quốc hội và tất nhiên là cả ở bầu cử Tổng thống. Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, liệu một quốc gia khác, một nhóm khác ở ngoài biên giới có thể gây ảnh hưởng lên bầu cử Tổng thống hay không?

- Hiện nay có khoảng 2 triệu cử tri sống ở bên ngoài nước Mỹ, những công dân sống ở nước ngoài. Tuy nhiên luật về tài chính cho tranh cử rất rõ ràng và hạn chế đối với những người không mang quốc tịch Mỹ muốn hỗ trợ cho cuộc vận động tranh cử ở Mỹ. Những ảnh hưởng của họ thường không đáng kể.

Về các nhóm lợi ích, đúng là họ có khả năng để hỗ trợ tài chính và gây ảnh hưởng lên quan điểm của từng ứng viên cụ thể. Nhưng cả Obama và John McCain đều có một bảng thành tích ấn tượng về việc không sử dụng nguồn tài chính từ các nhóm lợi ích. Obama tiến hành vận động tranh cử “sạch”. Ông hạn chế tối đa ảnh hưởng từ các nhóm lợi ích đặc biệt một khi ông ấy thắng lợi và ở Washington. Tôi sẽ rất vui lòng quan sát xem ông ấy thành công hay không.

- Xin cảm ơn giáo sư!

  • VietNamNet
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>