221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1038987
Đường tới ’’ngai vàng’’ Kremlin của Dmitry Medvedev
1
Article
null
Đường tới ’’ngai vàng’’ Kremlin của Dmitry Medvedev
,

Dmitry Medvedev đã làm việc cực nhọc dưới cái bóng của Tổng thống Nga Putin. Tuy nhiên, nhân vật được ông Putin chọn là người kế nhiệm này có thể sẽ nhanh chóng thể hiện những màu sắc thực sự của ông và gây những ngạc nhiên lớn ở Nga sau cuộc bầu cử 2/3 tới.

v
Ông Medvedev (ảnh NYT)
Trong căn phòng có trần cao tại Tòa thị chính St. Petersburg năm 1992, hai nam giới nhỏ con cùng làm việc trên một chiếc bàn lớn. Người lớn tuổi hơn là một cựu trung tá KGB cứng rắn có tên gọi Vladimir Putin. Ông điều hành các thương vụ của thị trưởng và lúc nào cũng tỏ ra nghiêm túc, giống như thương nhân vậy, Dmitry Lenkov, một thành viên của hội đồng thành phố, nhớ lại. Người còn lại là trợ lý của Putin và là một luật sư trẻ, thông minh, thích áo khác Versace và bút Parker. Tên của ông là Dmitry Medvedev. Chẳng ai thực sự để ý tới ông. Putin đưa ra mọi quyết định, Medvedev thực hiện các quyết định đó’’, Lenkov nói.

16 năm sau, người không được chú ý này chuẩn bị tiếp quản chiếc ghế tổng thống mà ông Putin đã giữ trong 8 năm qua. Ông Medvedev sẽ không có đối thủ nặng ký trong cuộc đua vào điện Kremlin vào ngày 2/3 tới. Hai ngày sau khi ông Putin tuyên bố ủng hộ ông Medvedev là ứng viên tổng thống, ông Medvedev đáp lại ân huệ này bằng cách hứa hẹn bổ nhiệm ông Putin làm thủ tướng và tiếp tục giữ lại bộ máy mà tổng thống đương nhiệm đã dựng lên.

Giải mã việc này sao đây? Dường như đó là một sự đảm bảo rằng ông Medvedev sẽ là một Putin 2.0 trung thành, vẫn làm theo ông Putin như trước đây. ’’Medvedev hoàn toàn dựa vào Putin. Điều cực kỳ quan trọng đối với Putin là có một thuộc cấp không thể thách thức hoặc đe dọa ông’’, nhà phân tích Stanislav Belkovsky, người có quan hệ với Kremlin, nhận định.

Putin và Medvedev - hai tính cách khác biệt

Không nghi ngờ gì nữa, sự trung thành bấy lâu của Medvedev với Putin là phẩm chất chính để ông được Putin lựa chọn là người kế nhiệm. Thậm chí sau gần hai thập kỷ là bạn, Medvedev vẫn gọi cấp trên của ông là ’’ông Putin’’. Và ông cũng thận trọng không nói một lời chỉ trích nào về Putin. ’’Bí mật đứng sau sự nghiệp lớn của Medvedev là việc ông hiểu sự lệ thuộc, hiểu cách tuân thủ các luật lệ và cách tôn trọng và quan tâm tới Putin’’, Linkov nói.

Tuy nhiên, nếu nhìn rõ hơn, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt về cá tính và thế hệ rất rõ ràng ở hai nhân vật này. Sự khác biệt này cho thấy một ngày nào đó ông Medvedev có thể rời bỏ con đường mà cấp trên hiện nay của ông đã lựa chọn.

’’Tất cả chúng ta đều nói rằng Putin sẽ là con rối của ông Yeltsin, người đã đưa ông vào chiếc ghế quyền lực. Tuy nhiên, ông Putin đã nhanh chóng tạo lập đường đi của riêng ông. Luôn có một phép màu đối với chức tổng thống ở Nga... Medvedev sẽ làm tất cả chúng ta ngạc nhiên’’.
Thứ nhất, có những khác biệt về vẻ ngoài.Ông Putin thích võ thuật và dường như thích một trận đấu ra trò. Ông xem các bộ phim chiến tranh và nghe nhạc rock yêu nước của Nga. Trong kỳ nghỉ hè năm ngoái, ông cởi trần và mang súng săn trước các phóng viên ảnh. Trái lại, Medvedev là một luật sư nhẹ nhàng, người đã viết một loạt sách giáo khoa nổi tiếng về luật. Môn thể thao ưa thích của Medvedev là bơi.

Cũng có sự khác biệt lớn hơn giữa hai nhân vật này, cả về phong thái lẫn chính trị. Ông Putin, 55 tuổi, công khai nuối tiếc về Liên Xô, gọi sự sụp đổ của Liên Xô là ’’thảm họa địa chính trị lớn nhất’’ của thế kỷ 20. Giống như nhiều người thuộc cùng thế  hệ, bản năng của ông là đo sự vĩ đại dân tộc bằng sức mạnh quân sự và quyền lực cứng.

Trái lại, Medvedev sinh  năm 1965, được nuôi dưỡng trong thế giới của các trí thức St.Peterburg. Những năm làm luật sư doanh nghiệp và sau đó làm thương nhân đã tạo cho ông quan điểm khác biệt về nước Nga và vai trò của Nga trên thế giới. Trong khi ông Putin thích mặc quân phục hải quân và hắt axít vào kẻ thù, ông Medvedev, với những bộ veston may đo, lại thích kiểm tra các số liệu thống kê kinh tế trên iPhone - thứ đồ chơi mới mà ông ưa thích. Ông quan tâm nhiều hơn tới việc ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế nữa ở Nga hơn là đưa ra những tuyên bố gay gắt. Theo quan điểm của Medvedev, sự vĩ đại dân tộc không bắt nguồn từ việc bắt nạt các nước láng giềng mà là từ việc tạo ra một sự tăng trưởng bền vững và cuộc sống bình thường cho các công dân.

Đã có những dấu hiệu rằng Nga đang tìm kiếm một sự thay đổi như vậy về phong cách. Với tỷ lệ ủng hộ 79%, ông Medvedev được nhiều cử tri mến mộ hơn cả ông Putin. Cũng có tin đồn ông Medvedev sẽ trở thành một tổng thống mạnh, người sẽ lãnh đạo nước Nga theo cách thức hợp với quan điểm tự do hơn của chính ông. ’’Tất cả chúng ta đều nói rằng Putin sẽ là con rối của ông Yeltsin, người đã đưa ông vào chiếc ghế quyền lực. Tuy nhiên, ông Putin đã nhanh chóng tạo lập đường đi của riêng ông. Luôn có một phép màu đối với chức tổng thống ở Nga... Medvedev sẽ làm tất cả chúng ta ngạc nhiên’’, một cựu trợ lý tại Kremlin dự đoán.

p
(ảnh Reuters)
Medvedev - từ St.Peterburg tới Moscow

Cả Putin và Medvedev được nuôi dưỡng ở St.Peterburg và đó là sự tương đồng duy nhất giữa hai nhân vật này. Putin lớn lên trong một khu ngoại ô dành cho những người công nhân, một chung cư lắp ghép không có nước nóng. Trong tự truyện ’’First Person’’ năm 2000, ông Putin nhớ lại việc ông dẫn đầu các nhóm trẻ con đuổi bắt và giết chuột ở cầu thang và mơ ước trở thành một điệp viên KGB sau khi xem các bộ phim về tình báo Liên Xô.

Medvedev sinh trưởng trong một thế giới hoàn toàn khác biệt. Mẹ của ông, Yulia, dạy tiếng Nga và văn học Nga tại ĐH Sư phạm Herzen. Cha của ông, Anatoly, là giáo sư vật lý tại Viện Bách khoa Leningrad. Medvedev trẻ tuổi đã mơ ước trở thành một luật sư, một nghề nghiệp có lợi thậm chí vào thời gian đó. Ông trưởng thành đúng vào lúc Gorbachev thực thi chính sách nói thẳng nói thật, khi mà sinh viên xếp hàng dài để mua đĩa nhạc mới nhất của những tác giả bị cấm đoán trước kia hoặc đứng chật cứng các giảng đường để lắng nghe các bài giảng về chủ nghĩa Stalin của các sử gia có quan điểm tự do. Chính sách của Gorbachev là một cuộc cách mạng đối với giới trẻ và Medvedev trẻ tuổi, thông minh là một phần của giới trẻ đó. Trong khi còn đi học, Medvedev kiêm cả công việc thợ hồ và lao công đường phố, tiết kiệm tiền để mua quần bò xanh và các đĩa nhạc nước ngoài.

Tới năm 1989, Medvedev bị cuốn hút bởi các tư tưởng phương Tây về thị trường tự do và dân chủ. Năm đó, giáo sư luật Anatoly Sobchak của ông tại ĐH Leningrad đã quyết định tham gia tranh cử vào quốc hội Liên Xô - nơi nhanh chóng trở thành mảnh đất tiến hành các thử nghiệm của Gorbachev về dân chủ. Sobchak đã chọn Medvedev là một thành viên trong nhóm hỗ trợ ông vận động tranh cử. Đây là một bước đi liều lĩnh đối với Medvedev trẻ tuổi bởi các tư tưởng của Sobchak về thị trường tự do và đa đảng đã đẩy cuộc cải tổ kinh tế, chính trị ở Liên Xô tới các giới hạn của nó. Mặc dù vậy, nhóm thanh niên này vẫn tiếp tục giúp GS Sobchak. Canh bạc của Medvedev cuối cùng cũng thành công. Sobchak được bầu vào Xô Viết tối cao và không lâu sau trở thành thị trưởng St.Peterburg.

Trong khi sự nghiệp của Medvedev cất cánh, thì nhân vật mà một ngày nào đó sẽ trở thành cấp trên của Medvedev - Putin - lại lu mờ trong vai trò là một đặc vụ KGB cấp trung ở Dresden, Đông Đức cũ. Năm 1990, ông bị KGB sa thải và trở thành Hiệu phó ĐH Leningrad. Ngay sau đó, Putin được Sobchak tuyển dụng để ’’lấp khoảng cách giữa những người chống đối trước kia mà hiện đã lên nắm quyền và những đối thủ của họ trong KGB’’, theo lời một cựu trợ lý cấp cao tại Kremlin. Ông Putin đặc biệt tài giỏi trong việc bán tài sản của thành phố này cho tư nhân. Medvedev là phụ tá trung thành của Putin, giải quyết 90% các công việc giấy tờ đằng sau những thương vụ này. Tuy nhiên, ranh giới giữa công chức và thương gia nhanh chóng lu mờ khi các công chức bán các tài sản nhà nước. Thật khó có thể nói liệu các thương vụ này có hợp pháp hay không.

Quả thật, sự quá độ sang dân chủ và thị trường tự do tỏ ra khó khăn hơn mong đợi của các nhà cải cách kỷ nguyên nói thẳng nói thật. Medvedev nhận ra rằng chính sách của Nga về dân chủ và thị trường tự do đều không hoàn hảo. Năm 1994, ngoài việc cố vấn cho Putin về các vấn đề luật pháp, ông bắt đầu làm luật sư cho Ilim Pulp - công ty chế biến giấy liên doanh giữa Nga và Thụy Điển. Medvedev cũng có cổ phần trong công ty này. Ông đã bảo vệ công ty khỏi nguy cơ bị mua lại bằng cách tuyển dụng các cựu sĩ quan tình báo quân đội và KGB, đồng thời nhờ vả bạn bè cũ đang là quan chức lúc đó. Đó là một bài học hoàn hảo về chủ nghĩa tư bản kiểu Nga: chỉ có thể bảo vệ quyền sở hữu bằng cách có bạn bè là quan chức chính phủ. Cũng trong thời gian đó, Medvedev dạy luật tại ĐH Leningrad.

Về phần mình, công việc của ông Putin tại St.Peterburg đã giúp ông giành được một vị trí tại cục quản lý tài sản của Kremlin. Putin trở thành một trong ít các thành viên thuộc ’’gia đình’’ Yeltsin. Với sự bảo trợ của các phụ tá cốt cán của Yeltsin, Putin trở thành giám đốc FSB, cơ quan thay thế KGB và sau đó trở thành thủ tướng Nga vào năm 1999 và người kế nhiệm ông Boris Yeltsin. Giống như Medvedev, phẩm chất chính của Putin để được cân nhắc vào ghế tổng thống là sự trung thành tuyệt đối với Yeltsin.

f
Medvedev (trái) và Putin (ảnh Reuters)
Medvedev theo Putin tới Moscow vào năm 1999. Mặc dù tương đối trẻ song ông đã nhanh chóng gia tăng ảnh hưởng và sự nổi bật, giữ chức tham mưu phó của Kremlin. Trong năm 2000, Medvedev trở thành Chủ tịch tập đoàn năng lượng Gazprom - một công ty giàu có và là công cụ của chính sách đối nội, đối ngoại của Kremlin.

Trong những năm tiếp theo, ông Medvedev đã cải tổ công ty khí đốt này và ông Putin đã biến Gazprom thành một trong những vũ khí mạnh nhất của chính sách đối ngoại mới, quyết đoán. Ông Medvedev đã sa thải giới lãnh đạo cũ và thắt chặt các biện pháp quản lý tài chính lỏng lẻo của công ty này. Lợi nhuận của Gazprom tăng từ 670 triệu USD trong năm 1998 lên 25 tỷ USD trong năm 2007 và số tiền này chảy vào ngân quỹ của Kremlin.

Với sức mạnh mới cả ở trong nước lẫn nước ngoài, Gazprom mau chóng trở thành một công cụ để ông Putin thúc đẩy một trong những ưu tiên của ông - kiểm soát truyền thông Nga. Gazprom Media - một công ty con của Gazprom không nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của ông Medvedev, nuốt chửng kênh truyền hình NTV - một trong những đài truyền hình chỉ trích Nga mạnh nhất. Năm 2006, ông Putin đã sử dụng Gazprom để trừng phạt các quốc gia như Ukraine và Grudia vì bất tuân ý nguyện của Nga. Gazprom tăng giá và khi Ukraine không thể trả được, việc cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt trong một thời gian ngắn đã nhắc nhở Kiev ai là ông chủ.

Medvedev phụ trách chiến dịch vận động tái tranh cử của ông Putin trong năm 2004 và làm tham mưu trưởng của tổng thống cho tới năm 2005, khi ông Putin cất nhắc ông làm Phó thủ tướng thứ nhất dưới quyền ông Fradkov. Ông Putin cũng giao cho ông Medvedev giám sát việc chi tiêu nguồn thu từ dầu khí cho các dự án cải thiện y tế, nhà ở và nông nghiệp. Không giống Putin và nhiều quan chức cấp cao khác tại Kremlin, ông Medvedev dưòng như không có bất kỳ kinh nghiệm gì trong KGB, FSB hoặc các cơ quan an ninh khác.

Tương lai

Trong cuộc bầu cử 2/3 tới, ông Medvedev chắc chắn sẽ trở thành tổng thống của một quốc gia rộng lớn, đang khôi phục lại vị thế trên trường quốc tế. Ông Medvedev đã từ chối tham gia vào các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình trước bầu cử với các đối thủ khác, với lý do thiếu thời gian. Ông không cần xuất hiện: ông đã có bộ máy nhà nước hùng mạnh hậu thuẫn.

Câu hỏi hiện nay là liệu có còn bất kỳ tư tưởng tự do duy tâm nào ở ông Medvedev hay không. Ông Medvedev chắc chắn ủng hộ vai trò mới, táo bạo mà ông Putin đã chọn cho Nga thông qua ngoại giao, quân sự và sức ép. ’’Nga đã giành  lại vị trí thích hợp trong cộng đồng quốc tế. Nga đã trở thành một quốc gia khác trước, mạnh hơn và thịnh vượng hơn. Mọi người đừng nên cố dạy bảo chúng tôi giống như học sinh, họ nên tôn trọng chúng tôi’’, ông Medvedev nói.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy ông Medvedev đã từ chối một số  yếu tố độc hại của chủ nghĩa dân tộc. Thay vào đó, thông điệp chính trước bầu cử của Medvedev chú trọng tới việc thúc đẩy nền kinh tế Nga, chứ không phải sử dụng sự trỗi dậy của Nga để gây sức ép với các nước khác. Chẳng hạn, ông đã nhấn mạnh nhu cầu xây dựng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm sự tham gia của nhà nước vào các khu vực tư nhân.

’’Các doanh nghiệp lớn hy vọng ông Medvedev sẽ tự do hơn, thân phương Tây hơn, chấm dứt tình trạng tham nhũng và trao cho các doanh nghiệp nhiều quyền tự do hơn’’, Alexander Shokhin, Chủ tịch Liên đoàn các nhà tư bản công nghiệp và thương nhân Nga, nói.

Về lâu dài, có khả năng ông Medvedev sẵn sàng đối đầu với ông Putin, ngay cả khi ông Putin trở thành thủ tướng. ’’Không có hai, ba hoặc năm trung tâm quyền lực. Tổng thống là người lãnh đạo và có thể là người lãnh đạo duy nhất, theo Hiến pháp’’, ông Medvedev gần đây đã phát biểu như vậy. Tuy nhiên, ông Medvedev sẽ cần phải dựa vào bộ máy hiện nay ở Kremlin để giữ chiếc ghế quyền lực sau cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 2/3 và ông Putin dường như sẽ không để người mà ông bảo trợ quên ai là người đã cân nhắc ông từ St.Peterburg, vào Kremlin rồi lên chiếc ghế tổng thống.

  • Minh Sơn (theo Newsweek, NYT, Reuters)
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,