Thế giới năm 2003 bị chia rẽ giữa một bên là các nước ủng hộ và một bên là những nước phản đối cuộc chiến Iraq. LHQ lúc đó đứng giữa. Gần 5 năm sau cuộc chiến Iraq, quan điểm của những nhân vật chủ chốt hiện giờ như thế nào sau khi đưa ra những lập luận quan trọng về chống và ủng hộ chiến tranh?
KOFI ANNAN
Ảnh BBC
Trước đây: Những tranh cãi về Iraq tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từng làm dấy lên nghi ngờ về vai trò của tổ chức này trong thế kỷ 21. Tổng thư ký Kofi Annan kêu gọi thỏa hiệp và đoàn kết trong vô vọng. Tuy nhiên, khi Pháp, Trung Quốc và Nga đe dọa phủ quyết một nghị quyết được Mỹ ủng hộ nhằm cho phép tấn công Iraq, nhà lãnh đạo này đã nhận thấy cái chết được báo trước. LHQ bắt đầu chuẩn bị cho hậu quả nhân đạo của cuộc chiến.
Trong những tháng đầu của cuộc xung đột, trụ sở chính của LHQ tại Baghdad bị đánh bom làm một quan chức cấp cao nhất ở đây của tổ chức này thiệt mạng. Ông Annan gọi cuộc tấn công đó là "ngày đen tối nhất trong cuộc sống chúng ta".
Tháng 9/2004, lần đầu tiên ông Annan thừa nhận quyết định đi tới chiến tranh mà không có nghị quyết thứ 2 của LHQ là bất hợp pháp. "Tôi đã nói rằng theo quan điểm của chúng ta việc làm đó là không tuân thủ Hiến chương LHQ - và theo quan điểm từ Hiến chương, việc làm đó là bất hợp pháp".
Sau này: Trong bài phát biểu cuối cùng trên cương vị lãnh đạo LHQ, vào cuối năm 2006, Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan lại một lần nữa chỉ trích hành động đơn phương của Mỹ. Ông tuyên bố: "Không quốc gia nào có thể làm mình an toàn bằng cách áp đặt uy quyền lên những nước khác".
JOSE MARIA AZNAR
Trước đây: Việc Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Maria Aznar ủng hộ chiến tranh Iraq đã đánh dấu sự thay đổi trong quan hệ giữa EU với Mỹ. Trong quá trình chuẩn bị chiến tranh Iraq, lãnh đạo Tây Ban Nha - nước thành viên HĐBA Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Aznar đã sát cánh với các nhà lãnh đạo Anh và Mỹ thay vì Pháp và Đức.
"Không có gì nguy hiểm hơn một lãnh đạo chính trị, người xây lâu đài trên không và tôi tin rằng các lãnh đạo chính trị, những người tạo nên hy vọng giả tạo, không nhìn thẳng vào thế giới như nó vốn có, sẽ gặt hái thất bại". Ông Aznar tuyên bố sau cuộc hội đàm với Tổng thống Bush hồi tháng 2/2003. Tháng tiếp đó, vị thủ tướng này tham gia hội nghị thượng đỉnh tiền chiến tranh với Tổng thống Bush và Thủ tướng Blair tại Azores. Các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra vào tháng 8 khi Tây Ban Nha đưa quân tới Iraq.
Sau này: Năm 2007, ông Aznar (bị đánh bại trong cuộc bầu cử năm 2004) thừa nhận rằng ông đã đánh giá quá mức mối đe dọa mà Saddam Hussein đặt ra. "Cả thế giới nghĩ rằng Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng họ không có, lúc này tôi đã biết điều đó. Khi tôi không biết, liệu có ai biết được không?".
TONY BLAIR
Trước đây: Quyết định ủng hộ chiến tranh với lý do đó là cách duy nhất để thoát khỏi vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã định rõ thời kỳ ông nắm quyền. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Anh ngày 18/3/2003, nhà lãnh đạo này lập luận rằng "vũ điệu ngoại giao của Saddam Hussein" có nghĩa mối đe dọa chỉ có hiệu lực nếu được hỗ trợ bằng vũ lực.
Quyết định ủng hộ chiến tranh của ông Blair được Quốc hội Anh ủng hộ nhưng nó cũng tạo nên sự phản đối lớn chưa từng có của Quốc hội đối với chính phủ và khiến 3 bộ trưởng phải từ chức.
Sau này: Ông Blair thừa nhận rằng những thông tin tình báo mà ông dựa vào đó để đi tới việc ủng hộ chiến tranh Iraq là không đúng. Tuy nhiên, ông không xin lỗi. Năm 2006, nhân vật nổi tiếng này thừa nhận ông đã phải đấu tranh lương tâm về quyết định đi tới chiến tranh và ông sẽ được Chúa trời và lịch sử phán quyết.
Một năm sau, Thủ tướng Blair nói với tờ The Times: "Nếu có một điều gì đó mà tôi hối tiếc là không trình bày với người dân theo một cách rõ ràng hơn về những gì mà tôi coi là một cuộc đấu tranh sâu sắc".
HANS BLIX
Trước đây: Là lãnh đạo nhóm thanh sát vũ khí LHQ tại Iraq, ông Hans Blix - một người thực tế và điềm tĩnh, đã vô số lần kêu gọi trong vô vọng rằng cần thêm thời gian để kiểm tra xem Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) hay không.
Sự tức giận của ông về việc quân đội can thiệp vào Iraq đã bùng nổ chỉ ngay sau khi các đợt không kích Iraq bắt đầu. Trong một loạt cuộc tấn công nhằm vào Mỹ và Anh, ông Blix buộc tội hai nước này đã hoạch định chiến tranh kỹ càng từ trước khi kết quả công việc của ông được công bố, cường điệu hóa mối đe dọa từ WMD nhằm hợp pháp hóa chiến dịch của mình.
"Có bằng chứng cho thấy, cuộc chiến đã được hoạch định rất kỹ từ trước. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về quan điểm của họ với các thanh tra vũ khí", ông Blix nói với báo El Pais của Tây Ban Nha hồi tháng 4/2003.
Sau này: Một năm sau, ông so sánh quan điểm của Mỹ trong việc truy tìm WMD với "truy tìm phù thủy" và nói Mỹ đã dựng lên "một tượng đài", "một sự hổ thẹn" về những sai sót tình báo. Năm 2007, ông Blix nói: "Tôi cho rằng tất cả mọi thứ ở Iraq sau cuộc chiến là một thảm họa. Điều tích cực duy nhất có lẽ là sự biến mất của Saddam Hussein".
GEORGE W BUSH
Trước đây: Tổng thống Mỹ nói có 3 lý do để đi tới một cuộc chiến chống Iraq. Đó là: Giải trừ vũ khí WMD của nước này, chấm dứt sự ủng hộ của Saddam Hussein với khủng bố và giải thoát cho nhân dân Iraq. "Sự kiện ngày 11/9/2001 cho thấy những gì mà kẻ thù của nước Mỹ làm với 4 chiếc máy bay. Chúng tôi không ngồi chờ xem bọn khủng bố và những quốc gia khủng bố có thể làm gì với vũ khí hủy diệt hàng loạt", nhà lãnh đạo này tuyên bố như vậy vào tháng 3/2003.
Ba năm sau, Tổng thống Bush dường như đã sẵn sàng thừa nhận tình hình ở Iraq có thể so sánh với cuộc chiến ở Việt Nam trước đây nhưng ông vẫn tiếp tục mô tả đó là chiến trường mới nhất trong cuộc chiến chống khủng bố. Tháng 1/2007, ông tuyên bố bổ sung thêm 20.000 quân để tăng cường an ninh ở các khu vực mất trật tự quanh thủ đô Baghdad.
Sau này: Bất chấp việc chính quyền thừa nhận sai lầm về mặt tình báo, Tổng thống Bush vẫn trước sau như một, bảo vệ quyết định tiến hành chiến tranh. Tháng 3/2008, ông Bush nói: "Quyết định lật đổ Saddam Hussein là quyết định đúng đắn trong thời gian đầu nắm quyền của tôi. Nó là quyết định đúng trong thời gian tôi làm tổng thống. Nó sẽ mãi là một quyết định đúng".
SERGEI LAVROV
Trước đây: Đại sứ Nga tại LHQ là một trong những tiếng nói chính cho lập trường phản đối của Nga đối với đề xuất can thiệp bằng quân sự vào Iraq của Mỹ. "Nga chưa bao giờ coi chiến tranh là công cụ đúng đắn để giải quyết vấn đề Iraq", ông nói. Nga cùng với Pháp phản đối ý tưởng về một nghị quyết thứ hai của LHQ nhằm phê chuẩn việc sử dụng vũ lực với Iraq. Trong một bài phát biểu vài ngày sau khi chiến tranh bùng nổ, ông Lavrov gọi hành động quân sự là vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Sự bất bình của Nga về chiến tranh cộng thêm rạn nứt ngoại giao giữa Nga và Mỹ thúc đẩy một cuộc hội đàm về thời Chiến tranh Lạnh mới. Các nhà chỉ trích nói rằng Nga phản đối chiến tranh Iraq chẳng qua là do lợi ích về dầu mỏ tại Iraq.
Sau này: 5 năm tiếp theo, với tư cách là Ngoại trưởng Nga, ông Lavrov tiếp tục cho rằng cuộc xung đột đe dọa sự bình ổn của những nước láng giềng Iraq lẫn cả khu vực. Ông Lavrov tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế rút quân và quân đội Iraq nên nhận trách nhiệm đảm bảo an ninh.
COLIN POWELL
Trước đây: Cựu Ngoại trưởng Mỹ đã đệ trình những bằng chứng chi tiết và gây tranh cãi để phát động cuộc chiến chống Iraq tại LHQ vào tháng 2/2003. Ông Powell đã đưa ra các bức ảnh vệ tinh, các đoạn đối thoại giữa quan chức Iraq khi khẳng định chính quyền Saddam Hussein che giấu WMD. "Hàng loạt nguồn tin cho thấy người Iraq đang di chuyển, không chỉ là tài liệu mà cả các thiết bị quân sự, vũ khí hủy diệt hàng loạt để che giấu con mắt các thanh tra vũ khí".
Đây là bài phát biểu sẽ ám ảnh ông Powell. Một năm sau đó, ông Powell thừa nhận, một số thông tin về việc Iraq có các phòng thí nghiệm di động để chế tạo vũ khí sinh học có vẻ "không vững chắc". Tháng 9/2005, hơn một năm sau khi từ chức Bộ trưởng Ngoại giao, ông mô tả bài phát biểu của mình "như một điểm yếu" trong những năm tháng làm ngoại giao.
Sau này: Năm 2007, cựu ngoại trưởng này cho biết, ông đã cố khuyên can Tổng thống Bush không can thiệp vào Iraq bằng quân sự. "Tôi đã cố tránh cuộc chiến này. Tôi đã nói với TT Bush về hậu quả của việc này đối với một quốc gia Ảrập".
DOMINIQUE DE VILLEPIN
Trước đây: Cựu Ngoại trưởng Dominique de Villepin đã dẫn dắt lập trường phản đối chiến tranh Iraq của nước Pháp, ông đã ngăn chặn thành công nghị quyết thứ 2 của LHQ do Mỹ và Anh đề xuất. Trong bài phát biểu tại HĐBA LHQ ngày 14/2/2003, ông Villepin đã mạnh mẽ bảo vệ tiến trình ngoại giao. "Chiến tranh có lẽ là cách nhanh nhất nhưng chúng ta đừng quên rằng sau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến này chúng ta phải kiến tạo hòa bình".
Pháp đe dọa sẽ dùng quyền phủ quyết để chống lại nghị quyết thứ 2 của LHQ. Thông báo này cộng với việc Pháp phản đối một loạt đề xuất giải trừ vũ khí của Anh đã khiến ông Villepin bị cáo buộc làm hỏng tiến trình tương tự mà ông đang muốn bảo vệ.
Giữ một vai trò nổi bật về chống chiến tranh Iraq, nên ông Villepin được khá nhiều người dân Pháp ủng hộ và điều đó đã giúp ông lên tới chức Thủ tướng Pháp, nhiệm kỳ 2005-2007.
-
Hoài Linh (Theo BBC)