Chẳng khó để dự đoán kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 2/3 tại Liên bang Nga. Mọi người đều biết tên của người chiến thắng - Phó Thủ tướng thứ nhất Dmitry Medvedev, ứng cử viên được chính phủ hậu thuẫn và là người kế nhiệm Tổng thống Vladimir Putin.
Bốn ứng cử viên chạy đua vào Kremlin |
Tại sao? Thứ nhất là ông Putin đã mang lại ổn định chính trị sau những biến động của người tiền nhiệm, Boris Yeltsin. Thứ hai, ông đã thiết lập hòa bình ở Chechnya và khắp bắc Caucasus. Thứ ba, ông phục hồi vị thế của Nga là một cường quốc có ảnh hưởng trên thế giới. Thứ tư, điều quan trọng nhất, ông duy trì sự tăng trưởng kinh tế nhanh và sự gia tăng mạnh mẽ tiêu chuẩn sống của người Nga.
Trước bầu cử
Do chỉ có 4 ứng cử viên nên chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống Nga vào ngày 2/3 được mô tả là nhàm chán nhất trong lịch sử hậu Liên Xô của đất nước này. Hai ứng cử viên - lãnh đạo Gennady Zyuganov của đảng Cộng sản và lãnh đạo Vladimir Zhirinovsky của đảng Dân chủ tự do - đã hoạt động quá lâu trên chính trường. Họ đã mất đi sự hấp dẫn và do vậy có ít cơ hội giành chiến thắng.
Ứng cử viên thứ ba là Andrei Bogdanov, lãnh đạo đảng Dân chủ thân phương Tây. Đảng nhỏ bé này chỉ tồn tại trên giấy mà thôi. Ông Bogdanov được Kremlin lựa chọn tham gia cuộc đua này bởi hoàn toàn có lợi khi có một ứng viên đại diện cho tư tưởng dân chủ song không đe dọa tới giới cầm quyền. Sự tham gia của ông Bogdanov cũng đảm bảo rằng cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra trong mọi trường hợp, ngay cả khi hai đối thủ Zhirinovsky và Zyuganov rút khỏi cuộc đua. Theo luật, cuộc bầu cử tổng thống chỉ có thể diễn ra nếu có ít nhất hai ứng viên.
Trong bối cảnh này, chiến thắng của Phó Thủ tướng thứ nhất Dmitry Medvedev, ứng viên được Tổng thống Putin ủng hộ là người kế nhiệm, gần như được đảm bảo.
Tuy nhiên, sẽ quá đơn giản khi đổ lỗi về sự nhàm chán này cho các cố vấn công chúng của Kremlin. Đa số người dân Nga muốn thay đổi song họ muốn sự thay đổi đó diễn ra dần dần, không làm tiêu chuẩn sống đột ngột trở nên tồi tệ hơn như đã từng xảy ra vào những năm 1990 và cũng không kích động các căng thẳng chính trị. Công chúng Nga không muốn phạm một sai lầm mà có thể dẫn tới những biến động mới, như đã từng xảy ra vào những năm 1990, khi nhiều cử tri vô cùng thất vọng về thần tượng Boris Yeltsin của họ.
Theo Andrei Ryabov, chuyên gia phân tích chính trị tại Trung tâm Carnegie Moscow, ông Medvedev là ứng viên phù hợp hoàn hảo với những mong đợi trên. Mọi người cho rằng ông đại diện cho giới quan chức đang nắm quyền và do vậy sẽ không tiến hành những thay đổi đột ngột.
Đồng thời, trong các bài diễn văn tranh cử, ông Medvedev đã tuyên bố ông sẽ cải cách những lĩnh vực mà mọi người muốn thay đổi càng nhanh càng tốt. Đó là lĩnh vực xã hội, nơi khoảng cách giàu-nghèo tiếp tục gia tăng trong khi quảng đại dân chúng vẫn chưa có cơ hội được hưởng những dịch vụ giáo dục và chăm sóc y tế chất lượng cao. Một lĩnh vực khác nữa là mối quan hệ giữa nhân dân và nhà nước, nơi tình trạng quản lý chuyên quyền của các quan chức ở mọi cấp ngày càng trầm trọng.
Rõ ràng là ông Medvedev sẽ giành được chiến thắng vang dội trong vòng bỏ phiếu đầu tiên. VTsIOM - một trung tâm nghiên cứu công luận toàn Nga - dự đoán ông Medvedev sẽ giành được 75% phiếu bầu.
Nước Nga sau bầu cử tổng thống mới
Do kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Nga vào ngày 2/3 đã được quyết định trước nên vấn đề mà nhiều người quan tâm nhất chính là tình hình nước Nga sau bầu cử.
Câu hỏi quan trọng nhất là liệu ông Medvedev có thể thành lập một nhóm có khả năng thực hiện những mong đợi của người dân Nga hay không. Câu trả lời gần như phụ thuộc vào những việc đang diễn ra đằng sau bức màn của chiến dịch tranh cử, vào trận chiến thầm lặng giành giật những chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước và quyền kiểm soát các tài sản sinh lợi cao nhất của nền kinh tế Nga - cuộc chiến của các nhóm quyền lợi hùng mạnh ở Kremlin. Vẫn chưa rõ kết quả của trận chiến này.
Ngoài ra, điều chắc chắn là ông Putin sẽ duy trì ảnh hưởng lớn của ông tới các tiến trình kinh tế và chính trị ở Nga sau cuộc bầu cử 2/3. Ông đã tuyên bố sẵn sàng trở thành thủ tướng. Ông Medvedev cũng đã tuyên bố dành chức vụ này cho ông Putin. Bài phát biểu của ông Putin tại một phiên họp của Hội đồng Nhà nước hồi đầu tháng 2 cho thấy ông sẽ không dừng lại ở vai trò là người đứng đầu chính phủ Nga. Sau khi đặt ra mục tiêu tham vọng đưa Nga trở thành một trong những quốc gia tiên tiến nhất trên thế giới, ông Putin đã đề xuất một chiến lược phát triển quốc gia cho tới năm 2020.
Theo Alexei Makarkin, Phó Chủ tịch Trung tâm công nghệ chính trị, bề ngoài Nga sẽ có hai trung tâm quyền lực. Thủ tướng sẽ có quyền lớn hơn trước rất nhiều. Không cần phải sửa đổi hiến pháp. Theo thời gian, ảnh hưởng của tổng thống mới có thể tăng lên. Có mọi lý do để tin rằng ông Putin hoàn toàn nghiêm túc về việc lựa chọn ông Medvedev làm người kế nhiệm và những tin đồn về việc ông Medvedev chỉ là một nhân vật tạm thời hoàn toàn là không có căn cứ. Nói cách khác, có thể ông Putin sẽ dần dần lu mờ, hỗ trợ để ông Medvedev trở thành một tổng thống mạnh.
Tuy nhiên, những chuyên gia khác thì lại cho rằng ông Medvedev sẽ là một tổng thống bù nhìn trong một chính phủ do ông Putin nắm thực quyền, có lẽ là một lãnh đạo quá độ trước khi ông Putin quay trở lại chiếc ghế tổng thống. Hoặc là ông Medvedev và những người quanh ông sẽ bắt đầu sử dụng quyền lực mạnh của tổng thống để cố làm suy yếu ông Putin.
Ông Medvedev là một luật sư, người chuyên về luật dân sự. Ông chưa từng làm việc trong các cơ quan an ninh Nga. Ông ủng hộ kinh tế thị trường cũng như các mối quan hệ với phương Tây. Ông Putin đã lựa chọn người kế nhiệm ông với lý do xác đáng. Nhà chức trách Nga, giống như mọi nhà chức trách khác, muốn bảo vệ quyền lợi của đất nước họ. Hoàn toàn là ảo tưởng khi nghĩ rằng vị tổng thống mới này sẽ theo đuổi một đường lối thân phương Tây.
Tuy vậy, chẳng cần nói cũng biết một chính trị gia tự do ôn hòa như ông Medvedev sẽ không khai mào xung đột với phương Tây. Ông sẽ không thực thi một chính sách đại cường quốc, không đẩy mạnh cuộc chạy đua vũ trang hoặc kết bạn với những nước ’’xỏ lá’’. Giờ hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ và châu Âu quyết định liệu họ có muốn phát triển những mối quan hệ tích cực với tổng thống mới của Nga hay là đi theo logic đối đầu.
-
Minh Sơn (tổng hợp)