221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1068911
Mảng tối bên trong cơ quan Mật vụ Mỹ
1
Article
null
Mảng tối bên trong cơ quan Mật vụ Mỹ
,

Mật vụ Mỹ - cơ quan chuyên bảo vệ tổng thống và những quan chức cấp cao trong chính quyền nước này, hiện đang đối mặt với cáo buộc phân biệt chủng tộc bên trong tổ chức.

Các nhân viên đang học cách bảo vệ tổng thống thường dành nhiều giờ đồng hồ bên trong "các ngôi nhà tập bắn" thuộc khu huấn luyện của cơ quan Mật vụ ở Beltsville, bang Maryland. Nhìn bên ngoài, các toà nhà được xây dựng giống như các đại sứ quán hoặc văn phòng của chính phủ. Nhưng bên trong, chúng được sắp đặt như các trường quay: các khoảng không rộng lớn và trống rỗng với bối cảnh dễ thay đổi để những người tham gia huấn luyện được trang bị súng bắn sơn, nhập vai vào các tình huống mà họ có thể phải đối mặt khi làm nhiệm vụ bảo vệ vị tổng tư lệnh đất nước và các nhân vật VIP khác.

 

Các mật vụ Mỹ đang làm nhiệm vụ bảo vệ ứng viên tổng thống da màu Barack Obama trong chiến dịch vận động tranh cử ở Texas.
Các mật vụ Mỹ đang làm nhiệm vụ bảo vệ ứng viên tổng thống da màu Barack Obama trong chiến dịch vận động tranh cử ở Texas.

Khoảng giữa trưa ngày 16/4, một quan chức đào tạo của cơ quan Mật vụ đã mở cửa một nhà tập bắn để chuẩn bị dàn dựng cho một buổi huấn luyện sau đó. Các mật vụ được đào tạo để sẵn sàng đối mặt với bất kỳ điều gì xảy đến khi họ bước vào bên trong tòa nhà. Tuy nhiên, viên trung sĩ, một người Mỹ gốc Phi, đã không chuẩn bị cho những gì anh nhìn thấy: một cái thòng lọng, được treo từ các thanh chắn của lồng cầu thang phía trên đầu. Một nhân chứng - người yêu cầu không nêu tên vì tính nhạy cảm của vụ việc, kể rằng: "Đó là một cái dây thừng chắc chắn ... dài gần 2,5m và thòng lọng lơ lửng tầm ngang cổ".

Nếu nói một cách giảm nhẹ thì phản ứng của cơ quan Mật vụ trước sự cố này là "thận trọng". Cơ quan yêu cầu bộ phận chuyên trách các vấn đề nội bộ điều tra vụ việc. Một quan chức hướng dẫn da trắng tại cơ sở tập bắn thừa nhận ông ta là người đã treo sợi dây thừng và bị “cho nghỉ phép có trả lương”. Tuy nhiên, thay vì biến trường hợp của quan chức này thành ví dụ nhằm chuyển tải thông điệp rằng sự định kiến về chủng tộc sẽ không được khoan dung, cơ quan Mật vụ đã ngụy biện về việc liệu đó cuối cùng có phải là một dây thòng lọng hay không.

"Nó không giống một cái thòng lọng truyền thống", Linda Triplett, một mật vụ phụ trách trung tâm đào tạo tuyên bố. Bà thừa nhận rằng: "Nó có thể được coi là một cái thòng lọng và cán bộ cấp cao của chúng tôi chắc chắn đã nhìn nhận nó theo cách đó". Bà Triplett, cũng là một người Mỹ gốc Phi, cho biết cơ quan Mật vụ đang xem xét vụ việc một cách nghiêm túc.

Tuy nhiên, quan chức chịu trách nhiệm, người mà cơ quan không công bố tên, khăng khăng rằng ông ta không có ý gây ra bất cứ sự xúc phạm nào, và cấp trên dường như tin ông ta. "Vào thời điểm này, không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy ông ấy đã có ý định đưa ra một thông điệp chủng tộc", phát ngôn viên cơ quan Mật vụ Eric Zahren khẳng định.

Lảng tránh

Mật vụ Mỹ từng có sự bảo vệ tương tự đối với vụ các bức thư điện tử phân biệt chủng tộc trong giới quan chức cấp cao của tổ chức vừa bị phát giác hồi tháng trước. Một thư điện tử tình nghi được gửi trong năm 2003 có tựa đề "Harlem Spelling Bee" có chứa một danh sách những định nghĩa "đen" của các từ. Một thư điện tử khác lại bao gồm một câu chuyện cười về lối hành hình lynch của những kẻ phân biệt chủng tộc Mỹ đối với người da đen. Các lãnh đạo của cơ quan coi những bức thư điện tử này là "tồi tệ", và Giám đốc Mật vụ Mỹ đã gửi một bản ghi nhớ cứng rắn khuyến cáo các nhân viên dưới quyền rằng những thông điệp được gửi đi từ các tài khoản thư điện tử phục vụ cho công việc "không được là công cụ làm xấu đi hình ảnh" của cơ quan.

Trong khi đó, Phó trợ lý giám đốc James E. Mackin cho rằng các thư điện tử - khoảng hơn 20 bức hoặc tầm như vậy trong số 10 triệu bức nhận và gửi đi suốt 16 năm qua, không chỉ ra một vấn đề lớn. "Liệu 10 thư điện tử hoặc tầm như vậy có là đại diện chính đáng cho cơ quan của chúng tôi? Tôi không nghĩ như vậy", ông nói. Các quan chức nhấn mạnh rằng những thư điện tử trên chỉ là những sự cố riêng lẻ.

Tuy nhiên, Mật vụ Mỹ cũng vấp phải vấn đề về sự đáng tin cậy, một phần vì những bức thư điện tử chỉ được hé lộ sau vài năm được công bố trước tòa. Kể từ năm 2000, cơ quan này đã liên quan đến một vụ tranh tụng pháp lý do đơn khiếu kiện của 10 nhân viên và cựu nhân viên người Mỹ gốc Phi. Lời khai của họ cho thấy những cấp trên da trắng thường phớt lờ họ trong các dịp thăng chức, trong khi những đồng nghiệp da trắng kém phẩm chất hơn lại leo lên các chức vị cao hơn một cách nhanh chóng hơn. Một vài trong số những người khiếu kiện cảm thấy sự nghiệp của họ bị cản trở. Các nguyên đơn đang tìm kiếm mức bồi thường thiệt hại cao nhất vào khoảng 300.000USD cho mỗi người nhưng khẳng định họ quan tâm nhiều nhất đến việc buộc cơ quan Mật vụ phải thay đổi cách hành xử.

Nhưng Mật vụ Mỹ tỏ ra ít hứng thú với yêu cầu đó. Cục Điều tra liên bang (FBI), cơ quan từng đối mặt với một vụ kiện phân biệt đối xử tương tự từ các nhân viên da đen hồi đầu những năm 1990, đã dàn xếp vụ việc và tuyển người mới cũng như áp dụng các quy định đề bạt mới để tránh nguy cơ xuất hiện khuynh hướng phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, Mật vụ Mỹ thậm chí từ chối công nhận đó là một vấn đề. Kể từ năm 2000, cơ quan này đã cố tình lừa dối về vụ việc, đôi khi chống lại lệnh của quan tòa về việc giao nộp các bằng chứng của vụ kiện. Mãi đến tháng trước, Mật vụ Mỹ cuối cùng mới cho công bố các bức thư điện tử phân biệt chủng tộc, vài tuần sau khi họ giao nộp hàng ngàn trang hồ sơ và các bản ghi nhớ nội bộ.

Phản biện

Mới đây, vị thẩm phán, người tái nhắc lại sự bất bình trước phản ứng chậm chạp của Mật vụ Mỹ trước các yêu cầu của bà, dự kiến sẽ tổ chức một phiên tòa về việc liệu toà án có nên trừng phạt nghiêm khắc cơ quan này hay không. Các nguồn tin pháp lý liên quan đến vụ kiện, những người yêu cầu giấu tên khi bàn đến chiến lược tranh tụng, cho biết luật sư của cơ quan Mật vụ đang lo ngại rằng họ có thể đã dồn ép vị thẩm phán đi quá xa. Các luật sư của chính phủ lo ngại vị thẩm phán có thể ra một phán quyết "vắng mặt" có lợi cho các nguyên đơn hoặc có thể hạn chế chứng cứ bảo vệ bên luật sư của cơ quan Mật vụ có thể trình trước tòa.

Luật sư của các nguyên đơn nhận định sự ngăn chặn là bằng chứng cho thấy các quan chức của cơ quan Mật vụ biết rằng có điều gì đó cần che giấu - và rằng những bức thư điện tử và và sự cố dây thòng lọng chứng minh cho văn hóa dung thứ cho những định kiến về chủng tộc.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi các quan chức của cơ quan Mật vụ kể một câu chuyện hoàn toàn khác. Họ nói vẫn chưa giải quyết vụ việc bởi vì những khiếu nại của các nhân viên là sai sự thật. Phát ngôn viên Mật vụ Mỹ Zahren cho hay: "Dàn xếp sẽ là một cách làm đơn giản hơn nhưng cơ quan của chúng tôi bị ràng buộc bởi các nguyên tắc. Chúng tôi không hoàn hảo. Nhưng khi bạn cảm thấy mình đúng, bạn sẽ kiên trì cách thực hiện của mình".

Theo Zahren, hồ sơ của cơ quan Mật vụ cho thấy rằng ngoài việc không hề bị cản trở, những mật vụ da đen còn được thăng chức nhanh như những đồng nghiệp da trắng. "Thực tế, người Mỹ da đen mất ít thời gian hơn để được đề bạt tới các chức vụ quản lý so với các đồng nghiệp da trắng", ông nói. Mật vụ Mỹ cũng đưa ra hàng loạt số liệu thống kê để chứng minh tuyên bố này.

Các luật sư của cơ quan này chắc chắn đã đưa ra hàng loạt con số của riêng họ để bảo vệ điều ngược lại là đúng. Và với phần lớn những tranh cãi về sự phân biệt đối xử, rất khó để tìm ra sự thật. Một cái "có thể là thòng lọng" và một số ít thư điện tử bản thân chúng không thể quy nạp thành "văn hóa phân biệt chủng tộc đang lan rộng". Thành kiến ở các cấp không nhất thiết là bằng chứng cho thấy người da đen đã bị chối bỏ việc thăng chức một cách có hệ thống. Những người Mỹ da đen, kể cả một số nhân viên của Mật vụ Mỹ, đã giữ những vị trí rất cao trong tổ chức; và bản thân một số quan chức giám sát, những người đã ngăn cản việc thăng chức cho các mật vụ da đen, cũng là người da đen.

Tuy nhiên, các mật vụ người Mỹ gốc Phi khẳng định không có gì khó mô tả về sự căng thẳng sắc tộc tại cơ quan họ và người ta hiểu rằng để leo lên đến một vị trí nhất định nào đó cần sự kiên nhẫn và cả việc sẵn lòng giữ im lặng.

Chuyện của người trong cuộc

Tất cả 10 nguyên đơn hoặc từng là đặc vụ, những thành viên ưu tú của Mật vụ Mỹ chuyên bảo vệ tổng thống và những quan chức cấp cao khác của chính phủ. Người đứng sau vụ kiện không phải là kẻ kích động quần chúng. Reginald (Ray) Moore, một nhân viên kỳ cựu đã làm việc ở cơ quan này 24 năm, hiện là người giám sát đội GS-15 - chức vụ cao nhất  trong khối dân chính - và là người đứng đầu bộ phận tuyển dụng của tổ chức. Hiện đã 49 tuổi, ông Moore cho hay bản thân chỉ được đề bạt sau nhiều năm bị những đồng nghiệp da trắng kém khả năng hơn qua mặt.

Ít nhất trên giấy tờ, ông Moore giống như đang trong bước đường thăng tiến nhanh chóng. Ông từng là một thành viên của đội đặc nhiệm an ninh bảo vệ Tổng thống Bill Clinton. Năm 1999, ông đã dẫn đầu một đội những mật vụ bảo vệ 4 tổng thống Clinton, Bush, Carter và Ford tại lễ tang Vua Jordan Hussein. Như một phần thưởng cho những thành tích xuất sắc, ông được bổ nhiệm làm lãnh đạo Trung tâm điều phối các hoạt động chung, quản lý an ninh cho khu liên hợp Nhà Trắng. Mọi người đều tưởng rằng đây sẽ là công việc lâu dài. Tuy nhiên, trong một lời khai, ông nói thay vào đó, vị trí quản lý "đã được trao cho một mật vụ da trắng chưa từng có mặt trong đội bảo vệ tổng thống và chưa từng tham gia Trung tâm điều phối các hoạt động chung".

Các quan chức của cơ quan Mật vụ cho rằng ông Moore không phải là nạn nhân của tình trạng phân biệt chủng tộc. Một trong những quan chức giám sát, có quyền quyết định ai sẽ đảm nhiệm công việc trên cũng là người da đen. Cơ quan Mật vụ giải thích rằng vào thời điểm đó trong tổ chức đang xúc tiến chiến dịch đưa những mật vụ dày dạn kinh nghiệm "trực tiếp chiến đấu" và ông Moore, người được tái điều động đến Dallas, nằm trong số này.

Trong những năm tiếp theo, ông Moore nói đã ra ứng cử nhiều chức vụ khác nhưng thường thì những mật vụ da trắng ít kinh nghiệm hơn đã được đề bạt trước ông. Theo các hồ sơ tòa án, ít nhất 2 lần, những vị trí mà ông Moore mong muốn đã rơi vào tay của họ hàng các cựu lãnh đạo cơ quan Mật vụ. Trợ lý giám đốc cơ quan Mật vụ Mackin không bình luận về những thông lệ tuyển dụng cụ thể nhưng quả quyết: "Tại cơ quan Mật vụ, chúng tôi có rất nhiều nhân viên là con cái, anh em ruột thịt, chồng/vợ hoặc có liên quan tới những người khác trong cơ quan. Đó không phải là điều gì bất thường trong khối hành pháp".

Bị kẹt lại ở cấp bậc trả lương GS-13 trong vòng 11 năm, một khoảng thời gian kéo dài bất thường đối với một mật vụ có kinh nghiệm như ông, ông Moore lần đầu tiên đã làm đơn khiếu nại cơ quan quản lý. Sau đó, vào năm 2000, ông và 9 mật vụ da đen khác có cùng sự bất bình đã khiếu kiện. Chỉ mới gần đây, ông mới được thăng chức.

Các nguyên đơn khác trong vụ kiện đã đưa ra những ví dụ hiển nhiên hơn về cái được cho là sự không khoan dung về sắc tộc. Một trong số đó là trường hợp của Camilla Simms, một đặc vụ 41 tuổi thuộc văn phòng chuyên môn ở Chicago, người gia nhập cơ quan Mật vụ năm 2002. Bà nói rằng bản thân đã rất ngạc nhiên về sự kỳ thị chủng tộc thường diễn ra ở cơ quan. Một ví dụ rõ ràng nhất là vào năm 2003 khi Mật vụ Mỹ phân phát những quyển lịch giới thiệu có in hình hai mật vụ, một nam da trắng và một nữ da đen.

Khi đi khắp cơ quan, Simms nhận thấy trong nhiều quyển lịch của các nhân viên da trắng, mặt của người phụ nữ da đen bị dán giấy trắng. Bà và một số người khác đã phàn nàn và những quyển lịch cuối cùng cũng được vứt bỏ nhưng sau đó bà khẳng định đã bị một số đồng nghiệp da trắng "phớt lờ và tẩy chay". "Tôi là nữ mật vụ da đen duy nhất vào thời điểm đó. Là một thám tử cảnh sát, tôi đã được tạo cơ hội để tỏa sáng. Sau đó, tôi tới làm việc cho cơ quan Mật vụ và tôi cảm thấy như mình đã gặp tai họa", mật vụ Simms kể.

Bất chấp những cảm giác đau buồn khi vụ việc được phanh phui, các nhân viên kiện Mật vụ nói rằng họ vô cùng trung thành với tổ chức. Một số mật vụ lo ngại vụ kiện có thể khiến công chúng có ấn tượng sai lầm rằng cơ quan này sẽ không mang tới cho một ứng cử viên hoặc tổng thống da đen mức độ bảo vệ tương tự như họ sẽ làm đối với các nhân vật ở cùng địa vị là người da trắng.

Các mật vụ da trắng và da đen được phỏng vấn đều nhất quyết rằng sự phân biệt đó sẽ không bao giờ xảy ra. Họ khẳng định bản thân là những người chuyên nghiệp và dù là da trắng hay da đen, họ sẽ không cho phép những cảm giác cá nhân can thiệp vào công việc của mình. "Chúng tôi bảo vệ văn phòng của tổng thống và bất kỳ ai sinh sống ở đó. Những người được chúng tôi bảo vệ sẽ nhận được sự bảo đảm an ninh tốt nhất có thể", ông Moore nhấn mạnh. Theo mật vụ này, dù cơ quan quản lý phạm sai lầm như thế nào thì khi liên quan tới việc bảo vệ sinh mạng của những nhân vật họ được giao trách nhiệm, cơ quan Mật vụ sẽ không định kiến màu da.

  • Thanh Bình (Theo Newsweek)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,