Hôm 17/4, lần đầu tiên Mỹ đã thừa nhận đang giảm bớt các yêu cầu đối với Triều Tiên nhằm phá vỡ bế tắc về việc đóng cửa chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Cố vấn an ninh Dennis Wilder của Mỹ về châu Á nói rằng Triều Tiên ’’không thoát khỏi trách nhiệm’’ tuyên bố đầy đủ các chương trình hạt nhân, song các vấn đề giải trừ sẽ ’’được giải quyết theo một cách khác biệt’’.
Ngoại trưởng Mỹ Rice
Ngoại trưởng Mỹ Rice cũng ngụ ý rằng toàn bộ tuyên bố mà Triều Tiên lỡ hạn có lẽ không được công khai, rõ ràng là nhượng bộ Bình Nhưỡng. Bà Rice cũng ám chỉ rằng các lệnh cấm vận của Mỹ chống Triều Tiên có thể được dỡ bỏ trước khi các chương trình hoặc các hoạt động phổ biến hạt nhân của nước này được thẩm tra một cách độc lập. ’’Việc thẩm tra có thể mất thời gian’’, bà nói với báo giới.
Trong nhiều tháng qua, Washington muốn Triều Tiên tuyên bố chi tiết mọi hoạt động hạt nhân, đặc biệt là một chương trình làm giàu uranium bí mật và việc phổ biến hạt nhân cho Syria. Tuyên bố chi tiết các hoạt động hạt nhân là giai đoạn giải trừ tiếp theo mà Triều Tiên phải hoàn tất vào ngày 31/12/2007, theo một thỏa thuận hồi tháng 2/2007 giữa Nga, Trung Quốc, hai miền Triều Tiên, Nhật Bản và Mỹ. Triều Tiên nói rằng đã trao cho Mỹ danh sách các chương trình hạt nhân hồi tháng 11 song Washington nói rằng tuyên bố đó vẫn chưa đầy đủ.
Theo thỏa thuận tháng 2/2007, Triều Tiên đã bắt đầu đóng cửa nhà máy hạt nhân chính để đổi lấy viện trợ năng lượng và các nhượng bộ về ngoại giao và an ninh. Những nhượng bộ này bao gồm cả việc loại Triều Tiên khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố và Triều Tiên đang thúc Mỹ làm điều đó. Chính quyền Bush muốn việc giải trừ hạt nhân kết thúc trước khi ông Bush rời Nhà Trắng vào tháng 1/2009.
Hôm 16/4, Mỹ nói rằng đang hợp tác với các nước để lập một cơ chế mới giám sát mọi tuyên bố hạt nhân của Triều Tiên. Tuyên bố về biện pháp giám sát mới này được đưa ra khi các chuyên gia chỉ trích mạnh mẽ một thỏa thuận hồi đầu tháng giữa các phái viên Mỹ và Triều Tiên. Bà Rice đã phủ nhận sự tồn tại của một thỏa thuận như vậy.
Hôm 17/4, trưởng phái đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc, Kim Sook, nói rằng các cuộc đàm phán giải trừ với Bình Nhương ’’đang bước vào giai đoạn quan trọng. Chúng tôi đang thúc đẩy việc nối lại các cuộc đàm phán sáu bên ngay khi Triều Tiên đệ trình tuyên bố về các hoạt động hạt nhân. Các bên tham gia đã nhất trí với ý kiến này’’.
Hy vọng phá vỡ bế tắc về giải trừ hạt nhân Triều Tiên xuất hiện khi trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Christopher Hill và người đồng cấp Triều Tiên Kim Kye-Gwan gặp nhau ở Singapore để thảo luận về cách thức Triều Tiên tuyên bố các chương trình hạt nhân của nước này hồi đầu tuần. Nếu Triều Tiên làm điều đó, các bên có thể tiếp tục thực hiện giai đoạn giải trừ cuối cùng.,
-
Minh Sơn (theo AFP, AP)