Áp lực lên Tổng thống Musharraf gia tăng kể từ khi các đồng minh của ông thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 2.
Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf phát biểu trước giới truyền thông tại Islamabad hôm 7/6 (Ảnh AFP)
Giới truyền thông trong tuần này đưa tin ông Musharraf đã sẵn sàng từ bỏ ghế lãnh đạo và sống lưu vong ở nước ngoài.
Tuy nhiên, cựu tổng tư lệnh quân đội Pakistan, một đồng minh trung thành của Mỹ, hôm 7/6 lên tiếng khẳng định ông sẽ không từ chức vì áp lực.
Dẫu vậy, ông Musharraf cho biết sẽ rút lui nếu chính phủ mới thành công với kế hoạch "rút tỉa" dần quyền lực của ông cho tới khi ông cảm thấy mình là "một người vô dụng".
"Quốc hội là tối cao. Dù quốc hội quyết định như thế nào đi chăng nữa tôi cũng sẽ chấp nhận điều đó. Nếu tôi nhận thấy mình không còn đóng bất kỳ vai trò gì thì lúc đó tốt nhất là đi chơi golf", ông Musharraf phát biểu trước các phóng viên.
Tổng thống Musharraf, người ít xuất hiện trước công chúng trong mấy tuần gần đây, cho biết ông đưa ra tuyên bố trên bởi vì những đồn đoán xung quanh tương lai của ông đang làm tổn hại đến đất nước. Theo ông, chính phủ nên tập trung vào đối phó với các trở ngại kinh tế, bao gồm những thâm hụt về ngân sách và thương mại cũng như tỉ lệ lạm phát hai con số xuất phát từ việc giá lương thực và dầu mỏ trên thị trường thế giới tăng cao.
"Để đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng này, tôi nghĩ sự hòa giải là chìa khóa của mọi vấn đề. Đối đầu sẽ làm đất nước tụt hậu hơn nữa. Tôi không nghi ngờ về việc chính phủ và thủ tướng muốn đương đầu với tất cả những thách thức này. Tôi sẽ ủng hộ họ", ông Musharraf nói.
Liên minh cầm quyền mới hai tháng tuổi do hai chính khách từng bị cầm tù dưới thời Tổng thống Musharraf đứng đầu, hiện đang chia rẽ vì cách đối xử với ông.
Cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, người bị ông Musharraf lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự năm 1999, đang lãnh đạo đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền. Ông Sharif nhất quyết yêu cầu luận tội ông Musharraf và gây sức ép đòi phục chức cho các thẩm phán đã bị tổng thống đương nhiệm sa thải hồi năm ngoái nhằm ngăn chặn những cản trở pháp lý đối với việc tiếp tục cầm quyền của ông.
Trong khi đó, ông Asif Ali Zardari, chồng của cố Thủ tướng Benazir Bhutto kiêm lãnh đạo đảng đứng đầu liên minh cầm quyền, mới đây đã miêu tả ông Musharraf như một "tàn tích của quá khứ" và cần phải từ chức. Nhưng ông Zardari muốn phục chức cho các thẩm phán để chuẩn bị cho việc soạn thảo hoàng loạt sửa đổi hiến pháp, giúp tước đoạt quyền giải tán quốc hội và bổ nhiệm các tư lệnh quân đội của ông Musharraf.
Một số nhà phân tích nghi ngờ khả năng liên minh cầm quyền có thể nhất trí về một biện pháp giải quyết trọn gói hoặc giành được sự đồng thuận của 2/3 số nghị sĩ để thông qua nó tại quốc hội càng sớm càng tốt.
Các quan chức phương Tây lo ngại rằng chính phủ của Pakistan đang bận tâm tới tương lai của ông Musharraf hơn là các vấn đề kinh tế đang chồng chất cũng như những kẻ Hồi giáo cực đoan đang hoạt động dọc biên giới nước này với Afghanistan.
-
Thanh Bình (Theo AP, Reuters, BBC)