Bạn có thể bỏ lỡ một bài viết đăng trên New York Times thứ Bảy tuần trước với tiêu đề: "Giá gạo ở mức cao tạo ra quan ngại bất ổn ở châu Á". Câu chuyện này sẽ là một lời cảnh báo sớm về một vấn đề kinh tế lớn lao khác đang lặng lẽ tới bên chúng ta.
Giá lương thực trên thế giới gia tăng từng ngày. (Ảnh opednews)
Nguy cơ mới là lạm phát toàn cầu - phần lớn là do tăng giá lương thực, nhưng cũng còn do giá cả leo thang ở ngành hàng hóa, nguyên vật liệu thôi và các sản phẩm sử dụng dầu mỏ. Giá các mặt hàng này đang ở mức cao ngất ngưởng trên thị trường quốc tế, cùng thời điểm này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ và nhiều ngân hàng trung ương khác vẫn tiếp tục bơm tiền ra thị trường với nỗ lực ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính.
Đó là một sự bùng nổ lẫn lộn. Nguy cơ lạm phát cao sẽ tạo sự hoảng sợ trong việc mua bán tích trữ và thậm chí khơi mào cho các bất ổn chính trị. Trên thực tế, lạm phát cao đã và đang xảy ra ở châu Á (theo Times).
Giá gạo trên thị trường toàn cầu đã tăng gần gấp đôi trong ba tháng qua, phóng viên Keith Bradsher của Times cho biết. Lo ngại khả năng thiếu gạo dự trữ và để kiềm chế lạm phát, một số nhà sản xuất và xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam, Ấn Độ, Ai Cập và Campuchia đã nhanh chóng hạn chế lượng gạo xuất khẩu để đảm bảo đủ nguồn cung cho chính người dân trong nước.
Bradsher đã tổng kết những minh chứng về việc thiếu lương thực và lạm phát dẫn tới bất ổn chính trị: "Kể từ tháng 1, hàng nghìn binh lính đã được triển khai ở Pakistan để bảo vệ các xe tải chở lúa mỳ và bột mỳ. Biểu tình nổ ra ở Indonesia vì thiếu đậu tương, Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp kiểm soát giá dầu ăn, lúa gạo, thịt, sữa và trứng. Những vụ lộn xộn, nổi loạn do lương thực đã xảy ra trong vài tháng gần đây ở khắp Guinea, Mauritania, Mexico, Morocco, Senegal, Uzbekistan và Yemen".
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick đã rung hồi chuông báo động trong một bài phát biểu hôm 2/4. Ông nhấn mạnh, kể từ năm 2005, giá cả các mặt hàng chủ lực tăng tới 80%. Giá gạo thực tế tăng ở mức cao nhất trong 19 năm vào tháng trước, giá lúa mỳ thực tế đạt kỷ lục cao nhất trong 28 năm.
Ông Zoellick cảnh báo, tình hình lạm phát đang tác động trở lại với chính trị: "Nhóm Ngân hàng thế giới ước tính 33 nước trên toàn cầu sẽ phải đối mặt với những bất ổn chính trị và xã hội vì giá lương thực và năng lượng tăng cao", ông nói. Để đối phó với tình trạng kinh tế bấp bênh, ông Zoellick đưa ra một đề xuất rằng, các quốc gia có khả năng thặng dư như Ảrập Xêút và Trung Quốc, trích 1% trong ngân quỹ quốc gia, để đầu tư cho những nước nghèo tại châu Phi.
Bây giờ bàn tới chuyện cắt giảm tỉ lệ lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Vào thời điểm khi lạm phát toàn cầu tăng chóng mặt, bạn có thể mong chờ vào việc các ngân hàng trung ương ưu tiên cho chống lạm phát. Tuy nhiên, do lo lắng về sự suy thoái tài chính, FED lại làm điều ngược lại: cắt giảm lãi suất liên tục trong nỗ lực tháo gỡ các khó khăn trên thị trường tài chính. Kế hoạch của FED trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở có thể tiếp dầu cho đám lửa lạm phát.
Đề cập việc này với Richard W. Fisher, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Dallas, ông tỏ ý phản đối hai lần cắt giảm gần đây nhất. Ông cho rằng, nó có thể đẩy nhanh lạm phát mà không thể tháo gỡ mớ bòng bong trên thị trường tài chính. Theo ông Fisher, sự bùng nổ kinh tế ở châu Á đã tạo ra một thế hệ "thúc đẩy lạm phát" với 3 tỉ người mới tham gia vào kinh tế toàn cầu, những người "muốn ăn như bạn, mặc như bạn, giống như bạn".
Ông khẳng định: "Chúng ta không thể điều tiết lạm phát. Nếu chúng ta nắm bắt nó, nó sẽ thay đổi cách hành xử của mọi người. Điều này không tốt cho giới đầu tư, cho lực lượng lao động, cho những người gửi tiết kiệm, cho người có nguồn thu nhập cố định".
Ông Fisher cảnh báo, chỉ số giá tiêu dùng của FED đã tăng tới "mức lo lắng" là 3,7% trong 12 tháng (kết thúc vào tháng 1) vừa qua. Các con số mới nhất của EU cũng cho thấy, lạm phát tại khu vực này đã tăng ở mức 3,5% hàng năm trong tháng 3 - mức cao nhất kể từ khi chỉ số này ra đời năm 1997.
"Bạn không thể chỉ tính đến bối cạnh trong nước xung quanh việc tăng giá dầu, giá thép hay giá giày dép quần áo", ông Fisher nói trong một bài phát biểu tháng trước ở London. Vì lý do này, ông nói tiếp "chúng ta không thể, theo quan điểm của tôi, tự tin nghĩ rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ thấp hơn sẽ kiềm chế được lạm phát".
Một số người lái xe tải độc lập ở Pennsylvania, New Jersey và một số bang khác đã biểu tình phản đối giá dầu tăng cao trong tuần này. Những gì họ làm liệu có tương tự với người mua đậu tương ở Indonesia, mua mỳ ống tại Italia?
-
Kỳ Thư (Theo Washington Post)