Pháp và Anh lại một lần nữa trì hoãn cuộc bỏ phiếu của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) về vòng cấm vận thứ ba đối với Iran đến đầu tuần sau nhằm giành được sự ủng hộ của các nước thành viên còn hoài nghi.
Một nhà ngoại giao giấu tên tiết lộ dự thảo nghị quyết trừng phạt Iran đã được thống nhất lần cuối cùng hôm qua (29/2).
Ảnh Reuters
Phát ngôn viên Liên hợp quốc cho biết HĐBA sẽ nhóm họp để thảo luận về vấn đề Iran vào 11 giờ sáng thứ hai (3/3). Các nhà ngoại giao nhận định Anh và Pháp sẽ kêu gọi bỏ phiếu về nghị quyết chống Iran tại cuộc họp này.
Nghị quyết mới sẽ thắt chặt các biện pháp trừng phạt hiện có, kể cả những lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản, đối với Iran do nước này từ chối ngưng làm giàu uranium. Chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran hiện vừa tạo ra nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân vừa tạo ra nguyên liệu chế tạo bom nguyên tử.
Iran vẫn khăng khẳng bác bỏ cáo buộc của phương Tây rằng nước này đang phát triển khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân. Tehran quả quyết các tham vọng hạt nhân của họ chỉ giới hạn trong mục đích sản xuất điện. Chính phủ Iran tuyên bố việc áp dụng các lệnh trừng phạt nước này là thiếu căn cứ pháp lý và rằng Tehran không có ý định tuân thủ nghị quyết mới.
5 thành viên thường trực HĐBA là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng một nước ngoài cơ quan này là Đức đã nhất trí tại Berlin ngày 22/1 về dự thảo của vòng cấm vận thứ ba chống Tehran.
Washington từng hy vọng sẽ có cuộc bỏ phiếu nhanh chóng về nội dung nghị quyết nhưng các cuộc đàm phán kéo dài hơn một tháng, chủ yếu do sự phản đối của 4 thành viên không thường trực HĐBA là Nam Phi, Libya, Việt Nam và Indonesia.
Khó đạt sự đồng thuận hoàn toàn
Các nghị quyết về hai vòng cấm vận trước đã được đồng thuận phê chuẩn vào tháng 12/2006 và tháng 3/2007. Nghị quyết mới hiện nhận được sự hậu thuẫn của 5 nước thành viên thường trực và của 6 quốc gia khác. Điều đó có nghĩa nó chắc chắn sẽ được thông qua.
Theo các nhà ngoại giao, các nước châu Âu đồng bảo trợ cho nghị quyết mới không tỏ ra lạc quan về việc vòng cấm vận thứ ba sẽ nhận được sự ủng hộ của tất cả 15 quốc gia thành viên HĐBA. Tuy nhiên, họ sẽ dành thời gian cuối tuần này để thuyết phục 4 nước thành viên vẫn còn hoài nghi và e dè về dự thảo nghị quyết. Những nước này có thể bỏ phiếu chống hoặc phiếu trắng.
"Chúng tôi sẽ tiến hành một số thay đổi nhỏ đối với nghị quyết nhằm cố gắng giải quyết một số lo ngại. Việt Nam đã đệ trình một số sửa đổi hôm qua và đó là những thay đổi mà chúng tôi đã tiếp nhận", nhà ngoại giao giấu tên nói.
Đại sứ Anh John Sawers phát biểu trước các phóng viên hôm 28/2 rằng ông muốn nghị quyết giành được "càng nhiều sự ủng hộ càng tốt". Tuy nhiên, ông Sawers cho biết nếu có phiếu trắng hoặc phiếu chống thì nghị quyết vẫn sẽ là bắt buộc một khi nó được thông qua.
Hai nhà ngoài giao tiết lộ "đã có tiến triển" trong việc thuyết phục Việt Nam bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết mới. Tuy nhiên, Anh, Pháp và Đức vẫn chưa nhận được cam kết chắc chắn từ phía Việt Nam.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã gặp người đồng cấp Nam Phi Thabo Mbeki hôm 29/2 trong chuyến công du chính thức nước này. Hai lãnh đạo đã thảo luận về Iran. Dẫu vậy, giới ngoại giao nhận định vẫn còn quá sớm để khẳng định cuộc tiếp xúc này có thuyết phục được Nam Phi ủng hộ nghị quyết trừng phạt Iran hay không. Nam Phi từng bỏ phiếu phê chuẩn vòng cấm vận thứ hai vào tháng 3/2007.
Đại sứ Libya Giadalla Ettalhi hồi đàu tuần này từng bày tỏ rằng ông sẽ bỏ phiếu chống nghị quyết trừng phạt Iran. Phái viên Indonesia tuyên bố ông không thấy thuyết phục rằng thêm biện pháp cấm vận là một ý tưởng tốt.
- Thanh Bình (Theo Reuters, AP)