Số quân nhân Mỹ thiệt mạng tại Iraq kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến chống chính quyền Saddam Hussein cách đây 5 năm đã lên tới ít nhất là 4.000 người.
Nhóm lính mới nhất thiệt mạng là 4 binh sĩ tử nạn vì bom vệ đường ở nam Baghdad hôm qua. Như vậy, tổng số quân nhân Mỹ bỏ mạng tại Iraq là 4.000 người, gồm cả 8 nhân viên Bộ Quốc phòng, thống kê của một website độc lập icasualties.org cho thấy.
Lính Mỹ tại Iraq (AP)
Dấu mốc mới này được ghi vào hôm 23/3 - ngày mà tên lửa và đạn cối liên tiếp nã vào Vùng Xanh, khu vực có đại sứ quán Mỹ, Anh và nhiều văn phòng chính phủ Iraq được quân Mỹ bảo vệ kỹ càng.
Những vụ tấn công vào Vùng Xanh là một phần của bạo lực đang tăng mạnh ở thủ đô Baghdad và thành phố phía bắc Mosul và nó nhấn mạnh thêm cảnh báo của các tư lệnh quân đội Mỹ rằng tình hình an ninh mới có được ở Iraq vẫn mong manh và có thể bị đảo lộn.
Mỗi khi dấu mốc - thêm 1.000 lính Mỹ thiệt mạng, được ghi thì thường có những sự kiện quan trọng xảy ra.
Tháng 9/2004, khi tổng số lính Mỹ thiệt mạng tại Iraq lên tới 1.000, phong trào nổi dậy tại quốc gia vùng Vịnh có những bước tiến mới. Dấu mốc 2.000 lính Mỹ bỏ mạng được đánh dấu vào tháng 10/2005 khi người Iraq bỏ phiếu về hiến pháp mới. Tới những ngày cuối cùng của năm 2006, ngày mà Saddam Hussein bị treo cổ và chấm dứt một năm bạo lực bè phái lan tràn tại Iraq, Lầu Năm Góc công bố đã có 3.000 quân nhân Mỹ bỏ mạng. Và hiện giờ, chỉ ít ngày sau khi cuộc chiến Iraq tròn 5 năm, số lính Mỹ tử trận tại Iraq lên tới dấu mốc mới 4.000.
Ảnh hưởng của những dấu mốc này đối với công chúng - vốn đã mệt mỏi với cuộc chiến Iraq, và chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ sẽ khó mà đánh giá được trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, các nhà chỉ trích nhận định rằng dấu mốc trên có thể dùng cho việc thúc đẩy kế hoạch rút quân khỏi Iraq.
TIN LIÊN QUAN
Anthony Cordesman, một nhà phân tích tình hình Iraq có tiếng tại Trung tâm nghiên cứu và chiến lược quốc tế tại Washington nhận định, con số 4.000 quân nhân thiệt mạng sẽ tạo nên "làn sóng mới về các cuộc tranh cãi phân cực". "Ai phản đối chiến tranh sẽ coi đây là lý do mới để chấm dứt cuộc chiến. Ai ủng hộ chiến tranh sẽ chỉ ra rằng đã có những bước tiến mới về quân sự và số thương vong trong tương lai sẽ thấp hơn".
Hiện nay, dù người Mỹ quan tâm hơn tới những vấn đề kinh tế trong nước thì cuộc chiến Iraq vẫn là vấn đề trung tâm trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, với 2 ứng viên đảng Dân chủ là Hillary và Obama đều kêu gọi đưa ra lịch trình cho việc rút quân sớm.
Trong bài phát biểu đánh dấu 5 năm cuộc chiến Iraq hôm 19/3, Tổng thống Bush nói rằng nước Mỹ đang trên đà thắng lợi và việc rút 160.000 quân hiện nay tại Iraq sẽ khuyến khích Al Qaeda tiếp tục các vụ khủng bố và Iran theo đuổi chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân.
-
Hoài Linh (Theo BBC, AP, Reuters)