Các cuộc họp hồi cuối tuần trước của Quỹ tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đều dưới sự chủ trì của hai nhà lãnh đạo mới Dominique Strauss-Kahn của Pháp và Robert Zoellick (Mỹ). Tâm điểm cuộc họp là vấn đề thiếu thốn và tăng giá lương thực thế giới, một thực tế không được hoan nghênh khi cuộc khủng hoảng tín dụng đang lan rộng và các bộ trưởng tài chính phương Tây ngày càng chịu nhiều sức ép.
Khủng hoảng lương thực, bắt đầu từ gạo - nguồn thức ăn chính ở hầu hết châu Á - tăng tới 75% trong hai tháng, và bột mỳ - chiếm phần lớn trong thực đơn các nước phương Tây - tăng 120% so với một năm trước. Nguy cơ thiếu ăn đang xảy ra ở nhiều quốc gia.
Ảnh food-force
Ngân hàng thế giới ước tính, 100 triệu người sẽ bị đẩy tới bờ vực đói nghèo, các cuộc bạo động lương thực xảy ra ở khắp Ai Cập, Haiti và nhiều nơi khác. Vì thế, đã xuất hiện đề xuất thành lập các quỹ mới để hỗ trợ cho những chương trình trợ giúp lương thực.
Lời giải thích thông thường cho cơn bão giá là tình trạng gia tăng dân số, việc dùng ngũ cốc và đậu tương để sản xuất nhiên liệu sinh học, nhu cầu lương thực giá trị cao tại châu Á và Trung Đông, chi phí vận chuyển cao và mùa màng thất bát. Ít ai nói tới vai trò của đầu cơ trong việc tăng giá hàng hóa nói chung và trong lương thực nói riêng.
Trên thị trường Chicago CME Group - giao dịch khoảng 25 loại hàng hóa nông nghiệp - vốn là tổ chức sáp nhập giữa sàn giao dịch Chicago và ủy ban thương mại Chicago Board - số hợp đồng có được tăng 20% bắt đầu từ năm nay và hiện nay đạt mức 1 triệu hợp đồng/ngày. Mức tăng trưởng này sẽ sớm vượt qua tốc độ gia tăng của cả năm 2007.
Các quỹ dự phòng hiện đang tích cực thu gom hàng hóa và tìm kiếm những hợp đồng trong tương lai, nhằm đạt được hơn 30 triệu tấn đậu tương cho các hợp đồng phân phối giao sau mỗi ngày. Họ cũng đang tiến hành thỏa thuận và mua cả những công ty dự trữ lương thực, thực phẩm.
Có nhiều tranh cãi rằng, sự đầu cơ này không quan trọng vì các nhà đầu cơ tương lai sẽ không bao giờ nắm giữ mạng lưới phân phối; nhưng đây chính xác là một vấn đề. Đó là vì sao, kiểu đầu cơ này bị xem là phá hoại thị trường thực tế.
Việc mua bán các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp giao sau theo hình thức cổ điển đồng nghĩa với một nhóm các nhà giao dịch muốn ổn định giá cả hàng hóa trong tương lai và đảm bảo cho người nông dân có nguồn tài chính thông qua việc bán các sản phẩm giao sau.
Việc đầu cơ không có mục đích nào khác hơn là mang lại lợi nhuận cho nhà đầu cơ, những người nắm giữ các hợp đồng để đẩy giá hiện tại với tham vọng không chỉ bán hàng hóa trên thị trường giao sau thực tế, mà còn là tung lượng hàng họ nắm giữ ra thị trường tăng giả tạo, và thiệt hại cuối cùng thuộc về người tiêu dùng. Thậm chí tới cả người dân nói chung bây giờ cũng có thể tham gia trò chơi đầu cơ, khi hầu hết ngân hàng đều có quỹ đầu tư đặc biệt trong lĩnh vực kim loại, dầu và gần đây nhất là sản phẩm lương thực.
Có một thực tế đáng ngạc nhiên là hiện tại hầu hết cơ quan tài chính và nhà quản lý chính sách chính phủ làm rất ít nhằm kiểm soát hay ngăn chặn đầu cơ. Câu chuyện về sự độ lượng và tính công bằng của thị trường đang được thể hiện với mọi bằng chứng trái ngược.
Hội đồng Nghiên cứu Khoa học xã hội tại New York - đã đưa ra nghiên cứu của một nhà phân tích về tăng trưởng ở Mỹ Latin với những minh chứng cho các chính sách thân thiện với thị trường. Tác giả là Dani Rodrik của trường Kennedy tại Harvard.
Kết luận cho những phân tích của tác giả là các quốc gia Mỹ Latin đã áp dụng chương trình ’’Đồng thuận Washington’’ một cách công thức và máy móc. Rodrik cho rằng, trong giai đoạn 1960-1980, trước khi áp dụng công thức Đồng thuận Washington, Mỹ Latin có mức tăng trưởng chưa bằng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nhưng lại gấp đôi các quốc gia Nam Á.
Trong giai đoạn 1980-1990, khi bắt đầu áp dụng chính sách Đồng thuận Washington, mức tăng trưởng của Mỹ Latin là -0,8%. Đông Á và Thái Bình Dương có mức tăng trưởng trung bình 5,6%, Nam Á là 3,3%.
Giữa 1990 và 2000, tăng trưởng Mỹ Latin là 1%, Nam Á là 3,3% và Đông Á-Thái Bình Dương là 6,4%.
Những quốc gia Mỹ Latin nào hưởng lợi nhiều nhất từ toàn cầu hóa? Argentina, Bolivia, Brazil, Chile, El Salvador, Mexico và Uruguay. Họ đều áp dụng ác chính sách ’’phi chuẩn’’, và tất cả đều phát triển nhanh hơn các nước Mỹ Latin khác, cũng như tăng trưởng nhanh hơn cả Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam.
Tất cả đều có sự đầu tư hướng nội lớn hơn và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, mặc dù IMF-World Bank không tán thành các biện pháp của họ. Các chính sách của họ khá đa dạng và tùy thuộc vào sự chọn lựa khác nhau của mỗi nước, nhưng đều thể hiện rõ là, họ biết hơn ai hết những gì họ cần để phát triển kinh tế. Và Rodrik kết luận, những lời khuyên như ’’tư nhân hóa, tự do hóa và ổn định’’ không phải là tất cả; chúng ta cần biết và nắm rõ địa thế, vị thế, văn hóa, chính trị và kinh tế của từng quốc gia.
(Đồng thuận Washington (Washington consensus) là chính sách tự do hóa thị trường và xóa bỏ mọi biện pháp điều tiết của nhà nước, do một số tổ chức tài chính quốc tế cùng với Cục Dự trữ liên bang Mỹ đề ra).
- Kỳ Thư (Theo IHT)