CH Séc sẽ không xin phép Nga về việc cho Mỹ đặt một trạm radar trên lãnh thổ của nước này và bác bỏ việc quay trở lại tầm ảnh hưởng của Moscow, Thủ Tướng Séc, Mirek Topolanek, nói hôm 26/2.
Chính quyền Mỹ muốn triển khai 10 tên lửa đánh chặn tại Ba Lan và một trạm radar ở CH Séc. Đây là một bộ phận của lá chắn tên lửa toàn cầu nhằm chống lại các tên lửa đạn đạo tầm xa từ các nước ’’thù địch’’ như Iran hoặc Triều Tiên.
Các quan chức Nga cho rằng lá chắn này nhằm chống lại Nga. Do vậy, Nga đã đe dọa chĩa tên lửa vào Ba Lan và Séc nếu hai nước cho Mỹ triển khai lá chắn tên lửa trên lãnh thổ nước họ.
Ông Topolanek nói rằng Moscow đang cố gieo rắc sự hỗn loạn trong các thành viên của Nato, đặc biệt là những thành viên như CH Séc. ’’Chúng tôi không muốn một lần nữa nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga. Chúng tôi không muốn thuộc một nhóm nước phải xin phép Nga nếu họ muốn đảm bảo quốc phòng của nước họ’’, ông nói.
Ông Topolanek cho rằng là một thành viên của Nato, Séc ’’ít nhất cũng có một vị trí ngang bằng’’ với Nga trong những vấn đề như vậy. Ông sẽ gặp Tổng thống Bush vào hôm nay (27/2). Trước khi rời Séc tới Washington, ông Topolanek nói rằng cả Séc và Ba Lan muốn hoàn tất các kế hoạch lá chắn tên lửa đúng dịp Nato tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest vào tháng tư tới.
Trong bài phát biểu hôm 26/2, ông Topolanek nói rằng ’’chương trình tuyên truyền rất khéo léo của liên bang Nga đã khuấy động sự phản đối kế hoạch lá chắn tên lửa ở Đông Âu’’. Ông cảnh báo về tính tự mãn mà ông nói rằng rất phổ biến trong số các công dân châu Âu, những người nghĩ rằng họ sẽ không bao giờ phải tự vệ. ’’Thật không may, tôi nghĩ là chúng ta lại đang nhìn thấy một bóng ma nữa ở châu Âu, bóng ma của sự nhân nhượng’’, ông nói.
Trong chuyến thăm Washington hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski nói rằng Ba Lan đã nhất trí về nguyên tắc cho Mỹ đặt các tên lửa đánh chặn ở Ba Lan sau khi nhận được đảm bảo rằng Washington sẽ giúp Ba Lan nâng cấp khả năng quốc phòng.
-
Minh Sơn (theo Reuters, AFP)