Shamsuddin, vợ và ba đứa con ngồi chéo chân trên sàn nhà giữa một đống quần áo rách, chấm bánh mỳ vào chiếc đĩa nhỏ đựng đậu và hành.
Với chút dưa chuột làm rau, bữa trưa này của họ có giá gần bằng bữa ăn của cả ngày, một người đàn ông vẻ đầy mệt mỏi nói. Mỗi ngày anh kiếm được gần 2 USD bằng việc bán rau từ chiếc xe đẩy cũ.
Bữa ăn của một gia đình nghèo tại Afghanistan (Ảnh AFP)
"Bữa ăn tiếp theo thế nào, tôi không biết nữa, tôi không có tiền. Những gì tôi có thể làm là đi ngủ để qua cơn đói’’, một người sống trong căn lều ở khu trại tị nạn thuộc ngoại ô Kabul từ năm năm nay, cất tiếng hỏi.
Shamsuddin là một trong hàng triệu người đang phải vật lộn để tồn tại trong đất nước bị chiến tranh tàn phá như Afghanistan, một quốc gia nghèo nhất thế giới với tỉ lệ thất nghiệp là 40%, hơn nửa dân số sống trong cảnh nghèo đói.
Nhưng, cảnh khổ của họ chưa phải đã chấm dứt, những người khốn cùng nhất ấy lại tiếp tục bị tổn thương bởi cơn bão giá lương thực toàn cầu khiến giá lương thực tăng gần gấp đôi trong vòng ba năm qua.
Lạm phát tại Afghanistan đạt mức 22% trong tháng 2, lương thực tăng giá 30% (cùng kỳ năm 2007, con số này vào khoảng 5%).
Shamsuddin cho hay, sáu tháng trước đây, bữa trưa đơn giản của gia đình anh có giá bằng nửa hiện tại. ’’Tất cả mọi thứ đều trở nên đắt đỏ, từ rau đến dầu ăn và bánh mỳ’’, anh nói.
Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), giá bột mỳ, nguồn nguyên liệu chính để làm bánh mỳ - thứ không thể thiếu trong bữa ăn của tất cả người dân Afghanistan đã tăng 50-100% trong vài tháng nay tùy theo các vùng khác nhau.
"Hàng triệu người Afghanistan dành tới 70% thu nhập cho việc mua lương thực, giá lương thực tăng đã khiến họ không thể tiếp cận được với những loại hàng hóa tối cần thiết cho cuộc sống’’, Giám đốc WFP tại châu Á Anthony Banbury nói.
Fatema, người sống cùng năm đứa con trong trại tị nạn nói rằng, gia đình cô thường xuyên trong cảnh thiếu đói. "Giá cả leo thang và chúng tôi không thể thường xuyên có đủ ba bữa ăn/ngày’’, cô cho biết. Gia đình cô tới khu tị nạn từ sáu tháng nay sau khi một trận lũ lụt quét qua ngôi làng họ ở tại tỉnh Badakhshan.
Những gia đình có điều kiện hơn cũng buộc phải có sự thay đổi. "Chúng tôi thường ăn hoa quả mỗi ngày, bây giờ, chúng tôi chỉ có thể mua hoa quả hai đến ba lần/tuần’’, Mohammad Akram, người kiếm được 500-800 USD/tháng bằng việc kinh doanh điện thoại di động, cho biết. Anh cũng giảm một nửa chi phí vào việc mua quần áo cho các thành viên trong gia đình.
Mohammad Khalid, người làm hai việc với thu nhập khoảng 200 USD/tháng nói, gia đình anh buộc phải tìm tới gạo để thay thế bánh mỳ. "Tôi không thể mua nổi bột mỳ, nên phải chuyển sang gạo’’, anh giải thích về chiếc bao tải đựng chừng 50kg gạo mới mua về. Mặc dù, so với bột mỳ, gạo cũng chỉ rẻ hơn vài USD.
Afghanistan có nền nông nghiệp không phát triển mạnh do khô hạn, những bất ổn trong viện trợ quốc tế kể từ khi chính quyền Taliban sụp đổ năm 2001 - nay đã không thể đáp ứng đủ nhu cầu bột mỳ cần thiết trong nước.
Thậm chí, trong một năm khả quan, thì lượng thiếu hụt ngũ cốc của nước này cũng vào khoảng hơn 500.000 tấn (theo WFP). Năm 2006, khô hạn đã đẩy con số này lên tới 1,2 triệu tấn.
Ahmad Shafaee, một quan chức Bộ Nông nghiệp Afghanistan, nói, lượng mưa sụt giảm khiến sản lượng lương thực nội địa cũng mất chừng30%. Quốc gia láng giềng Pakistan là nguồn cung cấp lương thực chính cho Afghanistan nhưng đầu năm nay đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu bột mỳ vào nước này.
WFP khẳng định, lệnh cấm đồng nghĩa với việc tổ chức này không thể viện trợ đủ lương thực cho người dân Afghanistan (khoảng 6 triệu người cần viện trợ trong năm nay), WFP đang đàm phán với Islamabad về ’’những nỗ lực nhân đạo’’ với người dân Afghanistan.
Trong khi đó, chính phủ Afghanistan đã chi riêng 50 triệu USD để mua bột mỳ khi Bộ trưởng Thương mại Mohammad Amin Farhang có chuyến công du tới Kazakhstan tuần này ký kết thỏa thuận.
Lương thực theo đó sẽ được phân phát với giá trợ cấp cho người nghèo. Ông Banbury cho rằng, thảm họa nhân đạo có thể tránh được nhưng ’’chúng ta cần làm đủ phần việc của chúng ta. Nó sẽ không dễ dàng, sẽ mất nhiều chi phí và công sức để thực hiện nhiều việc hơn nữa’’, ông nói.
-
Kỳ Thư (Theo AFP)