|
Thi thể những phụ nữ, trẻ em trên con đường vào Mỹ Lai sau vụ thảm sát (Ảnh AP) |
Vụ lính Mỹ giết chết dân thường tại Haditha, Iraq đã được coi là một ‘’Mỹ Lai hiện đại’’. Cái tên Mỹ Lai vừa là bằng cớ, vừa gợi nhớ tới tội ác kinh hoàng của quân đội Mỹ trong chiến tranh.
Ngày 16/3/1968, quân Mỹ dưới sự chỉ huy của William Calley đã đến chiếm đóng thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi với "cái cớ" tìm du kích Việt Cộng. Chỉ trong vài giờ, 504 người dân làng Sơn Mỹ đã bị lính Mỹ giết chết. Phụ nữ bị hãm hiếp, trẻ em và người già bị đàn áp tàn bạo.
Trong suốt một năm sau vụ việc, những hành động sát nhân và hãm hiếp của quân lính Mỹ đã bị che đậy. Những gì dư luận thế giới biết chủ yếu đến từ vụ xử trước tòa án binh viên trung uý William Calley trong các năm 1970/71. Ông ta là người duy nhất bị kết án phạm tội ở Mỹ Lai.
Nhưng vụ thảm sát này không chỉ đơn thuần là những hành vi của nhóm lính bất trị gây ra. Nó là một cuộc bắn giết được lên kế hoạch cẩn thận với mục tiêu giết càng nhiều càng tốt.
Những cuốn băng bị lãng quên
|
Người già và phụ nữ ở Mỹ Lai trước lúc bị lính Mỹ giết chết (Ảnh Getty Images) |
Giới truyền thông nói nhiều tới phiên toà xét xử Calley. Trước khi diễn ra phiên toà, quân đội Mỹ đã thực hiện cuộc điều tra toàn diện về sự kiện Mỹ Lai.
Cuộc điều tra mang tên “The Peers Inquiry” (theo tên tướng William Peers) nghe nhiều chứng cớ được giữ kín trong Lầu Năm Góc vào khoảng thời gian từ tháng 12/1969 - tháng 3/1970.
Trong vòng 14 tuần liền, William Peers và thành viên tổ điều tra đã ghi nhận lời khai của 403 nhân chứng: các quân nhân, sĩ quan chỉ huy, tuyên uý, nhà báo Mỹ và của cả người Việt. Lời khai của họ đề được ghi âm.
Khi vụ điều tra kết thúc vào ngày 15/3/1969, tất cả cuốn băng ghi âm đều được đóng gói, lưu giữ và lãng quên.
Năm 1987, những cuộn băng này được chuyển tới Cục lưu trữ quốc gia Mỹ và tiếp tục được cất giữ, không phân loại danh mục, không điều tra, không công bố - cho tới năm ngoái.
Tôi đã dành rất nhiều thời gian để lần theo dấu vết những cuốn băng này. Lần này lại lần khác, tôi được nói rằng chúng không tồn tại, nhưng sau rất nhiều cản trở, 48 giờ thu âm lời kể của các nhân chứng đã hiển hiện ra trước mắt tôi.
Một số nhân chứng là binh lính liên quan tới vụ thảm sát đã nói về tâm trạng của họ. ‘’Tôi phải nói rằng, đa số người trong đơn vị của tôi không coi người Việt là người...Một gã tóm ngay một cô gái và....Sau đó, họ bắn chết cả nhóm con gái đó khi đã... xong...", Dennis Bunning nói.
"Ngày đó không chỉ là ngày thảm sát, mà phải nói là ngày xoá sạch tất cả mọi người’’, Leonard Gonzales nói.
|
Người còn sống sót nhớ lại vụ thảm sát (Ảnh AP) |
Các cuốn băng trong cuộc điều tra "The Peers Inquiry" chứng minh rằng, lính Mỹ đã hiếp và giết hàng trăm thường dân không chỉ ở một làng mà trong ba ngôi làng ngày hôm đó (Mỹ Lai, Bình Tây và Mỹ Khê). Và không chỉ một đại đội, mà có hai đại đội dính líu vào vụ thảm sát là Bravo và Charlie. Sĩ quan chỉ huy cả hai đơn vị này đều ra lệnh cho lính của mình phải ‘’giết chết tất cả, không để ai sống sót’’.
Tướng Peers kết luận rằng, có 30 sĩ quan cấp cao đã ‘’vô trách nhiệm’’. Sau cuộc điều tra, có 14 sĩ quan bị buộc tội, nhưng duy nhất một người bị kết án là William Calley.
Tướng Peers cũng đề xuất những biện pháp huấn luyện quân nhân mới, các chỉ dẫn đối xử với dân thường trong chiến tranh và tiêu chuẩn lãnh đạo của sĩ quan. Đây là những vấn đề còn đầy tính thời sự cho Afghanistan và Iraq ngày hôm nay.
"Những cuốn băng Mỹ Lai’’ là thu âm của các bài học cách đây 40 năm tại Mỹ Lai, Bình Tây và Mỹ Khê - những bài học không thể nào quên…