221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1044287
40 năm thảm sát Mỹ Lai qua báo chí thế giới
1
Article
null
40 năm thảm sát Mỹ Lai qua báo chí thế giới
,

Nhiều tờ báo uy tín quốc tế AP, AFP, Time… đã viết về lễ kỉ niệm thảm sát Mỹ Lai với sự nhắc nhở về tội ác chiến tranh và niềm hi vọng về hoà bình và tránh sai lầm trong quá khứ.

Tờ Time viết, những người sống sót sau thảm sát Mỹ Lai và một vài người Mỹ từng tham chiến và trực tiếp xả súng trong cuộc chiến, tất cả những lễ kỉ niệm về tội ác khủng khiếp ấy đều quan trọng. Nhưng lễ kỉ niệm thứ 40 này có vẻ đặc biệt cấp thiết đối với một một vài người Mỹ, những người đến để tưởng niệm về vụ thảm sát.

Những hình ảnh này đã gây sốc cho toàn thế giới vì tính chất tàn bạo, phi nhân tính của một tội ác chiến tranh.
Tại Mỹ Lai, nhiều thành viên của quân đoàn Charlie đã tàn sát 504 thường dân vô tội, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em và người già không hề được vũ trang.

Đội quân Mỹ nản lòng đến Mỹ Lai với nhiệm vụ “tìm và diệt”, tìm kiếm du kích Việt cộng. Mặc dù không hề có một báo cáo nào về phản ứng của kẻ thù, quân đội Mỹ bắt đầu giết hại dân làng như ngả rạ và châm lửa đốt nhà họ.

Sự việc gây sốc đối với người Mỹ và xói mòn sự ủng hộ đối với cuộc chiến.

Tạp chí Time dẫn lời bà Đỗ Thị Bương, 67 tuổi đã thoát khỏi vụ thảm sát 40 năm trước trong khi mẹ bà đã bị bắn chết trong vụ thảm sát: “Chúng tôi chỉ muốn hoà bình. Chúng tôi không muốn bất kì một điều tương tự xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Mỗi năm khi ngày này đến, tôi luôn cảm thấy đau buồn và nhớ tới mẹ tôi”.

Trong bài viết của AP, tác giả đã nhắc đến bà Hà Thị Quý, 83 tuổi, một trong những người sống sót sau vụ thảm sát. Bà đã phải đấu tranh để vượt qua được lòng căm phẫn và hận thù trong suốt 40 năm qua. Một trong những thành viên của quân đoàn Charlie đã bắn vào chân bà, giết mẹ, con gái 16 tuổi và con trai 6 tuổi của bà.

Bản thân chồng bà sau đó cũng chết do bị thương trong vụ thảm sát. Một người con trai khác đã bị thương ở tay và chân sau khi bị bắn vào ngày hôm đó.

Bà Quý sống sót nhờ được che kín dưới những xác chết của hàng xóm. Bà không còn bất cứ hình ảnh nào của những người thương yêu vì quân đội Mỹ đã đốt nhà bà.

AP dẫn lời bà Quý “Chính phủ Mỹ nên chấp dứt tiến hành những cuộc chiến như đã từng làm ở Việt Nam. Các con tôi vô tội nhưng những binh lính Mỹ đã giết chúng”.

Những bức ảnh ở bảo tàng Mỹ Lai cho thấy những phụ nữ và trẻ em nằm trong vũng máu và gương mặt khủng khiếp vào thời khắc họ bị tàn sát. Những người lính Mỹ dùng bật lửa châm những ngôi nhà trong làng.

Hãng thông tấn AP cũng tường thuật cuộc gặp gỡ của Đỗ Ba và ân nhân cứu mạng Larry Colburn trong lễ kỉ niệm 40 năm vụ thảm sát. Có quá nhiều sự thay đổi diễn ra từ lần gặp gỡ đầu tiên. Nước Mỹ và Việt Nam, những cựu thù đã trở thành bạn bè và phát triển mối quan hệ thương mại mạnh mẽ, ông Ba nói. “Tôi vui mừng thấy Việt Nam và Mỹ trở thành bạn bè. Nhưng tôi vẫn ghét những kẻ đã giết mẹ, em trai, chị gái tôi”.

Các hãng thông tấn, tờ báo và tạp chí đều dẫn câu chuyện thảm sát Mỹ Lai tới những gì đang diễn ra tại Iraq. Theo tờ Time, vụ thảm sát nhắc Lawrence Colburn và cựu binh Mike Boehm tới những hình ảnh về sự tra tấn ở nhà tù Abu Ghraib ở Iraq năm 2005.

“Chúng ta cho rằng đã học từ sai lầm lịch sử, nhưng chúng ta tiếp tục phạm lại lỗi lầm đó”, Corburn nói. “Đó là lí do tại sao Mỹ Lai lại đặc biệt quan trọng vào thời điểm này”.

Boehm tổ chức rất nhiều chương trình nhân đạo tại tỉnh Quảng Ngãi. Ông đã trả lại vào dịp kỷ niệm 30 năm sự kiện Mỹ Lai và vẫn đang giúp tổ chức lễ kỉ niệm năm nay.

“Nếu theo dõi cuộc chiến ở Iraq, bạn sẽ thấy không có gì thay đổi. Tại Mỹ Lai cũng như Abu Ghraib đã có những hành động mất nhân tính đối với kẻ thù cũng như chính binh lính Mỹ”, Boehm nói.

Vụ thảm sát Mỹ Lai theo lời kể của các nhân chứng:

Phạm Thành Công, phụ trách khu chứng tích Sơn Mỹ:

Sáng 16/3, khi tiếng pháo nổi, cả gia đình đều rút xuống hầm tránh pháo như mọi khi. Gia đình gồm sáu người Công, mẹ và các chị. Hai lính Mỹ da trắng bước đến chĩa súng xuống hầm mẹ kéo cả đàn con nhỏ lên trình diện một cách công khai, dùng chân đạp ngược cả gia đình té nhào vào hầm và tung ngay lựu đạn xuống. Cả gia đình tan xác, chỉ riêng Công bị thương nặng và thoát chết do thân thể mẹ và các chị che chở...

Lúc ấy tôi đã 11 tuổi. Phút giây ấy không bao giờ quên kể cả khuôn mặt lạnh lùng của hai người lính Mỹ. Nếu bây giờ họ xuất hiện ở đây, tôi vẫn nhận ra”.

Đỗ Thị Chúc, người thoát chết trong vụ thảm sát:

Tôi không nhớ gì hết ngoài những người dân làng bị giết. Máu chảy khắp mọi nơi. Cả những lính Mỹ da trắng cả những lính Mỹ da đen đều bắn, giết. Họ bắn bửa những cái đầu làm đôi và rất nhiều lính Mỹ trên người dính những mảnh thịt. Họ đã giết của tôi một đứa con gái 24 tuổi và một đứa cháu nhỏ 4 tuổi.

Trung sĩ Micheal Bernhugh

Lính của Caley bắn như vãi đạn vào ngôi làng, nhưng chẳng thấy một ai bắn trả. Tôi có mặt ở đó đủ lâu để khẳng định như thế. Tôi đi tới trước và thấy những lính đó đang làm những chuyện kỳ lạ. Thứ nhất: Họ phóng hỏa những căn nhà chòi lá và chờ người trong đó chạy ra và bắn loạn xạ vào họ. Thứ hai: Họ đi thẳng vào các căn nhà và bắn chết người ở trong đó. Thứ ba: Họ gom người thành nhóm rồi bắn chết hết.

…Tôi thấy toán lính bắn một quả M-79 vào một nhóm người vẫn còn sống. Những việc bắn giết hầu như đã hoàn tất với một khẩu liên thanh. Họ bắn đàn bà và trẻ em cũng như mọi người khác

… Chúng tôi không bị tổn thất gì. Như bao ngôi làng khác ở Việt Nam, ở Mỹ Lai là những ông già, đàn bà và trẻ con. Tôi không nhớ mình có nhìn thấy một người đàn ông nào trong độ tuổi cầm súng được ở khắp ngôi làng đó, dù còn sống hay đã chết. Tù nhân duy nhất tôi thấy là một người cỡ 50 tuổi.

Herbert Carter, một lính Mỹ đã tự bắn vào chân để khỏi tham gia cuộc thảm sát:

Tôi thấy một cụ già đứng giữa ruộng lúa vẫy tay thân thiện. Nhưng lính Mỹ hạ sát ngay. Tôi chẳng thấy một Việt cộng nào cả, chỉ toàn những nông dân chạy ra khỏi túp lều, bị đốt và bị bắn chết.

Binh sĩ Paul David Meadl:

Có một ông già núp trong hầm trú ẩn. Ông ta ngồi co rúm lại trong đó. Một ông già rất già. Viên trung sĩ David Mitchell gào lên: "Giết nó đi!". Thế là một ai đó giết ông già.
Chúng tôi lùa đàn ông, đàn bà, trẻ sơ sinh ra giữa làng, một làng trơ trọi như một hòn đảo nhỏ. Trung úy Calley xông tới và nói: "Các người có biết phải làm gì với họ không"?. Rồi ông ta bắt đầu xả súng bắn họ và ông ta bảo tôi cũng phải bắn. Thế là tôi nhét bốn băng đạn vào khẩu súng M16 của tôi, có tất cả 68 viên và tôi bắn thẳng vào họ, tôi đã giết khoảng 10-15 người.

Jay Roberts, phụ trách thông tin của đại đội Charlie:

Có một tốp phụ nữ và một bé gái chừng 13 tuổi mặc bộ đồ màu đen bị dẫn tới. Một người lính giằng lấy cô bé trong khi những tên khác giữ chặt cô bé cho hắn tụt quần áo cô bé ra. Hắn bảo: "Hãy xem nó như thế nào nào!". Một tên nói: "Tao đang nóng đây!". Trong khi bọn họ giật bỏ quần áo cô bé, xung quanh tất cả bốc cháy: những căn nhà, những xác chết. Người mẹ của cô bé xông vào để bảo vệ đứa con. Thế là một tên lính đá bà ấy nhiều cú và một tên khác tát bà rất mạnh.

Họ chỉ dừng khi Haeberle, một phóng viên ảnh, chạy tới để chụp một kiểu ảnh. Họ cư xử như tất cả đó là chuyện bình thường. Rồi một tên nói: "Bây giờ chúng ta làm gì?". Một tên khác trả lời: "Giết nó đi!". Tôi quay mặt chỗ khác. Rồi tôi nhìn thấy những phụ nữ, cô bé và cả lũ trẻ con đều chết.

Những nhân chứng (có đến hơn 500 người) qua hơn 23.000 trang lời khai trước các ủy ban tòa án đã cùng vạch rõ một sự thật về vụ thảm sát. Phiên tòa xét xử trung úy W.Calley, người bị xem là thủ phạm chính thức, đã được gọi là "phiên tòa dài nhất, lớn nhất và đau đớn nhất cho nước Mỹ" trong thế kỷ XX này.

Ron Haeberle, phóng viên ảnh thuộc đại đội Charlie, người công bố những tấm hình này trên tờ Life hơn 1 năm sau vụ thảm sát:

Thấp thoáng một bóng phụ nữ, rồi cái đầu xuất hiện phía sau hàng rào. Đám lính hét lên rồi bắn vào cô ta và người phụ nữ ngã xuống bị móc vào một cái cọc. Thế là cái đầu của người phụ nữ ấy trở thành điểm ngắm, họ bắn vào cái đầu, có thể thấy xương sọ văng ra từng mảnh. Tôi không tin vào mắt mình nữa. Dọc con đường mòn chúng tôi gặp hai đứa trẻ: một đứa lên bốn và một đứa lên năm, tôi đoán vậy. Một người bắn vào đứa trẻ nhỏ hơn và đứa trẻ lớn hơn lao vào để che chở cho nó. Tên này nhả sáu phát đạn vào người thằng bé.

Sau đó chúng tôi gặp một người đàn ông với hai đứa trẻ khác, chúng bé tí xíu, một bé trai và một bé gái. Những tay súng nổ súng và cắt họ ra làm đôi. Đứa bé trai bị thương vào cánh tay và cẳng chân. Thằng bé nhào về phía chúng tôi trong sự thất đảm kinh hoàng, người nó đầy máu. Tôi quì gối để chụp ảnh thằng bé và một người lính cũng quì gối cạnh tôi để bắn nó. Phát đầu tiên hất ngửa thằng bé ra phía sau, phát thứ hai hất tung nó lên cao, đến phát thứ ba thằng bé rơi xuống.

Bắn xong tên này bỏ đi dửng dưng. Không có một chút biểu hiện nào trên bộ mặt của hắn ta, không có một chút thể hiện nào trên gương mặt của tất cả những người lính Mỹ. Họ phá hủy, giết hại với một vẻ hoàn toàn thản nhiên, với vẻ của người đang làm một công việc bình tâm".

  • Phương Loan (tổng hợp)

     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,