Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nói, ông lo ngại sâu sắc về việc giá lương thực toàn cầu tăng vọt. Xu hướng này có thể gây trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) nhằm giảm mạnh đói nghèo vào năm 2015.
Chương trình Lương thực thế giới LHQ (WFP) và nhiều tổ chức khác có thể buộc phải phân chia khẩu phần lương thực viện trợ, nhà lãnh đạo LHQ cho biết khi trả lời phỏng vấn của BBC.
AP
Theo ông Ban, sự thiếu hụt về lương thực có thể giảm nhẹ nhờ "cuộc cách mạng xanh" - chuyển đổi các phương thức canh tác tại châu Phi.
Giá lương thực toàn cầu đã tăng 40% trong 9 tháng qua trong khi dự trữ lương thực tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm. WFP hiện thiếu khoảng 500 triệu USD cho kế hoạch nuôi sống 73 triệu người một năm.
Theo Tổng thư ký Ban Ki-moon nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi hiện phải trả gấp đôi tới gấp 3 mức giá bình thường để mua thực phẩm. Quan chức này cảnh báo, tình trạng trên sẽ khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng tăng cao. "Điều đó sẽ ảnh hưởng tới chương trình MDG, tôi đặc biệt lo ngại về vấn đề này".
Giá cả tăng vọt có thể do mùa màng thất thu, dân số tăng, giá năng lượng và gạo tăng, tác động của thay đổi khí hậu và chuyển hướng sang sử dụng các loại cây trồng dùng làm nhiên liệu sinh học.
Mặc dù một trong những quan chức LHQ cho rằng sử dụng cây trồng làm nhiên liệu sinh học thay vì dùng làm lương thực là một tội ác chống lại loài người thì theo ông Ban, vẫn cần cân bằng khía cạnh tích cực và tiêu cực của nhiên liệu sinh học.
Khi đề cập tới các giải pháp có thể thực hiện được, Tổng thư ký LHQ nói "các bên đều nhất trí cần có thêm nhiều nguồn lực để giúp sức cho cuộc cách mạng xanh ở châu Phi". Tuy nhiên, ông Ban cảnh báo việc chuyển từ cam kết sang hành động sẽ là thách thức chính trị to lớn.
-
Hoài Linh (Theo BBC)